FAB-9000 M54 là loại bom bay có sức nổ cao đa năng được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu trên mặt đất - mặt nước, phá hủy những nơi tập trung số lượng lớn nhân lực và thiết bị của đối phương, các công sự dã chiến, cơ sở công nghiệp và nhiều mục tiêu khác.
Quả bom này được phát triển như một phần của dòng đạn hàng không model 1954 và có hình dáng cũng như thiết kế tương ứng. Nó sử dụng nhiều giải pháp công nghệ và thiết kế chung, nhưng cũng có khác biệt liên quan đến trọng lượng.
FAB-9000 có thân bằng thép với phần đầu được gia cố và thành mỏng. Tổng chiều dài của quả bom vượt quá 5 mét và đường kính thân là 1,2 mét. Trọng lượng thực tế của sản phẩm vào khoảng 9,4 tấn.
Quả bom được nạp thuốc nổ TNT nặng khoảng 4,3 tấn. Để kích nổ nó, một bộ ba ngòi nổ được sử dụng với khả năng thiết lập các chế độ kích nổ. Những ngòi nổ này được lắp vào bộ phận đầu và đuôi của quả bom.
Trong quá trình thử nghiệm, FAB-9000 cho thấy khả năng chiến đấu tốt hơn so với các loại bom phi hạt nhân khác. Sóng xung kích từ vụ nổ đảm bảo tiêu diệt nhân lực ở khoảng cách lên tới 55 - 57 mét.
Trong bán kính 200 - 225 mét, quả bom có thể gây chấn động và các vết thương khác nhau. Mảnh vỡ sẽ văng xa hàng trăm mét, duy trì sức công phá. Mỗi máy bay ném bom chiến lược như Tu-16, Tu-22, M3/4... chỉ có thể mang một quả duy nhất.
Vào giai đoạn thập niên 1980, Không quân Liên Xô đã sử dụng bom FAB-9000 tại Afghanistan. Máy bay Tu-16 đã tấn công các mục tiêu được xác định bằng bom cỡ lớn lắp ngòi nổ tiếp xúc hoặc giữ chậm. Trong trường hợp va chạm gần, FAB-9000 sẽ làm sập mái hang động và gây ra lở đất, bao phủ các con đường và lối đi trên núi.
Ở địa hình bằng phẳng, hiệu quả của FAB-9000 không cao. Sóng xung kích dễ dàng phá hủy các tòa nhà bằng gạch nung, nhưng bán kính hủy diệt đối với nhân lực là không đủ. Ngoài ra máy bay chỉ có thể thả một quả bom.
Trong điều kiện như vậy, máy bay ném bom tỏ ra kém hiệu quả hơn so với cường kích hoặc trực thăng tấn công. Theo nhiều nguồn khác nhau, khoảng vài trăm quả FAB-9000 đã được sử dụng trong chiến tranh Afghanistan. Tuy nhiên khi đặt cạnh bom đường kính nhỏ hơn, chiến công của FAB-9000 lại bị nhận xét khá khiêm tốn.
Ngoài Afghanistan, Không quân Iraq cũng sử dụng bom nổ mạnh nặng 9.000 kg trong cuộc chiến với Iran. Vụ oanh tạc diễn ra vào ngày 16 tháng 2 năm 1986 đặc biệt nổi tiếng.
Khi đó máy bay ném bom Tu-16 của Iraq tấn công quân Iran trên đảo Al Fao chỉ bằng 3 quả bom, gây ra thiệt hại đáng kể cho đối phương và ảnh hưởng đến diễn biến của các trận chiến tiếp theo.
Nhưng kể từ sau năm 1988 bom FAB-9000 không còn được sử dụng trong tình huống chiến đấu thực tế. Có tin đồn về việc sử dụng vũ khí như vậy trong cuộc chiến Chechnya lần thứ nhất nhưng được xác nhận.
Hiện tại các máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS và Tu-160 chỉ được trang bị tên lửa hành trình, trong khi đó Tu-22M3 chủ yếu sử dụng bom cỡ trung và phải đến năm 2022 nó mới được sửa đổi để mang bom FAB-3000.
Rõ ràng Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga hiện không thể sử dụng loại bom có sức nổ mạnh nhất. Việc từ chối vũ khí trên là khá dễ hiểu và chính đáng.
FAB-9000 khó vận hành và sử dụng, việc thiếu hệ thống dẫn đường không cho phép phát huy hiệu quả tiềm năng của nó. Ngoài ra loại đạn nặng 9 tấn còn dư thừa cho hầu hết các nhiệm vụ chiến đấu.
Bom dẫn đường kích cỡ nhỏ hơn hoặc tên lửa có độ chính xác cao vẫn thực hiện xuất sắc công việc chiến đấu cơ bản, không đòi hỏi nhiều đối với phương tiện mang phóng, vì vậy chúng khiến sự xuất hiện của FAB-9000 trở nên thừa thãi.