Bồi dưỡng, nâng cao tiếng DTTS cho cán bộ, chiến sĩ công an

GD&TĐ - Bồi dưỡng, nâng cao tiếng DTTS cho cán bộ, chiến sĩ công an ở vùng dân tộc, miền núi là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết.

Đẩy mạnh bồi dưỡng, nâng cao tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, chiến sĩ công an.
Đẩy mạnh bồi dưỡng, nâng cao tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, chiến sĩ công an.

Nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết

Tại tỉnh Hà Giang, thống kê có tới 87% là người dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Mông chiếm trên 32%. Với địa hình phức tạp, trình độ dân trí thấp, tình hình an ninh trật tự phức tạp, nên việc xây dựng đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc Mông là một trong những nhiệm vụ quan trọng cấp thiết, đảm bảo an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Mới đây, Đại học Thái Nguyên phối hợp Công an tỉnh Hà Giang tổ chức khai giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mông cho cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Hà Giang.

Tham gia lớp tập huấn có 50 cán bộ, chiến sĩ công tác tại các địa bàn cơ sở.

Trong thời gian 4 tháng, các học viên sẽ được trang bị những kiến thức cơ bản về vốn tiếng dân tộc thiểu số cũng như khả năng giao tiếp bằng tiếng dân tộc thiểu số khi tiếp xúc, làm việc trực tiếp với đồng bào, đáp ứng yêu cầu công tác tại địa phương.

Các học viên sẽ có thời gian thực tế tại cơ sở, qua đó giúp học viên am hiểu về lịch sử, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc Mông.

Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Hà, Uỷ viên Ban Thường vụ Đảng uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Đại học Thái Nguyên, Ban tổ chức lớp học và các học viên cần khắc phục khó khăn, chấp hành tốt các nội quy, quy định, tích cực học tập, nghiên cứu; lĩnh hội đầy đủ các nội dung được truyền đạt.

Đại học Thái Nguyên sẽ cử giáo viên có kinh nghiệm, chất lượng, đảm bảo hoàn thành theo đúng kế hoạch.

Lớp bồi dưỡng tiếng dân tộc Mông cho cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Hà Giang.

Lớp bồi dưỡng tiếng dân tộc Mông cho cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Hà Giang.

Góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội

Trước đó, tháng 4/2023, Công an tỉnh Bắc Kạn cũng đã phối hợp với Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên tổ chức Lễ khai giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mông năm 2023.

Lớp bồi dưỡng tiếng dân tộc Mông cho cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Bắc Kạn gồm 48 học viên đến từ công an các đơn vị, địa phương, với hình thức đào tạo vừa làm, vừa học.

Trong 5 tháng, các học viên sẽ được trang bị những kiến thức cơ bản về tiếng dân tộc Mông. Lớp sẽ đi thực tế tại các vùng đồng bào dân tộc Mông sinh sống, qua đó giúp học viên am hiểu về lịch sử, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc Mông.

Kết thúc khóa học, các học viên sẽ có khả năng nghe, nói, giao tiếp với đồng bào dân tộc Mông và tham gia kỳ thi cấp chứng chỉ.

Đại tá Đinh Quang Huy- Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Kạn mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của Trường Đại học Khoa học- Đại học Thái Nguyên trong công tác đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc tại địa phương.

Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Kạn yêu cầu cấp ủy, công an các đơn vị địa phương quan tâm tạo điều kiện thuận lợi nhất để cán bộ, chiến sĩ tham gia lớp học đầy đủ.

Ban tổ chức lớp học cần phối hợp với Trung tâm nghiên cứu đào tạo ngôn ngữ và văn hóa Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên làm tốt công tác quản lý lớp học, đảm bảo việc dạy và học đạt kết quả như kế hoạch đề ra; tham mưu, đề xuất Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh kịp thời khen thưởng các cá nhân đạt thành tích cao trong học tập.

Đối với học viên, cần nêu cao trách nhiệm, chấp hành tốt nội quy, quy chế của lớp học.

Việc học tiếng Mông có ý nghĩa vô cùng quan trọng góp phần tích cực vào công tác tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước đối với vùng dân tộc, miền núi.

Nâng cao năng lực tiếng Mông nói riêng và tiếng DTTS nói chung sẽ giúp cho cán bộ, chiến sĩ thực hiện tốt công tác vận động, tuyên truyền đồng bào dân tộc Mông chấp hành nghiêm các quy định của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ