Bí mật kho báu của tên cướp biển khét tiếng bậc nhất lịch sử

Với bộ râu rậm rạp đã thành thương hiệu, Râu Đen được cho là một trong những tên cướp biển nổi tiếng nhất trong lịch sử, là nỗi ám ảnh của những thương lái buộc phải di chuyển trên biển.

Con tàu Edward sử dụng.
Con tàu Edward sử dụng.

Nguồn gốc biệt danh Râu Đen

Những năm 1700 chính là “thời đại hoàng kim” của những tên cướp biển. Vào thời kỳ đó, tàu cướp biển hoành hành khắp Đại Tây Dương, sục sạo cướp bóc quanh những cảng biển sầm uất ở Ấn Độ Dương và dọc bờ biển khu vực Bắc Mỹ. Một trong những tên cướp biển nổi tiếng nhất thời kỳ đó chính là “Râu Đen”.

Theo nhiều ý kiến, Râu Đen tên thật là Edward Teach, cũng có người nói là Edward Thatch. Hầu hết các sử gia đều cho rằng Râu Đen sinh vào khoảng năm 1680 ở Bristol, Anh. Việc Edward biết đọc và biết viết cho thấy Edward sinh ra trong một gia đình có tiền.

Cũng giống như hầu hết những tên cướp biển khác, chẳng ai biết nhiều về tuổi thơ của Râu Đen, chỉ biết rằng Edward đã bắt đầu ra biển khi còn rất trẻ. Trong suốt thời gian xảy ra Chiến tranh kế vị Tây Ban Nha, còn được gọi là Chiến tranh Nữ hoàng Anne từ năm 1701 đến 1714, Edward làm việc trên các con tàu tư nhân, lênh đênh trên biển.

Ở thời kỳ đó, nhiều tàu tư nhân có thể nói là các tàu cướp biển đã được hợp pháp hóa. Bởi trên thực tế, chính phủ Anh cho phép những tàu tư nhân được tấn công và bắt giữ các tàu buôn của kẻ thù. Sau đó, phần tài sản thu giữ được sẽ được chia cho chính phủ và những thủy thủ đoàn trên các tàu tư nhân này.

Khi chiến tranh kết thúc, hoạt động cướp bóc của các tàu tư nhân không còn được bảo hộ như trước. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc Edward có nguy cơ mất đi sinh kế và không thể thỏa được ước nguyện phiêu lưu trên biển. Trong bối cảnh như vậy, Edward quyết định cùng một số đồng phạm dấn thân vào hoạt động cướp biển.

Nhà khảo cổ học hàng hải và sử học David Moore đã dành thời gian đáng kể để tìm hiểu về Râu Đen. Qua những tài liệu thu thập được, ông cho rằng, trong khoảng thời gian từ năm 1714 - 1717, Râu Đen hoạt động ở khu vực ngoài khơi các đảo Delaware và Chesapeake dưới sự điều hành của hai thuyền trưởng trên các tàu cướp biển tên Benjamin Thornigold và Stede Bonnet.

Trên tàu của Thuyền trưởng Thornigold, Râu Đen thường điều khiển tàu di chuyển từ vùng biển thuộc khu vực Tây Ấn tới đất liền của nước Mỹ, khống chế những con tàu di chuyển trên tuyến đường đó để cướp hàng hóa, từ bột mỳ, rượu cho đến lụa và vàng thỏi.

Cuối năm 1717, khi đã chán làm việc dưới trướng của người khác, Râu Đen quyết định cướp một tàu buôn lớn đang trên đường tới đảo Martinique của Pháp và tự xưng là thuyền trưởng trên tàu. Ngoài ra, Edward cũng tự trang bị một số ụ súng để biến con tàu thành tàu chiến và đổi tên con tàu thành Sự trả thù của Nữ hoàng Anne.

Ít lâu sau khi Râu Đen trở thành thuyền trưởng trên con tàu của riêng mình, giới chức Anh thực hiện chính sách thực hiện chính sách tha bổng cho những tên cướp biển đồng ý “cải tà quy chính”. Hàng loạt những tên cướp biển sừng sỏ đồng ý từ bỏ “nghề” cướp biển, nhưng Râu Đen thì không mảy may suy nghĩ về việc này.

Vốn là một người đàn ông cao lớn với giọng nói ầm ầm như sấm, Râu Đen còn luôn cố tạo một vẻ bề ngoài đáng sợ. Edward nuôi chòm râu màu đen xồm xoàm và thường lấy dây màu đen buộc xoắn lại như những bím tóc, dài gần đến gối và che gần kín khuôn mặt.

Trước khi thực hiện bất kỳ vụ cướp biển hay hoạt động nào, Edward thường nhét những mẩu dây gai được tẩm nitrat vào chòm râu này.

Quá trình cháy từ từ của những sợi dây gai sẽ tạo ra những làn khói màu đen dày đặc xung quanh chòm râu, khiến vẻ bề ngoài của Edward trở nên kỳ quái, thậm chí còn được ví như một con quỷ sống. Cũng chính chòm râu này đã khiến Edward có biệt danh Râu Đen.

“Em trai của quỷ dữ”

Thuyền trưởng Charles Johnson, tác giả của một cuốn sách về đề tài lịch sử cướp biển được xuất bản sáu năm sau khi Râu Đen qua đời, miêu tả về Edward như sau: “Thuyền trưởng Teach có biệt danh Râu Đen vì bị râu che phủ toàn bộ khuôn mặt. Chòm râu đó màu đen, được nuôi vô cùng dài và cũng chiếm diện tích rất rộng, lên đến tận mắt.

Người ta sợ Edward thậm chí còn hơn sợ sao chổi. Edward thường đeo rất nhiều súng quanh mình. Đôi mắt Edward lúc nhìn vào vô cùng dữ tợn và hoang dại. Tất cả những yếu tố đó khiến Edward trở thành một kẻ có bề ngoài đáng sợ, giống như từ địa ngục trở về”.

Phác thảo chân dung Râu Đen.

Những hành vi của Edward cũng góp phần khiến cho “danh tiếng” vang xa hơn. Theo các ghi chép, Edward cướp bóc ở khắp mọi nơi, không tha bất cứ con tàu nào.

Đôi khi, Edward cũng thực hiện chính sách bắt giữ người để đòi tiền chuộc. Gã cướp biển cũng nổi tiếng vì có thể không ngại ngần cắt ngón tay của các nạn nhân chỉ vì họ chậm trễ tháo nhẫn đưa cho Edward hay ném các con tin xuống biển cho cá mập.

Một trong những điểm khiến tên này trở nên đáng sợ hơn cả chính là tính bạc bẽo, sẵn sàng xuống tay cả những thủy thủ đoàn trên tàu của Edward mà không hề báo trước.

Với những hành vi như vậy, Râu Đen trở thành nỗi ám ảnh của những thủy thủ đoàn trên những đoàn tàu chở hàng và cả thuộc hạ của Edward, được ví như “em trai của quỷ dữ”.

Sau một thời gian lênh đênh trên biển, Râu Đen quyết định tới thị trấn Bath ở bang Bắc Carolina, Mỹ để xin lệnh ân xá hoàng gia đối với hải tặc. Do là một thuộc địa của Anh nên chính quyền Bắc Carolina khi đó có thể áp dụng việc ân xá này.

Tuy nhiên, việc ân xá chỉ là vỏ bọc, giúp Edward “xóa” được danh xưng cướp biển và tiếp tục “hành nghề” mà không sợ bị trừng phạt. Trong suốt một vùng rộng lớn, tên này tiếp tục tác oai tác quái, cướp bóc không biết bao nhiêu thuyền buồm của người dân địa phương. Đổi lại, Edward phải chia số của cải cướp được cho Thống đốc Bắc Carolina khi đó là ông Charles Eden.

Biết được hành vi của Thống đốc Eden, những lái buôn địa phương đã đề nghị Thống đốc bang Virginia giúp đỡ, bảo vệ họ khỏi nạn cướp biển. Tháng 11/1718, Thống đốc Thomas Spotswood tuyên bố trao thưởng lớn cho người nào bắt giữ hay tiêu diệt được Edward và những thủy thủ trên tàu.

Ngoài ra, ông cũng viện đến sự giúp đỡ của hải quân Anh để giúp bắt giữ kẻ cướp biển khét tiếng hung bạo này. Với sự chỉ huy của Trung úy Robert Maynard, một sỹ quan đầy kinh nghiệm, hai tàu của Anh sau đó đã truy đuổi, vây bắt và cuối cùng cũng đã tiêu diệt được Teach vào ngày 21/11/1718. Chiếc đầu với chòm râu nổi tiếng của Edward đã được treo ở bờ biển để cảnh báo những tên cướp biển khác.

Kho báu khổng lồ

Có ý kiến cho rằng, trong suốt “sự nghiệp” của mình, Râu Đen đã cướp được cơ man của cải, có giá trị lên đến hàng trăm triệu USD. Tên cướp biển khét tiếng này đã đem chôn số tài sản tích lũy được ở dọc ven biển những nơi Edward thường xuyên đi lại.

Tuy nhiên, cho đến tận khi bị chặt đầu, Edward vẫn không hé răng tiết lộ vị trí chôn giấu kho báu của mình và nói rằng “chỉ có Edward và ma quỷ biết được điều này”.

Chính vì vậy nên cho đến tận hiện nay, ở khu vực phía Bắc Delaware vẫn còn lưu truyền những câu chuyện cho rằng ở đâu đó sâu trong lòng đất ở đây chứa đầy vàng bạc, châu báu và những cổ vật quý trong kho báu của Edward.

Cũng với niềm tin này nên rất nhiều thợ săn kho báu đã tìm đến đây để đào bới. Một số người tuyên bố đã phát hiện những bằng chứng đáng chú ý. Có điều dù đã dùng những máy dò kim loại, hình ảnh vệ tinh và không gian nhưng cho đến nay vẫn chưa có người nào công khai tuyên bố tìm được vàng bạc hay đồ trang sức của tên cướp biển khét tiếng.

Trong khi đó, năm 1996, người ta đã phát hiện xác của con tàu Sự trả thù của Nữ hoàng Anne từng được Edward sử dụng. Kể từ đó cho đến nay, các nhà khảo cổ đã tiến hành trục vớt được 22 ụ pháo và hơn 22.000 hiện vật trên con tàu này. Chính những phát hiện trên đã đưa đến nguồn thu lớn cho bang Bắc Carolina, giúp bang này thúc đẩy đáng kể ngành du lịch ở địa phương.

Trong đó, chỉ riêng các cuộc triển lãm các hiện vật trục vớt được tại Bảo tàng hàng hải North Carolina ở Beaufort đã thu hút khoảng 300.000 du khách mỗi năm. Ngoài ra, các hiện vật này, bao gồm một ụ súng nặng hàng trăm kg, cũng đã được đưa tới trưng bày ở nhiều nơi khác trên khắp nước Mỹ.

Theo baophapluat.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ