Bồi dưỡng giáo viên ở Nghệ An: Còn nhiều khó khăn ở huyện miền núi

Bồi dưỡng giáo viên ở Nghệ An: Còn nhiều khó khăn ở huyện miền núi

Trình độ chưa tương xứng với bằng cấp

Thầy Vừ Bá Xử có hơn 20 năm công tác tại Trường Tiểu học Huồi Tụ 1 (xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn) nhưng chủ yếu chỉ dạy lớp 1 và tự nhận có nhiều hạn chế về kiến thức phổ thông nên không dám xin dạy ở lớp cao hơn. “Ngày xưa tôi học hết lớp 5 là người “nhiều chữ” trong xã nên được huyện chọn đi học thêm 3 năm ở trường trung cấp sư phạm rồi đi dạy học. Nhiệm vụ chính của chúng tôi thời điểm đó là xóa mù chữ cho bà con trong bản theo mô hình các lớp bình dân học vụ. Bây giờ giáo dục có nhiều đổi mới, tôi đã “lạc hậu” về kiến thức phổ thông nên không dám xin dạy ở lớp cao hơn”, thầy Xử chia sẻ.

Nói về thực trạng chất lượng đội ngũ giáo viên trên toàn huyện, ông Phan Văn Thiết – Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng GD&ĐT Kỳ Sơn thừa nhận: Xét về bằng cấp chuyên môn theo vị trí việc làm, giáo viên của Kỳ Sơn đều đạt chuẩn và trên chuẩn. Nhưng trình độ giáo viên trên thực tế chưa tương xứng với bằng cấp. Nguyên nhân trước hết do Kỳ Sơn là huyện miền núi cao, biên giới, trước đây nhiều giáo viên mới chỉ học xong lớp 5, 7, hoặc 9 được cử đi học sư phạm để về xóa bản trắng về giáo dục.

Đến thời điểm này, những giáo viên đó kiến thức phổ thông hạn chế không đáp ứng được chương trình giáo dục ngày càng đổi mới. Bên cạnh đó cũng có một số giáo viên còn tâm lý ỷ lại, đã vào biên chế và do phụ huynh vùng núi cao không quan tâm sát sao đến việc học của con cái nên hình thành sự chủ quan, dạy đối phó, không tự ý thức nâng cao trình độ.

Trước thực trạng đó, Phòng GD&ĐT Kỳ Sơn chỉ đạo các nhà trường rà soát trình độ giáo viên và báo cáo lại. Quy trình đánh giá lại đội ngũ giáo viên được thực hiện từ năm học 2016 – 2017 với 2 hình thức gồm: Giáo viên tự đánh giá (đã có 186 người tự nguyện viết đơn không dạy được toàn cấp) và bài kiểm tra về trình độ năng lực.

Nội dung kiểm tra chủ yếu yêu cầu giáo viên giải những bài tập Toán và Tiếng Việt (tiểu học) và các bài tập thuộc từng bộ môn (THCS) trong sách giáo khoa và các kiến thức kỹ năng về sư phạm. Tuy nhiên kết quả “đáng báo động” khi toàn huyện có gần 400 GV không đạt yêu cầu. Trong đó bậc tiểu học có 275/769 giáo viên không đáp ứng được dạy toàn cấp (chiếm tỷ lệ 35,8%); bậc THCS có 119/448 giáo viên khi làm bài khảo sát có điểm dưới trung bình (chiếm tỷ lệ 26,5%).

Yêu cầu bồi dưỡng giáo viên đại trà

Khi đã phân loại được giáo viên, Phòng GD&ĐT Kỳ Sơn chia nhóm theo từng mức độ khá - giỏi - trung bình - chưa đạt yêu cầu và tiến hành bồi dưỡng. “Chúng tôi bồi dưỡng kiến thức phổ thông cấp học, chứ không có gì nâng cao. Riêng đối với nhóm chưa đạt yêu cầu, hàng năm phòng bồi dưỡng tập trung 1 tháng tại huyện vào dịp hè và một tuần 4 ngày (trong năm học). Đứng lớp bồi dưỡng là ngũ giáo viên cốt cán của huyện. Toàn bộ kinh phí bồi dưỡng do huyện chi trả, giáo viên không phải đóng tiền”, ông Phan Văn Thiết cho biết.

Chương trình bồi dưỡng GV mang tính quyết liệt và đại trà đã tác động mạnh mẽ đến mỗi trường học trên toàn huyện. Đóng tại địa bàn xa xôi, khó khăn nhất huyện Kỳ Sơn. Trường PTDTBT THCS Keng Đu có 31 giáo viên, trong đó 30 người trình độ ĐH và 1 người trình độ CĐ. Nhưng theo thầy Phan Sỹ Trường, Phó Hiệu trưởng nhà trường, thực tế chỉ có 26/31 giáo viên cơ bản đảm bảo năng lực giảng dạy môn học toàn cấp.

Thực hiện chỉ đạo của phòng, nhà trường đã đưa vào kế hoạch bồi dưỡng năng lực giáo viên. Trong đó, giao cho tổ chuyên môn hỗ trợ, giúp giáo viên trung bình, yếu giải đề, bài tập trong SGK hàng tháng. Bản thân giáo viên cũng cố gắng nỗ lực, thi đua, xác định được mục tiêu lâu dài là trang bị kiến thức đáp ứng yêu cầu mới trong dạy – học.

Thầy Phan Sỹ Trường cũng khẳng định: Chủ trương bồi dưỡng giáo viên của huyện là tốt, đặc biệt khi chuẩn bị thay sách giáo khoa và thực hiện chương trình mới. Qua đó tạo động lực cho giáo viên và phong trào thi đua giữa các trường.

Bên cạnh những giáo viên tích cực cố gắng cũng có một số giáo viên thấy khó khăn. Đặc biệt khi tham gia bồi dưỡng tập trung tại Phòng GD&ĐT do đường đi lại xa xôi, vất vả. Một số giáo viên công việc quá nhiều khi phải vừa hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn trên trường, vừa phải tự học thêm vào buổi tối. Cũng có một số người do hổng kiến thức quá lâu, khó bổ sung nên cảm thấy áp lực và phản ứng trái chiều.

Sau 3 năm triển khai, kết thúc năm học 2018 – 2019, qua khảo sát, toàn huyện Kỳ Sơn chỉ còn 123/275 giáo viên tiểu học thuộc diện không dạy được toàn cấp, trong đó có 8 giáo viên không thể bố trí đứng lớp. Có 27 giáo viên xin nghỉ trước tuổi, 2 giáo viên tự giác xin chuyển sang phục vụ và 5 giáo viên xin chuyển xuống bậc mầm non. Ở bậc THCS, từ 119 giáo viên nay chỉ còn 19 giáo viên không đáp ứng được nhiệm vụ chuyên môn trong đó có 5 giáo viên xin nghỉ trước tuổi.

Còn nhiều thách thức

Ông Phan Văn Thiết cho biết: Năm học 2019 – 2020, phòng tiếp tục bồi dưỡng cho hơn 100 giáo viên chưa đạt yêu cầu. Nhưng quá trình thực hiện sẽ rất khó khăn và hiệu quả khó như mong đợi vì những người này hầu hết tuổi đã cao, năng lực hạn chế và ngại thay đổi.

Một điều đáng lo ngại là trong tình trạng thiếu giáo viên, các nhà trường vẫn phải bố trí chuyên môn bình thường cho những giáo viên không đạt yêu cầu. Thầy Phan Trọng Đạt – Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mường Ải cho biết: Sau 2 năm thực hiện bồi dưỡng, trường còn 3 giáo viên hạn chế năng lực, không đáp ứng được yêu cầu.

Nhưng với 7 điểm lẻ và tỷ lệ 1,38 GV/lớp , nếu trường không bố trí đứng lớp, chuyển những GV hạn chế năng lực sang làm GV 2, hoặc nhân viên sẽ không đủ giáo viên dạy – học. Mặt khác, về “cái tình” trong một thời điểm lịch sử, những giáo viên này là người tiên phong cắm bản, có vai trò lớn trong xóa bản trắng giáo dục trước đây.

Về phương án cho GV không đạt yêu cầu sau nhiều năm bồi dưỡng, ông Nguyễn Văn Thiết – Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn cho hay: Chúng tôi sẽ xem xét cho những giáo viên này chuyển sang vị trí công việc khác hoặc làm nhân viên. Tuy nhiên để thực hiện rất khó khăn và chưa có văn bản quy định cụ thể nào.

Đến thời điểm hiện tại, một số giáo viên gửi đơn xin chuyển đổi công tác, nhưng chúng tôi cũng chỉ giải quyết được một số trường hợp. Kỳ Sơn cũng đã kiến nghị lãnh đạo các cấp cần có chủ trương chỉ đạo thống nhất về công tác bồi dưỡng giáo viên, để các phòng GD&ĐT, nhà trường có căn cứ thực hiện.

Về chương trình bồi dưỡng GV của huyện Kỳ Sơn, ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An nêu quan điểm: Sở ủng hộ cách làm của huyện Kỳ Sơn và xem đây là cách thức quan trọng để đánh giá thực chất đội ngũ giáo viên địa phương, đặc biệt đối với các huyện miền núi cao.

Triết lý giáo dục đối với miền xuôi là lấy đổi mới làm động lực phát triển, còn đối với giáo dục miền núi thì lấy hiệu quả làm động lực phát triển. Ngành cũng sẽ căn cứ vào đó để xây kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên miền núi, trước hết nhằm đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông mới và thay sách giáo khoa.

Xét về bằng cấp, giáo viên của Kỳ Sơn (Nghệ An) đều đạt chuẩn và trên chuẩn. Nhưng trình độ giáo viên trên thực tế chưa tương xứng với bằng cấp. Thậm chí, nhiều giáo viên không tự tin giải đúng các bài tập trong sách giáo khoa Toán lớp 3, 4, 5. Vì vậy, ngành Giáo dục huyện đã rà soát lại chất lượng giáo viên, tổ chức bồi dưỡng kiến thức phổ thông cấp học cho những người chưa đạt yêu cầu.
                                                                          Ông Phan Văn Thiết 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ông Trần Quí Thanh lãnh 8 năm tù.

Ông Trần Quí Thanh bị phạt 8 năm tù

GD&TĐ - Sáng 25/4, TAND TPHCM tuyên phạt 8 năm tù đối với bị cáo Trần Quí Thanh (Chủ tịch Tân Hiệp Phát) về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".