Nhân kỷ niệm 74 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, nhằm hưởng ứng và lan tỏa giá trị, ý nghĩa sâu sắc Lời kêu gọi của Người, chương trình nghệ thuật “Vinh quang Tổ quốc Việt Nam” bồi đắp cho thế hệ trẻ lòng yêu nước, tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Bên cạnh đó là sự đổi mới sáng tạo không ngừng, vươn lên đạt những kỳ tích mới trong công cuộc kiến tạo đất nước hùng cường.
Xuất phát từ lợi ích của nhân dân
Ngày 27/3/1948, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng ra Chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc để động viên, kêu gọi mọi lực lượng cho kháng chiến, kiến quốc. Ðể triển khai Chỉ thị này, tháng 6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, phát động phong trào thi đua yêu nước trong toàn Ðảng, toàn quân và toàn dân.
Trong Lời kêu gọi, Người nhấn mạnh: “Bổn phận của người Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh, bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau... Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già trẻ, trai gái, bất kỳ giàu nghèo, lớn nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ đấu tranh trên mặt trận quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa”.
Mục đích của thi đua ái quốc là dân tộc độc lập, dân quyền tự do và dân sinh hạnh phúc… Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng nhấn mạnh: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Người đã lấy thi đua làm động lực phát huy lòng yêu nước, qua phong trào thi đua bồi dưỡng, nâng cao lòng yêu nước, làm cho lòng yêu nước thể hiện bằng những hành động cụ thể trong lao động sản xuất và chiến đấu. Ngược lại, lấy lòng yêu nước thúc đẩy phong trào thi đua”.
Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất phát từ lợi ích của nhân dân, đem lại ấm no, hạnh phúc và độc lập, tự do cho dân. Vì thế, phong trào thi đua đã được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, hưởng ứng. Ngay từ những ngày đầu phát động cũng như trong suốt 74 năm qua, phong trào thi đua đã diễn ra sôi nổi và rộng khắp. Nhờ đó, đất nước ta đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, chung sức, đồng lòng làm nên những thắng lợi vĩ đại trong hai cuộc kháng chiến, cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển và hội nhập hiện nay.
Suốt nhiều năm qua, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành nguồn sức mạnh to lớn lôi cuốn, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phát huy truyền thống yêu nước, gắn bó đại đoàn kết dân tộc. Đồng thời, nâng cao ý chí tự lực, tự cường để vượt qua bao khó khăn, gian khổ trong từng giai đoạn dựng xây và bảo vệ Tổ quốc.
Trong thời chiến, Đảng và nhân dân ta đã áp dụng tư tưởng và quan điểm của Bác về phong trào thi đua yêu nước để vượt qua nạn đói, nạn dốt, giặc trong, thù ngoài, từ đó đi tới thắng lợi vẻ vang trong cách mạng Việt Nam. Trong thời bình, Đảng và nhân dân ta luôn quán triệt và không ngừng vận dụng, sáng tạo tư tưởng thi đua yêu nước của Bác. Mục đích để triển khai, tiến hành thực hiện các phong trào thi đua và công tác thi đua, khen thưởng đối với mọi lĩnh vực, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, đặc biệt là trong tình hình dịch bệnh Covid-19 vừa qua.
Tạo ra sự khác biệt, mới lạ và hấp dẫn
Chương trình nghệ thuật “Vinh quang Tổ quốc Việt Nam” mong muốn thông qua âm nhạc góp phần khơi dậy, lan tỏa phong trào thi đua ái quốc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động 74 năm trước. Qua đó bồi đắp cho thế hệ trẻ lòng yêu nước, tinh thần đại đoàn kết dân tộc...
Chương trình gồm 2 phần, được dàn dựng công phu, có sự tham gia của các ca sĩ, nghệ sĩ Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và một số nghệ sĩ nổi tiếng. Đó là NSƯT Đăng Dương, NSƯT Phương Thảo, các ca sĩ Đông Hùng, Thu Thủy...
Theo đạo diễn chương trình, NSƯT Trường Bắc, phần 1 “Bài ca Hồ Chí Minh” gồm những bài hát hay nhất ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thông qua các bài hát ấy tôn vinh cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức vĩ đại của Người. Đồng thời bày tỏ lòng thành kính, biết ơn vô hạn của các thế hệ hôm nay đối với công lao của Bác trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc.
Phần 2 “Vinh quang Tổ quốc tôi” như một bức tranh về vẻ đẹp quê hương, đất nước, con người Việt Nam. Trong đó có cả các tác phẩm cổ điển và tác phẩm mới phù hợp với giới trẻ hiện nay. “Phần 2 mang thông điệp ngợi ca tính cần cù, sáng tạo, sẻ chia, đoàn kết của người Việt Nam, cùng nhau vượt qua mọi khó khăn để xây dựng một nước Việt Nam hùng cường” - NSƯT Trường Bắc nói.
Để tạo ra sự khác biệt, mới lạ và hấp dẫn, chương trình dùng nhiều hình thức khác nhau. Chẳng hạn, những bài hát quen thuộc thường do các ca sĩ nổi tiếng trong nước thể hiện, nay được đàn bầu độc tấu hoặc vilon solo. Bên cạnh đó, nhiều ca khúc sẽ do các ca sĩ trẻ đang được yêu thích thể hiện... Những sự kết hợp, sáng tạo này, theo NSƯT Trường Bắc nhằm cuốn hút khán giả trẻ, để từ đó họ thêm yêu và tự hào về quê hương, đất nước, con người Việt Nam.
Các nghệ sĩ đã mang tới cho khán giả chùm ca khúc mang giai điệu tự hào, ca khúc mang màu sắc tươi sáng về một Việt Nam phát triển. Đó là Đảng như Mặt trời, như người thân yêu (Lê Đăng Vệ), Huế - Sài Gòn - Hà Nội (Trịnh Công Sơn), Việt Nam tươi đẹp (Nguyễn Hoàng Duy), Tự hào quê hương Việt Nam (Vũ Huyền Ngọc), Hà Nội mười hai mùa hoa (Giáng Son), Những trái tim Việt Nam (Phương Uyên), Liên khúc: Hát về Người – Như có Bác trong ngày vui đại thắng (Đoàn Bổng - Phạm Tuyên)...