Bội chi ngân sách: Đã khó càng thêm khó

Bội chi ngân sách: Đã khó càng thêm khó

(GD&TĐ) - Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến 15/10/2012 ước tính đạt 523,4 nghìn tỷ đồng. Tổng chi ngân sách ước tính đạt 678,6 nghìn tỷ đồng. Đối với cả một nền kinh tế lớn mạnh đang trong giai đoạn ổn định thì bất kỳ một biểu hiện bội chi nào cũng đã là đáng lo ngại. Hệ quả nhãn tiền: Chính phủ không còn nguồn cân đối ngân sách để tăng lương theo định kỳ vào năm 2013; hàng loạt hạng mục đầu tư phải cắt giảm; các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đã có nhưng chỉ có thể triển khai ở chừng mực do kinh phí hạn chế. Nền kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn, lại càng thêm khó vì sự thâm hụt ngân sách hiện nay.

Còn nhớ tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XIII diễn ra vào tháng 6/2012, nghĩa là ngay giai đoạn giữa năm, Chính phủ cũng đã bày tỏ sự quan ngại về thu ngân sách và cho rằng nếu thu ngân sách không đạt kế hoạch sẽ rất khó khăn về cân đối, buộc phải cắt giảm đầu tư và chi tiêu.

Đáng tiếc sau 10 tháng, dù đã có rất nhiều cố gắng từ Chính phủ nhưng các quan ngại đó đã trở thành hiện thực, với mức bội chi ngày càng tăng, trong khi nợ xấu ngân hàng và tình hình khó khăn của doanh nghiệp ngày càng căng thẳng. Cụ thể theo số liệu được Bộ Tài chính và Tổng cục Thống kê công bố về tình hình thu - chi ngân sách 10 tháng đầu năm 2012: Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến 15/10/2012 ước tính đạt 523,4 nghìn tỷ đồng, bằng 70,7% dự toán năm, trong đó thu nội địa 333,1 nghìn tỷ đồng, bằng 67,3%; thu từ dầu thô 90,1 nghìn tỷ đồng, bằng 103,6%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 94,3 nghìn tỷ đồng, bằng 61,3%.

Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến 15/10/2012 ước tính đạt 678,6 nghìn tỷ đồng, bằng 75,1% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển 134,4 nghìn tỷ đồng, bằng 74,7% (riêng chi đầu tư xây dựng cơ bản 129,7 nghìn tỷ đồng, bằng 74,5%); chi phát triển sự nghiệp kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, Đảng, đoàn thể (bao gồm cả chi thực hiện cải cách tiền lương) ước tính đạt 466,2 nghìn tỷ đồng, bằng 77,5%; chi trả nợ và viện trợ 78 nghìn tỷ đồng, bằng 78%.

Ảnh MH
Ảnh MH

Các con số này cho thấy điều gì? Trước hết là về tỷ lệ tổng thu ngân sách nhà nước 10 tháng so với dự toán cả năm chỉ đạt 70,7%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ tương ứng của cùng kỳ nhiều năm qua. Ngoài khoản thu từ dầu thô vượt kế hoạch (đạt 103,6%), cùng hai khoản thu khác cao hơn tỉ lệ chung là thu từ thuế thu nhập cá nhân (78,5%), thu từ thuế bảo vệ môi trường (74,3%), còn lại tất cả các khoản thu khác đều đạt thấp: thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt rất thấp; thu nội địa là khoản thu lớn nhất nhưng đạt thấp hơn tỷ lệ chung, còn các khoản thu lớn khác cũng không khả quan (thu từ doanh nghiệp nhà nước đạt 69,8%, thu từ doanh nghiệp FDI không kể dầu thô đạt 63,1%, thuế công thương nghiệp và dịch vụ ngoài nhà nước đạt 61,8%, thu phí và lệ phí đạt 66,9%.

Thứ nữa, tổng thu ngân sách nhà nước/GDP trong 9 tháng đầu năm nay đạt 25,3%. Đây là một tỷ lệ thuộc loại khá cao so với các nước và còn cao so với định hướng của Việt Nam (22-23%). Vấn đề đặt ra là: tại sao tổng thu ngân sách tăng thấp, mà tỷ lệ thu ngân sách/GDP vẫn cao? Nguyên nhân chủ yếu là do GDP tính theo giá so sánh và tính theo giá thực tế 9 tháng năm nay bị “co lại” (tăng thấp so với tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước) và hiệu quả của nền kinh tế còn thấp.

Con số thống kê 10 tháng đầu năm cho thấy tỷ lệ thực hiện so với dự toán năm của tổng chi cao hơn tỷ lệ của tổng thu. Do vậy, tỷ lệ bội chi so với dự toán cả năm theo tính toán sơ bộ đã cao hơn tỷ lệ tương ứng của tổng thu và của tổng chi (89,1% so với 70,7% và 75,1%). So với cùng kỳ năm trước, trong khi tổng thu tăng thấp so với tốc độ tăng của tổng chi đã làm cho mức bội chi tuyệt đối của kỳ này cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Đáng lưu ý, tỷ lệ bội chi so với GDP, nếu cả năm 2011 là 4,9%, thì 9 tháng năm nay đã ở mức gần 6,1%; trong khi chỉ tiêu kế hoạch cả năm nay là 4,8%. Đây là cảnh báo quan trọng, bởi tỷ lệ bội chi cao là yếu tố tiềm ẩn của lạm phát, tăng vay nợ, gây bất ổn kinh tế vĩ mô trong thời gian tới.

Càng không thể không suy nghĩ khi cách đây ít hôm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ trong lúc đăng đàn tại nghị trường kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XIII đang diễn ra, đã thẳng thắn nói rằng ngân sách nhà nước đang khó khăn đến mức nếu vẫn quyết tăng lương theo lộ trình vào năm 2013 thì chỉ còn cách in thêm tiền mà thôi. Tất nhiên đó là một cách nói về sự khó khăn của ngân sách hiện tại chứ không ai lại làm thế cả, và đó lại càng không phải là một giải pháp.

Đẩy mạnh chỉ số phát triển của GDP, giải quyết nợ xấu, cắt giảm một số loại thuế để hỗ trợ cả doanh nghiệp lẫn người dân để kích thích kinh doanh sản xuất, kiên quyết giữ vững và hạ thấp mức bội chi/GDP như mục tiêu đã đề ra. Đó mới là các giải pháp then chốt để kích thích nền kinh tế tăng trưởng trở lại, qua đó tăng nguồn thu cho ngân sách để góp phần giảm chi. Các giải pháp này cũng đã được nhiều chuyên gia chỉ ra, nhiều nhà quản lý tính đến, nhưng thực hiện như thế nào, hiệu quả đến đâu dường như vẫn chưa được các cơ quan chức năng cân nhắc và triển khai trên thực tế, ít nhất cho đến thời điểm này của năm 2012.

 Nhất Nguyên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.