Đi xa hàng chục cây số, bắt chuột ở giữa đồng, bờ ruộng, bờ kênh, nên để đến được nơi có chuột, người săn thường sử dụng xuồng. |
Những người làm nghề này chủ yếu là thanh niên. |
Miền Tây là xứ sở của chuột đồng, thợ săn có việc làm quanh năm. Nhưng vào mùa lũ là thời điểm chuột xuất hiện nhiều nhất. |
Phụng Hiệp -Hậu Giang là nơi có nhiều thợ săn chuột tập trung nhất miền Tây. Vào mùa lũ, số người đi săn chuột có khi đến hàng trăm người. |
Anh Nguyễn Minh Trí, ở ấp 4, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp với hơn 15 năm săn chuột bằng xuồng. Phương tiện hành nghề của anh ngoài chiếc xuồng còn có mũi chỉa, đèn soi và dụng cụ nhốt chuột. |
Rất hiếm có chú chuột nào bị phát hiện lại thoát được mũi chỉa của anh. “Tôi làm nghề này khi mới 10 tuổi, săn chuột chủ yếu làm vào ban đêm và phải đi ở những cánh đồng xa hàng chục cây số, nơi có lúa chín, lúa đang thu hoạch, bởi có lúa chuột mới xuống kênh”, anh Trí cho biết. |
Vật dụng để săn chuột rất đơn giản, gồm có 3 cây chĩa (loại 2 đến 3 mũi) được làm bằng sắt và chiếc đèn soi đội đầu tự chế. Thường đi săn chuột, người thợ ngồi trước mũi xuồng để bơi và quan sát. Những chiếc chĩa được để dọc thân xuồng. |
Thợ săn có thể bắt chuột ở khoảng cách vài mét bằng cách cầm cán chĩa để đâm hoặc phóng. Sau khi đâm được chuột, người thợ dùng một đoạn ống sắt khoảng 40 cm gõ vào đầu để cho chúng vào khoang xuồng. |
“Chuột cách xa nhưng vẫn thấy được, vì nhìn chúng không phải qua cơ thể mà qua ánh mắt. Bởi ban đêm, khi gặp ánh đèn, mắt chuột sẽ phát sáng. Những thợ săn có nghề còn giả tiếng gọi để chuột tự động chui ra khỏi hang, bụi rậm…”, thợ săn Nguyễn Văn Sửu có 20 năm kinh nghiệm cho biết. |
Chiếc chĩa cán dài này ngoài săn chuột còn săn cả ếch, rắn, chồn… |
Cũng theo anh Sửu, vào mùa lũ, mỗi đêm săn chuột, rắn, ếch, trừ chi phí anh có thu nhập trên 1 triệu đồng. |
Kể cả chuột trong bụi rậm, gốc cây lởm chởm thợ săn vẫn đâm được một cách chuẩn xác. |
Vào ban đêm, trên đồng ruộng miền Tây có rất nhiều người tham gia săn chuột, những thợ săn này thường chọn một điểm làm nơi tập kết, nghỉ ngơi giữa giờ làm. |
Theo thợ săn Nguyễn Văn Bộ, nghề săn chuột bắt đầu từ phong trào nhà nước khuyến khích, ai có được 500 cái đuôi chuột phơi khô sẽ đổi 1 bình xịt thuốc trừ sâu loại 8 lít. |
Còn anh Trí cho biết, trước đây săn chuột phải đi bộ, cũng không có những chiếc đèn soi sáng tạo như hiện nay. Cái khó ló cái khôn, sau một thời gian làm nghề, những người săn chuột như anh nghĩ cách mua bóng đèn về và lấy vỏ chai nhựa làm chụp đầu đèn, rồi chế vòng sắt gắn vô làm vòng đeo. |
Sau một đêm săn, đến gần sáng họ sẽ chèo xuồng mang chuột ra chợ bán.Chợ chuột đêm ở Kinh Cùng, Hòa Mỹ (huyện Phụng Hiệp – Hậu Giang) là chợ chuột lớn nhất nhì miền Tây. |
Mỗi ngày có hàng tấn chuột từ các tay săn đem ra bán. Việc mua bán, làm thịt chuột diễn ra trên sông. Thường 1,5 kg chuột sống sẽ cho ra 1 kg chuột thịt. |
Theo anh Lê Thanh Phong, thợ săn chuột xã Hòa Mỹ, ở xã anh, thường đêm nào ít nhất cũng có trên 30 người bơi xuồng săn chuột, riêng mùa nước nổi, con số này sẽ là 50 - 60, xuồng đậu dài cả khúc sông. Bà Lê Thị Nguyệt, thương lái chuyên mua chuột, ếch, rắn…ở chợ Kinh Cùng cho biết, chuột mùa khô có giá từ 45.000 – 60.000 đồng/kg, còn mùa lũ từ 30.000 – 40.000 đồng/kg. Mỗi đêm có hàng tấn chuột, ếch được thu mua tại chợ. |
Ông Lê Hoàng Ba, phó chủ tịch xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, cho biết, nghề săn chuột đồng không chỉ giúp tiêu diệt loại gặm nhấm này phá hoại mùa màng mà còn xóa đói giảm nghèo cho hàng trăm hộ ở đây. Người săn chuột luôn có thu nhập bình quân vài trăm đến cả triệu đồng mỗi đêm |