Bói đề, đoán đề trước kỳ thi lớp 10: Cẩn thận 'tủ đè'

GD&TĐ - Trước kỳ thi tuyển sinh lớp 10, trên mạng xã hội, học sinh rôm rả bàn tán, dự đoán đề thi môn Ngữ văn.

Tiết học của học sinh Trường THCS Nguyễn Hiền (Quận 12). Ảnh: Minh Anh
Tiết học của học sinh Trường THCS Nguyễn Hiền (Quận 12). Ảnh: Minh Anh

Các giáo viên cho rằng, ôn “tủ” không giúp thí sinh đạt điểm cao, ngược lại, còn dễ mất điểm.

“Rôm rả” đoán đề trước giờ “G”

Cuối tháng 5/2024, một Fanpage trên Facebook mang tên “Đề thi tuyển sinh vào 10 môn Ngữ văn” với hơn 6 nghìn thành viên thuộc nhiều tỉnh, thành trong cả nước đăng tải nhiều dòng trạng thái như: “Dự đoán Đồng Nai ra bài gì nào?”, “Năm nay Tiền Giang ra đề văn gì mọi người ơi!”, “Đoán đề văn Tiền Giang mọi người ơi!”… Các bài đăng đoán đề đã thu hút sự chú ý, bình luận và chia sẻ của hàng trăm thành viên, trong đó nhiều ý kiến đề nghị đoán sớm bởi đã cận kề ngày thi.

Riêng tại TPHCM, từ những ngày đầu tháng 6, trên trang Facebook “Học sinh TP Hồ Chí Minh”, với hơn 370 nghìn thành viên rôm rả việc đoán đề Ngữ văn trong kỳ thi lớp 10. Ngày 1/6 thành viên M.K. đăng dòng trạng thái “Anh chị/các bạn đoán năm nay văn sẽ ra bài nào”.

Chỉ trong 2 ngày đã có hơn 380 bình luận và gần 20 lượt chia sẻ. Tại phần bình luận, nhiều học sinh mong đề Văn của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 ngày 6 - 7/6 liên quan đến tác phẩm “Những ngôi sao xa xôi”, với nhân vật chính Phương Định. Ngoài ra, một số học sinh cũng gọi tên tác phẩm “Đoàn thuyền đánh cá”, “Lặng lẽ Sapa”. Một số khác đoán đề Ngữ văn sẽ ra bài thơ “Nói với con” của Y Phương.

Tương tự, nhiều thành viên cũng đăng dòng trạng thái lên các trang mạng với câu hỏi nhờ mọi người đoán đề thi Ngữ văn kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TPHCM như: “Đoán đề thi tuyển sinh 10 môn Văn”; “Mọi người cho em hỏi là tuyển sinh 10 Văn năm nay có khả năng ra văn học trung đại không ạ”; “Anh, chị, em vô đoán đề văn tuyển sinh cho em với”,…

Bên cạnh những bình luận chia sẻ về các tác phẩm, cũng nhiều ý kiến khuyên phải học hết, không học tủ vì năm nay ra theo chủ đề như: “Mọi người tủ chị Định nhiều quá là bị đè giống anh chị 2007 với 2008 rồi đó” hay “Mình thấy đoán đề cũng đoán vui vậy thôi chứ nên học hết nha”.

Học sinh TPHCM tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2023. Ảnh: Minh Anh

Học sinh TPHCM tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2023. Ảnh: Minh Anh

Không “bói đề, đoán đề”

Thầy Võ Kim Bảo - Tổ trưởng tổ Ngữ văn, Trường THCS Nguyễn Du (Quận 1, TPHCM) cho rằng, cách ra đề thi của TPHCM từ nhiều năm nay đã theo định hướng mở, học sinh không thể “bói đề, đoán đề” và cũng không nên tin vào những dự đoán trên mạng xã hội. Bởi, đề thi sẽ không ra tác phẩm mà ra theo chủ đề. Học sinh được quyền chọn bất kỳ tác phẩm hoặc ý nhỏ nào trong tác phẩm đó sao cho phù hợp, đúng, trúng với chủ đề để phân tích, nghị luận.

Do đó, nếu học sinh còn “học tủ” theo việc loại trừ các tác phẩm đã ra trong kỳ thi tuyển sinh hằng năm sẽ không thể làm được bài thi. Quan trọng hơn, các em phải có kỹ năng làm bài, hệ thống lại nội dung trọng tâm, chủ đề của tác phẩm mới có thể làm được đề thi tuyển sinh.

“Không thể trông chờ vào may rủi mà các em nên xem lại các bài giảng, đề cương rồi viết lại theo ý chính để nhớ kiến thức lâu hơn. Đề thi lớp 10 của TPHCM đòi hỏi thí sinh phải tự làm, triển khai theo khả năng hiểu, tư duy, viết của mình. Do đó, nếu học sinh còn tâm lý trông chờ vào văn mẫu, may rủi đoán đề sẽ không thể làm bài tốt”, thầy Võ Kim Bảo nói.

Cô Nguyễn Thị Hòa - giáo viên Ngữ văn, Trường THCS Minh Đức (Quận 1) lưu ý: “Ngoài việc không nên đoán đề rồi “học tủ” môn Ngữ văn, trước giờ thi vào lớp 10 ở TPHCM, thí sinh không nên dùng điện thoại nhiều rồi “chìm đắm” trên mạng xã hội. Điều này có thể khiến các em dễ bị nhiễu thông tin hoặc hoang mang khi thấy nhiều bạn khoe kết quả thi tốt trong các kỳ thi”.

Ở góc độ quản lý, ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho hay, nội dung kiến thức trong đề thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2024 nằm trong chương trình THCS, chủ yếu ở khối lớp 9.

Cấu trúc đề thi của môn Ngữ văn và các môn thi khác được sở GD&ĐT công bố từ sớm để các trường THCS và giáo viên có hướng giảng dạy, ôn tập phù hợp cho học sinh. Vì vậy, đề thi tuyển sinh có thể ra vào bất cứ phần nội dung kiến thức nào mà học sinh đã học, đặc biệt là kiến thức khối lớp 9. Việc “học tủ”, “học vẹt” sẽ khiến các em gặp khó khi làm bài thi.

“Với môn Ngữ văn, trong quá trình ôn tập, nhiều học sinh thường dùng phương pháp loại trừ các tác phẩm đã ra trong đề thi tuyển sinh những năm trước đó để đỡ mất nhiều thời gian ôn tập. Tuy nhiên, việc một tác phẩm đã ra trong đề thi tuyển sinh các năm trước không có nghĩa không được đề cập đến trong năm nay.

Đồng thời, môn Ngữ văn thường đòi hỏi liên hệ với các tác phẩm khác có chung chủ đề, do đó việc học theo phương pháp loại trừ sẽ khiến các em có thể thiếu tư liệu để bài viết phong phú. Để làm bài thi đạt điểm cao không thể nhờ vào may rủi từ việc học tủ, học lệch mà trong quá trình ôn tập phải có chiến lược hiệu quả và nghiêm túc ở từng môn thi’, ông Nguyễn Bảo Quốc chia sẻ.

Học sinh nhiều địa phương trên cả nước đang gấp rút ôn tập cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập. Theo các chuyên gia, trong những ngày trước kỳ thi diễn ra, sĩ tử không nên thức khuya, học bài với cường độ cao. Các em nên xem lại tổng thể toàn chương trình, ăn uống đủ chất, nghỉ ngơi điều độ, không ngủ muộn, thức dậy sớm để có sự tỉnh táo tốt nhất trước ngày thi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.