Bóng đá Việt Nam 'khủng hoảng' - Bài 2: Sai ngay từ đầu

GD&TĐ - Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã sai lầm khi lựa chọn huấn luyện viên Troussier và chung tay “nhảy múa” theo giấc mơ World Cup...

Cầu thủ ngoại của Hà Nội FC (bên phải) và Nam Định trong trận đấu vòng 14 V-League 2023 - 2024. Ảnh: VPF.
Cầu thủ ngoại của Hà Nội FC (bên phải) và Nam Định trong trận đấu vòng 14 V-League 2023 - 2024. Ảnh: VPF.

>>> Bóng đá Việt Nam 'khủng hoảng': Philippe Troussier phải ra đi

Song ở chiều ngược lại, chiến lược người Pháp cũng phải chịu trách nhiệm với rất nhiều vấn đề xảy ra xung quanh đội tuyển Việt Nam. Những cái sai đó đã đẩy bóng đá Việt Nam rơi nhanh trên bảng xếp hạng FIFA, cũng như dấu hiệu khủng hoảng ngày một rõ.

Chệch mục tiêu, mất định hướng

Thất bại 0-3 trước Indonesia đêm 26/3 đã giáng một đòn quá mạnh vào lòng tự tôn của người hâm mộ Việt Nam. Nhưng có lẽ đó là sự thật trần trụi cần thiết để chúng ta thấy rõ hơn mình đang đứng ở đâu ngay chính ở “vùng trũng” Đông Nam Á.

“Giành vé tham dự World Cup 2026”, hay mục tiêu xa hơn “World Cup 2030” cùng những chỉ tiêu tầm châu lục được đặt ra giờ đây chỉ là sự hão huyền, ảo tưởng trong tâm thế mông lung không biết mình là ai. Điều đó khiến đội tuyển quốc gia chệch choạc những bước chân yếu ớt trên hành trình mờ mịt.

Chức vô địch AFF Cup 2018, thành tích tứ kết ASIAN Cup 2019 và có mặt ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 cộng với việc FIFA tăng số lượng đội tham dự World Cup 2026 khiến chúng ta rơi vào trạng thái tâm lý suất dự World Cup không khó, cánh cửa đã rộng mở.

Cơn say mang tên World Cup sâu hơn bao giờ hết khi đội tuyển Việt Nam được dẫn dắt bởi một huấn luyên viên tên tuổi, đẳng cấp World Cup, ông Philippe Troussier. Cùng với việc đội U23 Việt Nam giành Huy chương Vàng 2 kỳ SEA Games liên tiếp (2019 và 2022), người Việt Nam tin rằng, vé World Cup đã đến gần hơn bao giờ hết.

Điều đáng nói ở chỗ, người hâm mộ có thể tự cho mình cái quyền mộng mơ, bay bổng với những điều kỳ diệu, song tầm quản lý cụ thể là VFF đáng ra cần đánh giá thẳng thắn về thực trạng bóng đá Việt Nam, từ đó xây dựng được chiến lược phù hợp, hiệu quả.

Thậm chí, cần lắm những quyết định mang tính cải tổ, ứng biến với các vấn đề phát sinh trong từng giai đoạn trên một lộ trình dài hơi, đi từ thấp đến cao, từ dễ đến khó, chứ không phải theo kiểu “được chăng hay chớ”, hoặc phó mặc cho các câu lạc bộ đào tạo trẻ như nhiều năm qua.

Trên thực tế, ngay từ thời điểm ông Troussier ký hợp đồng 3 năm với VFF (tháng 2/2023), câu hỏi bóng đá Việt Nam lấy gì để cạnh tranh suất World Cup được đặt ra trong mối hoài nghi rất lớn.

Ngay ở giai đoạn đỉnh cao, đội hình tốt nhất dưới tay ông Park Hang Seo đã thua be bét ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022. Sau 10 trận, đội tuyển Việt Nam thắng 1, hòa 1, thua 8 trận; ghi 8 bàn và thủng lưới 19 bàn, xếp cuối bảng. Chiến lược gia người Hàn chủ động ra đi trong tư thế người hùng, bởi ông hiểu, giai đoạn thăng hoa của bóng đá Việt Nam đã hết, một thế hệ vàng đang đi xuống, trong khi đòi hỏi thành tích ngày càng cao.

Trong giai đoạn đi hết từ vinh quang này đến vinh quang khác, không ít lần chiến lược gia người Hàn bằng nhiều cách đã gửi đi thông điệp mang tính “cảnh báo” đến những người có trách nhiệm với bóng đá Việt Nam.

Huấn luyện viên Park Hang Seo từng đề cập rằng, muốn có suất đi World Cup hay Olympic (đội U23), bóng đá Việt Nam cần bắt tay xây dựng lực lượng từ lứa U8, U10 cùng một chiến lược tổng thể tầm quốc gia, đồng thời, không ít lần ông than phiền về thực trạng các tiền đạo nội không được thi đấu thường xuyên ở câu lạc bộ, dẫn đến việc đội tuyển Việt Nam không có trung phong chất lượng.

Một vài ví dụ trên cho thấy bóng đá Việt Nam đang ở đâu, thiếu và phải làm gì để phát triển? Những câu hỏi này cần được trả lời rõ ràng hơn là chạy theo cái đích ngoài tầm với mang tên World Cup.

Nền tảng của bất cứ nền bóng đá nào cũng là hệ thống các câu lạc bộ với giải vô địch quốc gia. Liên đoàn Bóng đá Việt Nam biết điều đó, song làm gì để xây dựng hệ thống đào tạo có định hướng dài hạn, cải thiện chất lượng hệ thống thi đấu quốc gia cùng nhiều vấn đề khác đã được nhận diện vẫn chỉ là câu chuyện trên giấy.

Câu lạc bộ có thể vung tiền mua cầu thủ, “đốt cháy giai đoạn” để giành chức vô địch, chứ đội tuyển quốc gia thì không thể.

Rõ ràng bóng đá Việt Nam không mạnh như người hâm mộ nghĩ. Vị thế không vững chắc như lâu nay chúng ta vẫn tin như thế. Tất cả đến giờ chỉ mang tính chu kỳ. Một lứa cầu thủ tốt gặp huấn luyện viên như ông Park dễ thành công.

Còn đội tuyển hiện nay, lứa cầu thủ vàng đã ở bên kia sườn dốc và tinh thần cũng đi xuống, nhóm trẻ không có cầu thủ giỏi thì thất bại của ông Troussier là kết quả tất yếu. Chiến lược gia người Pháp như người khổng lồ đứng trên đôi chân đất sét khi ông cầm đội tuyển Việt Nam hướng đến World Cup. Đó là cái đích viển vông!

Bóng đá Việt Nam không chỉ cần huấn luyện viên giỏi cho các đội tuyển quốc gia, mà chúng ta phải có một tổng công trình sư đủ năng lực tái cấu trúc cả nền bóng đá.

Giải vô địch quốc gia mạnh, đội tuyển quốc gia tất yếu sẽ mạnh. Thất bại nếu có chỉ mang tính thời điểm, hoặc bước lùi tạm thời. Một huấn luyện viên tài năng đến đâu cũng không thể tạo ra thành công bền vững cho đội tuyển, mà nó phải đến từ nội lực, chiến lược. Còn không, một lần nữa nhắc lại thành công chỉ mang tính chu kỳ và những gì chúng ta đang trải qua đã chứng minh điều đó.

Các cầu thủ Việt Nam sau trận thua Indonesia tại Mỹ Đình. Ảnh: INT.

Các cầu thủ Việt Nam sau trận thua Indonesia tại Mỹ Đình. Ảnh: INT.

Lỗi nào của ông Troussier?

3 trận thua liên tiếp trước Indonesia và sự tụt hậu của bóng đá Việt Nam cũng có lỗi trực tiếp của huấn luyện viên Troussier. 13 tháng trôi qua, tính từ ngày ông ký hợp đồng và ra đi, dấu ấn đọng lại chỉ là những phát ngôn gây sốc cùng nhiều mục tiêu dang dở, có thể do mất định hướng hoặc thiếu thực tế cùng cách hành xử chưa thực sự phù hợp với văn hóa người Việt Nam.

Trong ngày ký hợp đồng, huấn luyện viên Troussier khiến nhiều người “bàng hoàng” với tuyên bố, mục tiêu dự World Cup là lý do ông chấp nhận đề nghị công việc từ VFF.

Ngoài ra, chiến lược gia người Pháp tự tin cho biết, người tiền nhiệm Park Hang Seo đã có thành tích tuyệt vời 5 năm qua. Ông cần vượt qua giới hạn đó và đối diện thử thách ở cấp độ cao hơn. Cùng với những tuyên bố “ồn ào” trên, ông Troussier cũng đề cập đến cuộc cách mạng về lối chơi, chiến thuật ở đội tuyển Việt Nam.

Quả thật, huấn luyện viên Troussier không kế thừa bất cứ di sản nào từ người tiền nhiệm Park Hang Seo. Bắt đầu từ lối chơi với 2 từ “kiểm soát” hiện đại hơn, có khả năng giúp đội tuyển Việt Nam bay cao.

Thực tế, câu chuyện lối chơi dưới thời huấn luyện viên Troussier có 2 vấn đề. Thứ nhất, chẳng có lối chơi nào là nhất cả. Thực dụng có cái hay và kiểm soát có cái tốt của nó. Lối chơi nào để phù hợp với lực lượng mình có mới là điều quan trọng.

Chiến lược gia người Pháp cả năm cố gò các học trò chơi kiểm soát bóng chẳng khác nào bắt học sinh trung bình học trường chuyên, lớp chọn và ông quên mất rằng, đơn giản nhưng hiệu quả, nhanh, mạnh và chính xác mới là giá trị cần hướng đến của bóng đá đỉnh cao.

Chúng ta có thể đồng tình rằng, đội tuyển Việt Nam đã chơi khá tốt ở một số thời điểm, trong một số trận. Điều đó thể hiện ở tỷ lệ kiểm soát bóng, số đường chuyền chính xác. Nhưng nó chỉ phát huy tác dụng khi thầy trò huấn luyện viên Troussier đụng độ đối thủ ngang cơ, hoặc yếu hơn.

Gặp những đối thủ mạnh hơn, giỏi hơn như Hàn Quốc, Nhật Bản thì chúng ta kiểm soát nổi thế trận không? Hay kiểm soát chỉ là chuyền đi, chuyền lại ở phần sân nhà rồi để mất bóng khiến đồng đội ở hàng phòng ngự vất vả, hay bế tắc trong phương án tiếp cận khung thành đối phương. Vậy chơi “kiểm soát” để làm gì?

Không chỉ thất bại, đúng hơn là cứng nhắc về triết lý và lối chơi, huấn luyện viên Troussier còn có vấn đề về cách dùng người. Trẻ hóa đội tuyển là việc cần làm, mang tính liên tục với bất cứ đội bóng nào. Tuy nhiên, trẻ hóa như thế nào để bảo đảm hiệu quả, thành tích và những mục tiêu ngắn hạn cũng như điều kiện thực tế, anh có gì trong tay lại là câu chuyện khác.

Troussier đã tiến hành trẻ hóa đội tuyển Việt Nam theo xu hướng đập đi xây mới. Rất nhiều cầu thủ dày dạn kinh nghiệm, phong độ tốt không được trọng dụng. Thay vào đó là một lứa cầu thủ trẻ còn non cả chuyên môn và bản lĩnh lên tuyển.

Tất nhiên, huấn luyện viên Troussier có quyền làm việc đó và ông phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Nhưng điều đáng nói nằm ở cách ứng xử. Không phải tất cả những cái cũ đều là đồ bỏ đi, cũng như không phải những người mới đều có thể gánh vác trọng trách đội tuyển. Đó có thể là sai lầm lớn nhất của ông thầy người Pháp.

Từ loạt trận vòng loại World Cup 2026 tháng 11, đến vòng bảng ASIAN Cup 2023 và loạt trận tháng 3 vừa qua, vấn đề nhân sự đội tuyển và cách dùng người của ông Troussier luôn gây tranh cãi, bị chỉ trích. Đơn cử như trường hợp của thủ môn Văn Lâm, Tiến Linh, Hoàng Đức và gần đây, Quang Hải không được đá phút nào trong 2 trận gặp Indonesia.

Chiến lược gia người Pháp toan tính gì? Không ai hiểu nổi. Phải chăng tuổi tác khiến ông “nhầm lẫn”, hay sự khác biệt văn hóa nào đó tạo ra sóng ngầm ở đội tuyển?

Không phải vô cớ mà sau trận thua Indonesia 0-3 tại Mỹ Đình, nhiều ý kiến đã đề cập đến khả năng xấu, nhiều tuyển thủ không đá đúng sức!? Tất nhiên, đây chỉ là nghi vấn không căn cứ và không ai muốn tin, song với bóng đá Việt Nam, điều đó cũng không phải là cái gì đó quá ghê gớm. Có chăng, ông Troussier nên tự trách mình khi không thuộc bài trong đối nhân xử thế. Một vài gương mặt trẻ sống chết với ông thầy người Pháp chưa đủ tạo ra một tập thể mạnh, đoàn kết ở tầm đội tuyển quốc gia.

Chưa hết, hình ảnh huấn luyện viên Troussier trong mắt người hâm mộ và truyền thông cũng không đẹp. Sau mỗi trận thua, cụ thể ở Mỹ Đình vừa qua, các cầu thủ đi quanh sân cảm ơn cũng như có hành động xin lỗi người hâm mộ, nhưng nhà cầm quân người Pháp lại vui vẻ trò chuyện với các trợ lý, hoặc thành viên của đội bóng đối thủ. Hình ảnh này bị coi là phản cảm, thậm chí rất xấu trong mắt khán giả Việt Nam. Có cảm giác những gì ông thầy 69 tuổi này làm với đội tuyển Việt Nam giống như “kẻ khai sáng” chứ không phải một huấn luyện viên, người bạn đồng hành cùng bóng đá Việt Nam.

Troussier cũng hiếm khi nhận trách nhiệm, hoặc nhìn thẳng vào sự thật. Thay vào đó là tâm lý né tránh thất bại, đổ lỗi cho hoàn cảnh và không chịu thay đổi. Đội tuyển có lúc thắng, lúc thua, nhưng nhà cầm quân người Pháp đã sai và phải ra đi có nguyên nhân về cách hành xử. Bài học đắt giá cho bóng đá Việt Nam.

Ông Hoàng Anh Tuấn đã được LĐBĐ Việt Nam bổ nhiệm giữ chức huấn luyện viên đội tuyển U23 Việt Nam. Nhiệm vụ quan trọng đầu tiên của chiến lược gia 56 tuổi này là tham dự Vòng chung kết U23 châu Á 2024, tổ chức tại Qatar vào tháng tới.

U23 Việt Nam hội quân từ ngày 5/4 tại Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam và lên đường đi Qatar vào ngày 8/4. Về lịch thi đấu, U23 Việt Nam sẽ ra quân gặp U23 Kuwait vào ngày 17/4, U23 Malaysia ngày 20/4 và U23 Uzbekistan ngày 23/4.

Trước khi được bổ nhiệm dẫn dắt đội U23 Việt Nam, huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn phụ trách công tác tuyển chọn và huấn luyện các đội trẻ quốc gia từ năm 2022. Gần nhất, ông dẫn dắt U20 Việt Nam tham dự giải U20 châu Á tại Uzbekistan vào tháng 3/2023.

Đặc biệt, ông Tuấn đã xuất sắc đưa U23 Việt Nam vô địch U23 Đông Nam Á 2023. Cách đây 8 năm, huấn luyện viên này đã đi vào lịch sử bóng đá Việt Nam khi dẫn dắt U19 Việt Nam lọt top 4 châu Á, qua đó giành quyền tham dự U20 World Cup 2017.

_________________________________________

Bài 3: Chọn huấn luyện viên mới theo tiêu chí nào?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.