Khoảng cách quá lớn
Cuộc đua World Cup ở châu Á gần như chỉ là trận chiến của nhóm đầu, gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran, Austrailia và Ả Rập Xê-út. Những đội bóng nhóm 2 từng “xé rào” vượt lên không nhiều.
Nhìn lại lịch sử 92 năm giải đấu thế giới, từ năm 1930 đến World Cup 2022, có thể kể đến Cộng hòa DCND Triều Tiên 2 lần (1966 và 2010), Israel (1970), Kuwait (1982), Iraq (1986), UAE (1990), hay gần đây có Trung Quốc (2002) và Qatar nhưng trong vai trò chủ nhà World Cup năm 2022. Ngoại trừ trường hợp hi hữu của Indonesia năm 1938, các đội bóng Đông Nam Á chưa đủ tầm vóc chạm đến giải đấu đỉnh cao thế giới.
Tại vòng loại thứ 3 World Cup 2026 khu vực châu Á, 18 đội sẽ chia làm 3 bảng, mỗi bảng 6 đội. Các đội thi đấu vòng tròn 2 lượt để chọn ra 2 đội nhất nhì mỗi bảng giành vé dự World Cup 2026. Hai đội xếp thứ 3 và 4 mỗi bảng sẽ bước vào vòng loại thứ 4.
Ở vòng loại thứ 4, 6 đội sẽ được chia làm 2 bảng, mỗi bảng 3 đội. Sau khi đá vòng tròn 2 lượt sân nhà và sân khách, đội dẫn đầu mỗi bảng sẽ giành vé dự World Cup 2026. Hai đội đứng nhì mỗi bảng sẽ đá với nhau (2 lượt đi và về) và đội thắng sẽ đại diện châu Á đá play-off liên khu vực.
Lễ bốc thăm chia bảng vòng loại thứ 3 World Cup 2026 sẽ diễn ra tại Kuala Lumpur (Malaysia) vào ngày 27/6 tới.
Tuy nhiên, với việc World Cup 2026 có tới 48 thay vì 32 suất tham dự vòng chung kết, châu Á được nâng từ 5 lên 8,5 suất (gồm 1 đội dự vòng play-off), cơ hội mở ra cho nhiều đội bóng, gồm cả các đại diện đến từ Đông Nam Á. Việt Nam, Thái Lan, Malaysia hay Indonesia nhanh chóng vạch ra chiến lược nhằm hiện thực hóa giấc mơ World Cup.
Nhưng kết thúc vòng loại thứ 2 World Cup 2026 khu vực châu Á, trong số 7 đại diện của Đông Nam Á chỉ Indonesia giành quyền đi tiếp. Như vậy, ở kỳ World Cup 48 đội lần đầu tiên, Đông Nam Á cũng chỉ có 1 đội vào đến vòng loại cuối cùng, giống như vòng loại World Cup 2022 (Việt Nam) và World Cup 2018 (Thái Lan).
Thái Lan có lẽ là đội bóng tiếc nuối nhất, khi có quyền tự quyết trong tay ở lượt đấu cuối cùng vòng loại thứ 2. Trên sân nhà Rajamangala, họ có thể giành quyền vào vòng 3 nếu như đánh bại Singapore với cách biệt 3 bàn, bởi ở trận đấu trước đó, đội bóng cạnh tranh vị trí nhì bảng Trung Quốc để thua 0 - 1 trước Hàn Quốc.
Thái Lan có trận đấu áp đảo Singapore, song khả năng chuyển hóa các cơ hội thành bàn thắng không như mong đợi, khiến họ chỉ thắng 3 - 1. Kết quả, Thái Lan có cùng 8 điểm so với Trung Quốc, hai đội cũng bằng nhau ở tất cả chỉ số phụ như bàn thắng/bại (9 bàn thắng, 9 bàn thua). Song, Thái Lan xếp dưới Trung Quốc bởi kém chỉ số đối đầu. Trận lượt đi Thái Lan thua Trung Quốc 1 - 2, hai đội sau đó hòa nhau 1 - 1 ở lượt về.
18 đội giành quyền vào vòng loại thứ 3 World Cup 2026 khu vực châu Á gồm: Qatar, Kuwait (bảng A), Nhật Bản, Triều Tiên (bảng B), Hàn Quốc, Trung Quốc (bảng C), Oman, Kyrgyzstan (bảng D), Iran, Uzbekistan (bảng E), Iraq, Indonesia (bảng F), Ả Rập Xê-út, Jordan (bảng G), UAE, Bahrain (bảng H), Australia và Palestine (bảng I).
Ngoài một vài đội bóng được cho là có yếu tố bất ngờ là Indonesia, hay đội tuyển Palestine ở bảng I, danh sách này đã hội tụ đầy đủ những anh tài của bóng đá châu lục. Nhóm 5 đội hàng đầu châu lục, như đã nêu ở đầu bài, nhiều khả năng sẽ chiếm 5 suất. 3,5 suất tiếp theo sẽ là cơ hội cho 13 đội bóng còn lại. Cuộc đua này mới hứa hẹn gay cấn và khó lường.
Đội tuyển Thái Lan là đại diện Đông Nam Á có số lần tham dự vòng loại tranh vé trực tiếp tham dự World Cup nhiều nhất với 2 lần. Theo thống kê, sau 16 trận đã đấu tại vòng loại thứ 3 World Cup 2002 và 2018 khu vực châu Á, đội bóng xứ chùa vàng chưa giành một lần chiến thắng, có 6 trận hòa và 10 thất bại, cả hai lần đều xếp bét bảng.
Đội tuyển Việt Nam lần đầu lọt vào vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á và giành chiến thắng lịch sử trước đội tuyển Trung Quốc cách đây gần 2 năm, nhưng cũng không thoát khỏi vị trí cuối bảng. Chung cuộc, kết thúc 10 trận vòng đấu này, thầy trò huấn luyện viên Park Hang Seo khi đó thắng 1, hòa 1 (1 - 1 trước Nhật Bản) và thua tới 8 trận.
Những con số đó phần nào cho thấy khoảng cách quá lớn về chuyên môn giữa các đội Đông Nam Á so với nhóm đội mạnh châu lục khi bước vào vòng đấu loại cuối cùng.
Giấc mơ World Cup 2026 của Đông Nam Á giờ chỉ còn đặt lên vai đội tuyển Indonesia. Tuy nhiên, đội bóng xứ Vạn đảo khó có thể tạo ra kết quả nào tích cực hơn so với những đại diện trước đó của khu vực ở vòng loại tranh vé trực tiếp đi World Cup.
Nhìn từ vòng loại thứ 2, Indonesia may mắn khi đối thủ cứng nhất là đội tuyển Việt Nam lại sa sút và khủng hoảng dưới tay huấn luyện viên Philippe Troussier. Người Indonesia tận dụng tốt thời cơ vàng để giành trọn 6 điểm trong 2 lần gặp Việt Nam. Vậy nên, giá như đội tuyển Việt Nam không bất ổn, kéo dài xuyên suốt gần một năm qua thì rất có thể chúng ta đã bước vào vòng loại thứ 3 chứ không phải người Indonesia.
Cũng ở vòng loại thứ 2, đội tuyển Indonesia thua khá dễ trong cả 2 trận lượt đi và về trước Iraq, đội bóng có thứ hạng thấp ở nhóm đầu châu lục. Từ đó, huấn luyện viên Shin Tae-yong lấy gì để đi World Cup khi đối thủ sắp tới đều là những đội rất mạnh? Cơ hội tham dự World Cup 2026 với Indonesia chỉ tồn tại về mặt lý thuyết.
Cứ nhìn đội Olympic Indonesia với hơn nửa đội hình khoác áo đội tuyển quốc gia lần lượt bỏ lỡ 3 cơ hội giành vé đến Olympic Paris 2024 để thấy khoảng cách về chuyên môn giữa đội bóng này với nhóm đầu châu lục lớn như thế nào. Đầu tiên, Olympic Indonesia thua Uzbekistan ở bán kết U23 châu Á 2024 và sau đó là thất bại trước Iraq ở trận tranh hạng Ba cùng 1 suất đến Pháp mùa Hè này. Bước vào trận play-off với đại diện châu Phi – Olympic Guinea, ông Shin Tae-yong và các học trò thua tiếp, bỏ lỡ những cơ hội làm nên lịch sử.
Dàn cầu thủ nhập tịch giúp Indonesia lọt vào vòng loại thứ 3 World Cup 2026 khu vực châu Á. Ảnh: ITN. |
Không thể “đốt cháy giai đoạn”
Giành vé dự World Cup vốn là giấc mơ kéo dài gần 3 thập kỷ qua và đến giờ trở thành gánh nặng, nỗi ám ảnh cho nhiều đội bóng mạnh của khu vực Đông Nam Á. Bởi hiện tại không ai dám chắc đến năm nào, cũng như đội bóng nào của “vùng trũng” có thể hiên ngang sánh vai với đại diện các châu lục khác tại Vòng chung kết World Cup.
Bay bổng giấc mơ giành quyền đi World Cup đầu tiên ở Đông Nam Á có lẽ là Singapore cùng đề án “Goal 2010”. Ý tưởng được ra đời từ năm 1996 và đến 1998 thì triển khai. Bóng đá quốc đảo sư tử trải thảm đỏ mời một ê-kíp người Đan Mạch gồm các huấn luyện viên tên tuổi như Poulsen, Nielsen và các chuyên gia về thể lực, tâm lý…
Với “Goal 2010” bóng đá Singapore hình thành lứa cầu thủ U17, U18 (có cả cầu thủ nội lẫn nhập tịch) được đặc cách đăng ký tham dự giải vô địch quốc gia cùng các câu lạc bộ khác để nâng cao trình độ. Kết quả, lực lượng từ “Goal 2010” chỉ giúp Singapore giành được 2 chức vô địch AFF Cup 2004 và 2006. Còn World Cup thì lần nào Singapore cũng bị loại sớm.
Indonesia cũng tìm mọi cách để tham dự World Cup, với những đề án như chạy đua đăng cai Vòng chung kết World Cup 2022 (đã thất bại); xây dựng chiến lược với tầm nhìn cho World Cup 2022 và 2026 qua việc đầu tư cho lứa trẻ tập huấn ở nước ngoài dài hạn và kêu gọi những tài năng có gốc bố hoặc mẹ là người Indonesia quay về khoác áo đội tuyển quốc gia…
Đến nay, Indonesia phần nào thành công với đề án thứ 3, nhờ nguồn cầu thủ nhập tịch để giành suất vào vòng loại cuối cùng tranh vé tham dự World Cup 2026. Nhưng khả năng biến giấc mơ World Cup thành hiện thực với Indonesia ở cuộc đua sắp tới không nhiều. Trình độ của đội bóng này chưa vượt tầm Đông Nam Á.
Thái Lan cũng đưa ra đề án Goal 2010 rồi 2014, 2018. Trên thực tế, cứ mỗi lần áp chỉ tiêu World Cup cũng là lúc bóng đá Thái Lan khủng hoảng. Đơn cử, với Goal 2010 thì người Thái đã thất bại và còn để Việt Nam đoạt cúp vàng AFF 2008. Hay như Goal 2018, đội tuyển Thái Lan lọt vào vòng đấu loại cuối cùng song đổi lại chỉ là những trận thua và hòa đầy thất vọng, huấn luyện viên Kiatisak phải ra đi, bắt đầu một chu kỳ suy thoái.
Trở về giải đấu khu vực, Thái Lan một lần nữa chứng kiến đội tuyển Việt Nam lên ngôi vô địch Đông Nam Á lần thứ 2 cũng như mở ra một giai đoạn huy hoàng dưới triều đại huấn luyện viên Park Hang Seo.
Sau giai đoạn suy thoái, bóng đá Thái Lan đã làm tất cả những gì có thể giành quyền tham dự World Cup 2026. Tuy nhiên, ngay ở vòng loại thứ 2, người Thái không thể vượt qua đội tuyển Trung Quốc, đội bóng từng thua Việt Nam ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022.
Ngay cả khi vị trí Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Thái Lan được trao cho nữ tỷ phú quyền lực Nualphan Lamsam (tháng 2/2024) - người được biết đến với cái tên Madam Pang cũng không thể giúp đội tuyển Thái Lan tái lập thành tích có được như ở World Cup 2022 và 2018. Mà nếu có giành quyền vào vòng 3 thì đội tuyển Thái Lan chưa đủ trình cạnh tranh trong cuộc đua giành vé đi World Cup 2026.
Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin mới đây cho rằng dù đội nhà thất bại chiến dịch World Cup 2026 song tất cả, từ liên đoàn, ban huấn luyện, cầu thủ đã làm hết sức mình, và trình độ đội tuyển được nâng lên thấy rõ.
“Còn 4 năm nữa (cho mục tiêu giành vé World Cup 2030), tất nhiên World Cup là vấn đề lớn. Giờ là lúc ngồi lại xem đã làm được gì, điều gì chưa được, và bắt tay trở lại với mục tiêu”, ông Srettha Thavisin nói.
Tuy nhiên, về nhân sự huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia, người đứng đầu Chính phủ Thái Lan bày tỏ mong muốn các nhà cầm quân Thái Lan được trao cơ hội và cựu danh thủ Kiatisak được nhắc đến như là ứng viên hàng đầu.
Đội tuyển Thái Lan hiện được dẫn dắt bởi chiến lược gia người Nhật - Ishii. Ông này gây ấn tượng khi giúp đội tuyển Thái Lan lần đầu bất bại ở vòng bảng ASIAN Cup 2023, chỉ chưa đầy một tháng sau khi nhậm chức. Kế đó, ở 4 lượt trận cuối vòng loại thứ 2 World Cup 2026, thầy trò huấn luyện viên Ishii hòa 1 - 1 và thua 0 - 3 trước Hàn Quốc sau hai lượt trận, hòa Trung Quốc 1 - 1, và thắng Singapore 3 - 1.
Những con số thống kê khá ấn tượng. Tuy nhiên, người ta chưa biết tương lai của chiến lược gia người Nhật Bản sẽ như thế nào? Thái Lan chưa đưa ra kế hoạch, hay chương trình cụ thể nào để có thể nâng tầm đội tuyển quốc gia đủ sức giành vé World Cup. Mọi thứ với “Voi chiến” lúc này vẫn còn rất mông lung.
Trong mạch cảm hứng World Cup của Đông Nam Á, bóng đá Việt Nam từng có đề án 2018 với mục tiêu đội tuyển quốc gia giành quyền tham dự World Cup 2018 và đã thất bại.
Khi huấn luyện viên Park Hang Seo đến và giúp bóng đá Việt Nam có được những thành công, giấc mơ World Cup trở lại và mang lại cảm giác nó gần hơn bao giờ hết. Thế nhưng, ông Park ngay ở giai đoạn đỉnh cao với bóng đá Việt Nam được hỏi rằng: “Bao giờ bóng đá Việt Nam dự World Cup?” - Chiến lược gia người Hàn đã lập tức đáp lại với một câu hỏi: “Người Việt đã sẵn sàng dự World Cup?”. Hỏi cũng là trả lời. Thực tế bóng đá Việt Nam chưa sẵn sàng cho World Cup, và thực tế những gì diễn ra thời gian qua đã chứng minh điều đó.
Không chỉ Việt Nam, ngay cả Thái Lan, Indonesia hay Malaysia chưa xây dựng cho mình lộ trình bảo đảm có thể cất cánh khỏi “vùng trũng”. Gần như các điều kiện mang tính nền tảng của đội tuyển quốc gia đều yếu, thậm chí rất yếu. Đó là chất lượng giải vô địch quốc gia không cao theo khung đánh giá của Liên đoàn Bóng đá châu Á.
Năng lực các câu lạc bộ Đông Nam Á ở mức thấp, vào vai “kẻ lót đường” trong cuộc chơi tại AFC Champions League, AFC Cup. Đào tạo trẻ xuống cấp. Số lượng cầu thủ khẳng định được năng lực khi bước qua lũy tre làng khu vực chỉ đếm trên đầu ngón tay và chủ yếu đến từ Thái Lan…
Vậy nên, không ai đánh thuế giấc mơ World Cup, nhưng rõ ràng với bóng đá Đông Nam Á, giữa mơ và thực đang là khoảng cách lớn, không dễ gì san lấp nổi. Khoảng cách đó tưởng như đã đến thật gần, nhưng đến gần rồi mới thấy vẫn còn… xa lắm!
Với việc góp mặt tại Vòng chung kết World Cup 1938, Indonesia là đội bóng Đông Nam Á duy nhất tính cho đến thời điểm hiện tại từng được dự một kỳ World Cup, đồng thời còn là đội bóng đầu tiên của… châu Á góp mặt ở ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.
Năm đó, Indonesia tham dự World Cup với cái tên Dutch East Indies, tức Đông Ấn thuộc Hà Lan (Đông Ấn là từ dùng để chỉ chung các quốc gia thuộc vùng Đông Nam Á khi đó). Tuy nhiên, đội tuyển Đông Ấn thuộc Hà Lan không cần phải thi đấu, vẫn đến được với World Cup 1938. Bởi đối thủ trong trận play-off - Nhật Bản phải rút lui do chiến tranh Trung - Nhật nổ ra.
Sau đó, FIFA bố trí đội tuyển Mỹ đá với đội bóng xứ Vạn đảo, nhưng Mỹ từ chối đá trận play-off này. Vậy nên FIFA đành công nhận quyền tham dự World Cup 1938 của đội Đông Ấn thuộc Hà Lan, Indonesia ngày nay.