Bóng cả ở Cù Bai

Với bà con Vân Kiều ở xã Hướng Lập (Hướng Hóa, Quảng Trị), cựu chiến binh Hồ Sỹ Nói là tấm gương sáng, luôn chăm lo, hỗ trợ người dân xây dựng cuộc sống mới, góp sức tích cực bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Lập lên đường tuần tra biên giới.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Lập lên đường tuần tra biên giới.

Đưa “cây thoát nghèo” về bản làng

Theo nhận định của Trung tá Hồ Lê Luận - Chính trị viên Đồn Biên phòng Hướng Lập (Bộ đội Biên phòng Quảng Trị), ông Hồ Sỹ Nói là một cựu chiến binh gương mẫu, nhân tố tích cực trong phong trào bảo vệ an ninh biên giới. Dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, tích cực góp công sức xây dựng quê hương, biến Cù Bai thành điểm sáng đáng để nhiều nơi học hỏi.

Ông Nói sinh năm 1953, hiện sinh sống ở thôn Cù Bai, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Năm 1973, ông nhập ngũ vào lực lượng Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng). Sau nhiều năm phục vụ trong lực lượng, năm 1983, ông Nói trở về xây dựng cuộc sống tại quê nhà.

Ông Nói kể, sau khi xuất ngũ, ông trở về địa phương với bao khát vọng, hoài bão về cuộc sống sau này. Thời điểm này, vùng đất Cù Bai còn nghèo, lạc hậu, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Được sự giúp đỡ của Đồn Biên phòng Hướng Lập, người dân Vân Kiều bắt tay vào xây dựng cuộc sống, làm nương rẫy, trồng lúa, hoa màu để đảm bảo lượng thực. Về sau bà con mới biết chăn nuôi, trồng rừng và các loại cây khác để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.

Bằng kiến thức, kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình học tập, rèn luyện trong quân ngũ, ông Nói áp dụng vào canh tác, sản xuất nông nghiệp.

Đại tá Đinh Xuân Hùng – Chính ủy BĐBP tỉnh Quảng Trị tặng quà cựu chiến binh Hồ Sỹ Nói nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7.

Đại tá Đinh Xuân Hùng – Chính ủy BĐBP tỉnh Quảng Trị tặng quà cựu chiến binh Hồ Sỹ Nói nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7.

“Gia đình tôi có 5 sào lúa nước, việc đầu tiên là tôi hướng dẫn vợ con tập trung chăm sóc, chú trọng bón phân cho cây lúa. Từ đó, diện tích lúa nước luôn cho năng suất cao hơn những hộ khác”, ông Nói chia sẻ.

Tiếp đó, sau khi tìm hiểu trên sách báo, tivi, năm 2003, ông Nói là người đầu tiên đưa giống cây bời lời về trồng thử nghiệm trên vùng đồi gần nhà. Quá trình vừa học hỏi kinh nghiệm vừa áp dụng vào thực tiễn, nay 2 ha bời lời của ông đang sinh trưởng tốt và đã cho khai thác. Nhờ đó, kinh tế gia đình ông ngày càng được cải thiện, trở thành hộ khá giả trong xã.

Từ sự “mở đường” của ông Nói, đến nay toàn xã Hướng Lập đã có khoảng 500 ha bời lời, đem lại giá trị kinh tế cao. Nhiều gia đình có thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm. Theo ông Nói, vỏ của cây bời lời đỏ chứa tinh dầu thơm nên được dùng để làm hương liệu, hương thơm, làm thuốc… Gỗ bời lời dùng làm đồ nội thất cũng đang được thị trường ưa chuộng.

Cựu binh Hồ Sỹ Nói tuyên truyền người dân bảo vệ chủ quyền biên giới.

Cựu binh Hồ Sỹ Nói tuyên truyền người dân bảo vệ chủ quyền biên giới.

“Cột mốc sống” bảo vệ biên cương

Năm 1997, ông Hồ Sỹ Nói được bầu làm Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh thôn Cù Bai và đến năm 2012, ông được bầu làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hướng Lập.

Từ đó đến nay, không chỉ đi đầu về phát triển kinh tế gia đình, ông Nói còn nỗ lực chăm lo đời sống cho hội viên cựu chiến binh, quan tâm đến những người có hoàn cảnh khó khăn, vận động người dân hiến đất làm đường, góp sức vào công cuộc xây dựng nông thôn mới ở địa phương…

Trên cương vị của mình, ông Nói tích cực tuyên truyền, vận động hội viên và người dân các thôn thay đổi tập tục canh tác, mở hướng thâm canh cây lúa, nuôi nhốt gia súc, gia cầm và trồng cây bời lời để nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện thu nhập cho gia đình…

Ông Nói cũng thường xuyên tuyên truyền cho các hội viên và người dân về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của người dân để đề đạt lên chính quyền các cấp. Ngoài ra, mỗi khi trong thôn có bất hòa giữa các gia đình hay trong mỗi gia đình, ông thường đến tận nơi động viên, hòa giải để bản làng được êm ấm, yên vui.

Năm 2017, ông phối hợp với Mặt trận và các đoàn thể địa phương tuyên truyền, vận động nhiều người dân và các hội viên tự nguyện hiến đất, hàng chục ngày công để làm đường liên thôn nối thôn Cù Bai với thôn Tà Păng. Đặc biệt, ông còn nhận đỡ đầu học sinh là con của cựu chiến binh đã mất, giúp các em có điều kiện tiếp tục học tập.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Lập vận động nhân dân chấp hành chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Lập vận động nhân dân chấp hành chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Những người con của cựu chiến binh Hồ Sỹ Nói được nuôi dạy tốt, trưởng thành và chăm ngoan. Ông Nói cho biết, người con trai tiếp bước ông trở thành lính biên phòng, người con gái làm giáo viên.

“Mình thuộc thế hệ đi trước, những điều gì mình đã học được, biết được thì tôi bày lại cho thế hệ sau. Bà con cùng giúp nhau làm ăn, phát triển kinh tế để thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu. Với trách nhiệm của một đảng viên, tôi cũng tuyên truyền cho các thế hệ trẻ, lớp đoàn viên thanh niên phải tích cực rèn luyện, chung tay giữ gìn an ninh chính trị, giữ vững đường biên cột mốc, giáo dục tư tưởng cho thế hệ sau để họ hiểu và chấp hành đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”, ông Nói tâm sự.

Trung tá Hồ Lê Luận - Chính trị viên Đồn Biên phòng Hướng Lập - cho biết, đóng quân trên địa bàn biên giới, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng luôn phát huy tinh thần, trách nhiệm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới, lãnh thổ của quốc gia. Bên cạnh đó, lực lượng biên phòng cũng làm tốt công tác dân vận, tuyên truyền người dân chung tay bảo vệ biên giới, lãnh thổ, tích cực giúp nhân dân vùng biên giới thay đổi đời sống, phát triển kinh tế.

“Ông Hồ Sỹ Nói là một trong những già làng, cựu chiến binh có uy tín với người dân trên địa bàn sinh sống. Ông đã phát huy trách nhiệm của người đảng viên, quân nhân cách mạng, cùng với lực lượng Bộ đội Biên phòng thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân tham gia tích cực vào các phong trào bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới. Tham gia tích cực vào công tác tuần tra, bảo vệ đường biên cột mốc. Đồng thời, tuyên truyền giáo dục cho các thế hệ sau thực hiện tốt mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”, Trung tá Hồ Lê Luận thông tin.

Trên cương vị Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hướng Lập, ông Hồ Sỹ Nói đã làm tốt công tác tham mưu, phối hợp giữa Hội Cựu chiến binh và Đồn Biên phòng Hướng Lập thực hiện có hiệu quả các kế hoạch.

Với những đóng góp tích cực trong công tác, ông Hồ Sỹ Nói vinh dự được nhận Bằng khen của Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Giấy khen của Hội Cựu chiến binh tỉnh Quảng Trị và là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở nhiều năm liền.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.