Bóng đá nữ - không chỉ là một trò chơi

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Theo truyền thống, bóng đá chủ yếu là trò chơi dành cho nam giới. Tuy vậy, bóng đá nữ ngày càng phổ biến và có tầm ảnh hưởng.

Premier Skills đào tạo kỹ năng bóng đá cho phụ nữ ở Indonesia. Ảnh: Premier Skills
Premier Skills đào tạo kỹ năng bóng đá cho phụ nữ ở Indonesia. Ảnh: Premier Skills

Mặc dù còn bị hạn chế hoặc cấm ở nhiều quốc gia nhưng bóng đá nữ đã góp phần thay đổi cuộc sống của nhiều người.

Trao quyền cho phụ nữ

Ngay ở Vương quốc Anh, việc phụ nữ chơi bóng đá vẫn còn tương đối bất thường. Hầu hết các trường học đều chỉ cho nữ sinh tham gia các môn thể thao đồng đội nữ truyền thống như bóng lưới và khúc côn cầu.

Trong khi, thể thao có thể mang lại lợi ích cho tất cả trẻ em gái, phụ nữ và có thể thay đổi cuộc sống ở những quốc gia mà sự phân biệt đối xử và bất bình đẳng giới đặc biệt phổ biến.

Theo nghiên cứu do cơ quan quản lý bóng đá ở châu Âu (UEFA) ủy quyền, độ tự tin của những cô gái tuổi teen chơi bóng đá cao hơn so với chơi các môn thể thao khác. UEFA đã cam kết đưa bóng đá trở thành môn thể thao số một ở châu Âu dành cho nữ.

Từ năm 2007, Hội đồng Anh đã hợp tác với giải Ngoại hạng Anh (Premier League) để cung cấp chương trình Kỹ năng Ngoại hạng (Premier Skills). Họ làm việc với các huấn luyện viên và giáo viên cơ sở trên khắp thế giới để giúp những người trẻ tuổi, bao gồm cả những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội, xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn thông qua sức mạnh của bóng đá.

Đặc biệt nhấn mạnh vào việc sử dụng bóng đá để trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái, Premier Skills đặt mục tiêu không dưới 50% phụ nữ tham gia ở cấp độ chương trình và khuyến khích có mặt trong mọi hoạt động. Chương trình nhằm giải quyết các vấn đề xã hội cụ thể của một quốc gia hoặc khu vực, bao gồm bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, và sự tham gia của phụ nữ trong thể thao.

Trong nhiều xã hội, vai trò của phụ nữ chỉ giới hạn trong nhà và tổ ấm. Họ không có khả năng ảnh hưởng trong xã hội hoặc thậm chí trong chính gia đình của họ. Khả năng tiếp cận với thể thao bị hạn chế hoặc thậm chí không tồn tại, vì vậy trẻ em gái và phụ nữ không được hưởng lợi về sức khỏe và các lợi ích khác khi tham gia những môn thể thao đồng đội.

Những cô gái tham gia lễ hội bóng đá Premier Skills tại Nam Phi. Ảnh: Premier Skills

Những cô gái tham gia lễ hội bóng đá Premier Skills tại Nam Phi. Ảnh: Premier Skills

Những tấm gương

Thông qua các huấn luyện viên và giáo viên trong cộng đồng, Premier Skills khuyến khích phụ nữ và trẻ em gái tham gia bóng đá. Chương trình cũng có những hình mẫu tích cực cho người trẻ tuổi và huấn luyện viên tương lai, đồng thời mang lại kiến thức cá nhân vô giá cho cộng đồng của họ.

Cầu thủ bóng đá và cầu thủ khúc côn cầu, Tanaz Hassan Mohammed, từng làm huấn luyện viên cộng đồng ở Mumbai, Ấn Độ và hiện là nhà giáo dục - huấn luyện viên Premier Skills, cho biết, “rào cản tồn tại đối với các cô gái vì những gì họ đã được nghe từ khi còn nhỏ. Đến từ một cộng đồng Hồi giáo, tôi biết tầm quan trọng của việc đảm bảo các cô gái hiểu rằng họ có thể đội khăn trùm đầu mà vẫn chơi bóng. Điều quan trọng nhất là sự tham gia của họ”.

Tanaz Hassan Mohammed kể lại việc cô đã tổ chức một trại hè, ban đầu thu hút 1.200 nam sinh và không có nữ sinh nào. Do đó, cô quyết định bước lên và thể hiện mình như một hình mẫu. Tin tức về một nữ huấn luyện viên tập luyện trên sân mà trước đây chỉ có huấn luyện viên nam đã lan truyền như… cháy rừng. Sau khi tương tác với các bà mẹ trong cộng đồng, trại hè đã có hơn 500 cô gái, những người chưa từng chạm vào bóng đá trước đây, ra sân.

Một cô gái Ai Cập tập đánh đầu. Ảnh: Premier Skills

Một cô gái Ai Cập tập đánh đầu. Ảnh: Premier Skills

Mở ra cơ hội cho phụ nữ

Ở Kenya, chương trình “Giải quyết bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái thông qua bóng đá” được thực hiện ở Kisumu và Mount Elgon. Chương trình sử dụng bóng đá để giải quyết một số hành vi và thái độ dẫn đến mức độ bạo lực cao đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Chương trình trên kết hợp các buổi bóng đá và giáo dục để thu hút trẻ em, thanh niên từ 10 - 20 tuổi, nhằm xây dựng mối quan hệ tích cực giữa những người tham gia, phản đối thái độ, hành vi bất bình đẳng giới thúc đẩy bạo lực.

Các huấn luyện viên tuyển chọn từ cộng đồng và được đào tạo để cung cấp một chương trình giảng dạy tập trung vào kiến thức, thái độ, kỹ năng sống và hành vi. Mục đích của họ là thúc đẩy tinh thần đồng đội, lối chơi công bằng, tự tin, tôn trọng bản thân và người khác.

Ở Ai Cập, dự án Premier Skills “Một nghìn cô gái một nghìn giấc mơ”, được thực hiện với sự hợp tác của Bộ Thanh niên và Thể thao Ai Cập. Dự án sử dụng bóng đá như một công cụ để cung cấp cho các cô gái bị thiệt thòi và huấn luyện viên cộng đồng cơ hội phát triển kỹ năng và hòa nhập tốt hơn với cộng đồng địa phương của họ.

“Lúc đầu, bố mẹ tôi không chấp nhận ý tưởng cho tôi chơi bóng đá nhưng tôi nhất quyết thể hiện kỹ năng của mình và đã chứng minh rằng tôi có thể làm được bất cứ điều gì! Nhờ đó, cộng đồng chấp nhận ý tưởng về việc các cô gái chơi bóng đá và thấy nó không chỉ dành cho nam giới. Tham gia và giành chiến thắng trong các trận đấu mang lại cho tôi niềm hãnh diện”, Salad – một trong những người tham gia dự án nói.

Huấn luyện viên cộng đồng người Ai Cập, Al Shaimaa Hatem Mohamed El Meligy, đã quyết định tham gia Premier Skills để giúp tạo ra một xã hội nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng và lợi ích của thể thao và tập luyện, bất kể giới tính, tuổi tác hay khả năng.

“Tôi luôn có tham vọng thay đổi thái độ của xã hội và tôi đã sử dụng bóng đá, sự nổi tiếng của nó để giải quyết vấn đề này. Tôi muốn thúc đẩy ý tưởng rằng, các cô gái có thể chơi và giới thiệu thể thao đến mọi nhà, sau đó khuyến khích sáng kiến này trong cộng đồng địa phương của tôi”, Al Shaimaa Hatem Mohamed El Meligy lạc quan chia sẻ.

Tại Uganda, huấn luyện viên cộng đồng Premier Skills Ritah bắt đầu sự nghiệp bóng đá của mình với tư cách là người tham gia chương trình. Là một bà mẹ trẻ đơn thân, Ritah phải chăm sóc đứa con gái khuyết tật và những người thân ốm yếu. Cô đã bỏ lỡ cơ hội học hành và có rất ít cơ hội để phát triển bản thân kể cả chỉ là kết bạn.

Điều này đã thay đổi khi cô tham gia dự án Premier Skills của huấn luyện viên Anne Naiga. Ritah bắt đầu chơi bóng đá với những phụ nữ trẻ khác trong cộng đồng của mình, giúp cô tự tin hơn, kết bạn mới và đã có thể tiếp cận sự giúp đỡ, hỗ trợ cho con gái mình cũng như bắt đầu một khóa học nâng cao.

Ritah cho biết, không còn bị kỳ thị vì khuyết tật của con gái mình, bây giờ cô có thể chia sẻ những thách thức trong cuộc sống với những người khác. Kết quả là cô nhận được hỗ trợ từ một tổ chức khuyết tật để cải thiện khả năng nói cho con gái.

Kể từ khi Premier Skills bắt đầu vào năm 2007, hơn 32 nghìn huấn luyện viên, trọng tài và giáo viên đã được đào tạo ở 29 quốc gia. Họ đã trở lại cộng đồng của mình để mang đến cho 1,7 triệu thanh niên cơ hội phát triển kỹ năng và hòa nhập tốt hơn.

Theo British Council

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ