Bị yêu cầu đóng trạm
Để triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng tại trạm thu phí Km152+080 trên Quốc lộ 1 theo đúng tiến độ, kế hoạch, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu Công ty cổ phần Đầu tư BOT Hà Nội - Bắc Giang khẩn trương thực hiện các thủ tục để ký kết phụ lục hợp đồng về việc triển khai dịch vụ tự động không dừng theo yêu cầu của Bộ Giao thông - Vận tải trước ngày 5/7/2019.
Văn bản của Tổng cục Đường bộ Việt Nam ghi rõ: “Sau ngày này, nếu Công ty cổ phần Đầu tư BOT Hà Nội - Bắc Giang chưa ký phụ lục hợp đồng, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ tạm dừng thu phí tại trạm thu phí Km152+080 QL1 từ 12 giờ 00 phút ngày 6/7/2019 cho đến khi Công ty cổ phần Đầu tư BOT Hà Nội - Bắc Giang ký kết phụ lục hợp đồng nêu trên”.
Cũng trong văn bản này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam giao Cục Quản lý đường bộ I phối hợp với Vụ Pháp chế Thanh tra xây dựng phương án phối hợp với các đơn vị chức năng địa phương để thực hiện dừng thu phí tại trạm thu phí Km152+080 Quốc lộ 1 theo tiến độ, thời gian nêu trên nếu nhà đầu tư không thực hiện việc ký phụ lục hợp đồng.
Khó từ khách quan tới chủ quan
Theo ghi nhận của Báo GD&TĐ, trạm BOT Hà Nội - Bắc Giang hiện nay vẫn có 2 làn thu phí tự động. Tuy nhiên rất ít xe đi vào làn đó. Anh Trọng Hùng - lái xe du lịch tuyến Hà Nội - Quảng Ninh cho biết: “Tôi thường xuyên đi qua trạm thu phí này, nhưng do nhu cầu của khách không cố định nên tôi không muốn tạo tài khoản để nộp tiền vào trước”. Những người lái xe như anh Hùng không có thói quen dùng tài khoản ngân hàng nên cũng chỉ dùng vé ngày.
Anh Vũ Hải Luân (Hà Nội) cho biết: “Tôi làm việc ở Hà Nội nhưng quê ở Bắc Giang, thỉnh thoảng tôi có lái xe về quê nhưng vẫn quen sử dụng vé tuyến bởi đoạn cao tốc Hà Nội - Bắc Giang rất ngắn”. Theo anh Luân, mặc dù đã có hướng dẫn đăng ký dán tem, sử dụng thu phí không dừng nhưng do không có nhu cầu nên chỉ sử dụng vé tuyến.
Về vấn đề chủ quan, đại diện nhà đầu tư trạm BOT Hà Nội - Bắc Giang giải thích rằng: BOT Hà Nội - Bắc Giang là trạm đủ hạ tầng để thực hiện thu phí không dừng sớm nhất miền Bắc.
Tuy nhiên, khi đi vào hoạt động, đơn vị cung cấp ứng dụng, phần mềm muốn nhà đầu tư ký phụ lục hợp đồng để trao quyền giám sát, quản lý hoạt động này cho họ.
Theo đại diện nhà đầu tư thì yêu cầu trên của bên cung cấp ứng dụng là sai nguyên tắc “Trường hợp có doanh nghiệp cung cấp ứng dụng, phần mềm thu phí mới thì chỉ là đơn vị cung cấp công nghệ, không thể là đơn vị sở hữu, can thiệp vào quá trình thu phí tại trạm của chúng tôi được”, đại diện nhà đầu tư BOT Hà Nội - Bắc Giang khẳng định.
Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Nguyễn Văn Thanh - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, việc để đơn vị cung cấp ứng dụng giám sát là không cần thiết. “Tiền thu về bao nhiều đã có bên ngân hàng thống kê, báo cáo. Cần gì phải có một bên thứ 3 giám sát làm gì”, ông Thanh phân tích.
Cần xem xét
Ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT) bày tỏ sự kiên quyết về việc yêu cầu Công ty CP Đầu tư BOT Hà Nội - Bắc Giang dừng thu phí nếu như đơn vị này không ký phụ lục hợp đồng, triển khai thu phí không dừng để hoàn vốn đầu tư dự án.
Ông Huyện cũng không chấp nhận bất cứ lý do nào của nhà đầu tư đưa ra. Theo ông Huyện, việc thu phí không dừng là trách nhiệm của các nhà đầu tư BOT. Vấn đề thu phí không dừng đã được Bộ GTVT yêu cầu các nhà đầu tư làm từ lâu nhưng họ lại không thực hiện.
Trái quan điểm của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thanh khẳng định: “Việc Tổng cục Đường bộ Việt Nam quyết định yêu cầu BOT Hà Nội - Bắc Giang tạm dừng thu phí từ ngày 6/7 là quá khắt khe”.
Theo ông Thanh, quyết định của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu từ ngày 1/1/2020 tất cả các trạm BOT mới phải thực hiện thu phí không dừng.
Chính vì vậy, việc Tổng cục Đường bộ Việt Nam đưa ra thời hạn ngày 6/7 đối với BOT Hà Nội - Bắc Giang là quá sớm và cần xem xét lại. Ông Thanh phân tích thêm, việc thực hiện thu phí không dừng là bắt buộc phải làm để tránh thất thu, gian lận. Tuy nhiên, thực hiện chuyển đổi bắt buộc phải có lộ trình, phải thay đổi từ cơ sở hạ tầng đến thói quen của người dân.
TS Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông cũng đồng quan điểm về việc triển khai trạm thu phí không dừng. “Khi trạm thu phí không dừng được triển khai, doanh thu của các trạm sẽ tránh được nguy cơ thất thoát, giảm thời gian thu phí đầu tư hồi vốn dự án và tránh tắc đường”, ông Thuỷ phân tích.
Tuy nhiên, ông Thuỷ cũng nhắc lại mốc thời gian Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã hứa trước toàn nhân dân sẽ hoàn thành việc thu phí không dừng tại tất cả các trạm BOT trên cả nước là vào cuối năm 2018. Đến thời điểm trên, ngành giao thông phải có thái độ cứng rắn, buộc các nhà đầu tư thực hiện việc thu phí không dừng để lấy lại niềm tin với người dân.