Bồi dưỡng tiếng nói, chữ viết DTTS tạo điều kiện cho cán bộ tiếp cận với đồng bào

GD&TĐ - Việc tổ chức các lớp bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số đã góp phần tạo điều kiện cho cán bộ cơ sở có thể tiếp cận gần hơn với đồng bào.

Bế giảng lớp bồi dưỡng tiếng DTTS cho Công an tỉnh Bắc Kạn.
Bế giảng lớp bồi dưỡng tiếng DTTS cho Công an tỉnh Bắc Kạn.

Bồi dưỡng, nâng cao kiến thức dân tộc, tiếng dân tộc

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong Công an nhân dân, tháng 8 năm 2023, Công an tỉnh Bắc Kạn phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu – Đào tạo ngôn ngữ và Văn hoá các dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc thuộc trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên tổ chức đào tạo tiếng dân tộc Dao cho 44 học viên là cán bộ công tác tại 10 đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an tỉnh và Công an các xã, phường, thị trấn.

Khóa học kéo dài 3 tháng, với hình thức vừa học vừa làm, tăng cường đi thực tế gắn với thực hiện nhiệm vụ công tác chuyên môn. Nhằm tạo cho cán bộ, chiến sĩ có kiến thức cơ bản về lịch sử, phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc Dao; nâng cao kỹ năng giao tiếp, khả năng nghe, nói.

Sau 4 tháng giảng dạy và học tập, 44 học viên là cán bộ Công an các đơn vị, địa phương đã hoàn thành chương trình học tập theo đúng thời gian đề ra. Trong chương trình đào tạo, các học viên được tham gia 400 tiết học, trong đó 300 tiết giảng dạy lý thuyết và 100 tiết thực tế chuyên môn tại các vùng đồng bào dân tộc Dao đang sinh sống. Kết thúc khoá đào tạo 100% học viên được cấp Chứng chỉ, trong đó có 25 học viên xếp loại Giỏi, 19 học viên xếp loại Khá.

Các học viên thực tế tại địa phương.jpg
Các học viên thực tế tại địa phương.

Cũng trong năm 2023, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang đã phối hợp với trường Đại học Khoa học tổ chức khai giảng Lớp bồi dưỡng tiếng dân tộc Mông, lớp học được mở trong thời gian 3 tháng, 60 học viên là các cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang.

Tại khoá học, các học viên đã được các giảng viên đến từ trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) bồi dưỡng, nâng cao kiến thức dân tộc, tiếng dân tộc và phương pháp, kỹ năng, kinh nghiệm tuyên truyền, vận động nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong tỉnh. Nội dung đào tạo gồm 6 chuyên đề về kiến thức dân tộc, văn hóa dân tộc thiểu số, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước cho 2 nhóm đối tượng là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong đơn vị.

Kết thúc khóa học các học viên có khả năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Mông và được cấp chứng chỉ. Việc dạy, học tiếng dân tộc Mông nhằm giúp cho cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang. Những người trực tiếp công tác vùng đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng thành thạo trong giao tiếp và có những hiểu biết cần thiết về văn hóa, phong tục tập quán, vận dụng trong công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới nhân dân trên địa bàn, nhất là lĩnh vực quốc phòng, an ninh; thực hiện tốt công tác thông tin đối ngoại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; nâng cao nhận thức về chủ quyền, an ninh biên giới, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.

Tích cực tham gia bảo đảm an ninh, trật tự, phát triển kinh tế, xã hội của địa phương

Tiến sĩ Trịnh Thị Thu Hoà - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đào tạo Ngôn ngữ và văn hoá các DTTS vùng núi phía Bắc, trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) cho biết: Năm 2023, trường đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức các lớp tiếng Dao, lớp tiếng Tày, lớp tiếng Mông tại các tỉnh Hà Giang, Yên Bái, Bắc Kạn.

Về hình thức, cán bộ, giảng viên sẽ trực tiếp giảng dạy tại địa phương, sau khi học lý thuyết trung tâm sẽ tổ chức đi thực tế tại những nơi có người đồng bào DTTS cư trú và còn nhiều bản sắc.

Hỗ trợ bà con vùng đồng bào DTTS lao động sản xuất.jpg
Hỗ trợ bà con vùng đồng bào DTTS lao động sản xuất.

Sau chuyến đi thực tế, học viên sẽ có 2 sản phẩm, thứ nhất là báo cáo viết bằng tiếng DTTS về các chủ đề Văn hoá, kinh tế và đời sống của người đồng bào tại địa phương thực tế thứ hai là xây dựng video từ 2-5 phút học viên giao tiếp với bà con ở gia đình người DTTS hoặc ở chợ, ở trên nương...Thời gian thực tế là các học viên phải 3 cùng với bà con.

Thông qua lớp bồi dưỡng giúp cho cán bộ chiến sĩ nâng cao khả năng nghe, nói và hiểu rõ hơn về đời sống, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc, từ đó vận dụng linh hoạt vào thực tế công tác, trong giao tiếp, tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia bảo đảm an ninh, trật tự, phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Năm 2024, Giám đốc Đại học Thái Nguyên đã quyết định giao nhiệm vụ cho Trường Đại học Khoa học đào tạo ngành Ngôn ngữ và Văn hoá các dân tộc thiểu số Việt Nam. Theo đó, Trường Đại học Khoa học sẽ tuyển sinh hệ đại học ngành Ngôn ngữ và Văn hoá các dân tộc thiểu số Việt Nam khoá đầu tiên từ năm học 2024-2025 với trên 40 chỉ tiêu.

Sinh viên được lựa chọn học chuyên sâu ngôn ngữ tiếng: Mông, Dao, Tày và nghiên cứu về văn hoá các dân tộc thiểu số Việt Nam. Đây là một trong những nội dung cụ thể hoá Quyết định số 142/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình "Nâng cao chất lượng dạy học các môn tiếng dân tộc thiểu số trong chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2021-2030". Hiện nay, Trường Đại học Khoa học đã chuẩn hoá đội ngũ giảng viên cơ hữu và xây dựng kế hoạch phân luồng cho thí sinh lựa chọn đăng ký môn học phù hợp với năng lực, sở trường và điều kiện học tập của sinh viên

Để quá trình triển khai đạt được các mục tiêu của từng giai đoạn, Trường đặt ra các nhiệm vụ, như: Nghiên cứu về ngôn ngữ, văn hóa các dân tộc thiểu số (DTTS); tư vấn, đánh giá các công trình khoa học về ngôn ngữ, văn hóa các DTTS; biên soạn giáo trình; xây dựng chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội có liên quan đến ngôn ngữ và văn hóa các DTTS; bồi dưỡng, cấp chứng chỉ tiếng DTTS (Tày, Mông, Dao).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Một khúc sông Swindale Beck, Vương quốc Anh.

'Uốn cong' sông để ngừa lũ

GD&TĐ - Trong nhiều thế kỉ, những dòng sông quanh co đã được 'nắn thẳng' để dành chỗ cho các công trình của loài người.

Minh họa/INT

Chuyện tăng giá điện

GD&TĐ - Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), để điều chỉnh giá điện tăng lần này dựa trên 3 cơ sở quan trọng là chính trị, pháp lý và thực tiễn.