Pháo nổ được người Việt mua bán công khai tại Hà Khẩu - Trung Quốc. Ảnh: T.G
Mua bao nhiêu cũng có
Qua các mối thân quen, chúng tôi có trong tay vài số điện thoại của những người tự nhận có thể cung cấp được hầu hết các loại pháo cho thị trường miền Bắc với số lượng bao nhiêu cũng có. Thậm chí, những người này còn lập hẳn các website để bán pháo, rồi công khai đăng quảng cáo và rao bán nhan nhản trên mạng.
Gọi theo số điện thoại 0946.xxx.934, chúng tôi được một giọng đàn ông nhiệt tình tư vấn: “Bên anh loại gì cũng có, pháo bánh, pháo bi, pháo diêm… đủ cả. Em mua loại nào bảo anh, anh báo giá”. Người đàn ông này cũng cho biết, ngoài pháo, để chiều lòng khách hàng, chỗ anh ta còn cung cấp cả thuốc pháo với cùng tiêu chí: “Cứ mua, là có. Hàng sẽ được gửi xe khách về tận nơi, với giá bán 650.000đồng/bánh loại 5m cho loại pháo bánh”.
Tiếp tục gọi vào một số máy khác chúng tôi được báo giá chi tiết qua tin nhắn: “Pháo bi nhỏ mua trên 5 bì giá sỉ 300.000 đồng, lẻ là 350.000 đồng. Pháo bi to 400.000 đồng, mua trên 5 bì giá 350.000 đồng. Pháo tràng dài trên 10m giá 1.900.000 đồng/tràng, loại dài 2,5m giá 500.000 đồng/tràng”.
Cách thức giao dịch của đầu mối này cũng giống như hầu hết các đầu mối mà chúng tôi có dịp khảo sát, đó là khách chuyển khoản trước 50% giá trị đơn hàng. Sau đó, pháo sẽ được gửi theo xe khách. Nhận hàng, người mua sẽ thanh toán nốt số tiền còn lại.
Khối lượng pháo nổ vừa bị Công an Lạng Sơn bắt giữ khi đang trên xe khách xuôi về Nam Định.
Đáng chú ý, trong quá trình tìm hiểu của PV Báo GĐ&XH, một người đàn ông tự nhận sống tại Nam Định khoe rằng anh ta chính là đầu mối cung cấp pháo lớn nhất khu vực phía Bắc. Giá cả của anh ta cũng được quảng cáo là rất cạnh tranh, còn giao dịch thì an toàn, nhanh gọn(?) “Chả dại gì tập kết hàng ở Hà Nội vì nhìn đâu cũng thấy lực lượng chức năng. Cứ ở tỉnh cho nhàn đầu. Khách cần thì lại gửi xe, đi đâu cũng được”, người đàn ông này cho hay.
Hấp dẫn trước lời quảng cáo là mối hàng “khủng” nhất đất Bắc, trong vai là những người muốn nhập nhiều hàng về Hà Nội để bán lại ăn chênh lệch, chúng tôi đã hẹn gặp ngay tại “đại bản doanh” của anh ta. Tuy nhiên, cuộc hẹn được bố trí tại TP.Nam Định vào một ngày cuối tháng 12/2016 đã không thể diễn ra theo kế hoạch. Không hiểu vì lý do gì, người đàn ông này bỗng đột ngột cắt đứt mọi liên lạc.
Sau đó, xâu chuỗi với thông tin được gửi tới chúng tôi từ Công an Lạng Sơn trong cùng thời điểm này thì có vẻ, đường dây đưa pháo lậu từ Trung Quốc về Nam Định đã ít nhiều bị đánh động. Theo đó, Công an Lạng Sơn cho biết, gần cuối tháng 12/2016, tại km 21+800 quốc lộ 1A, thuộc địa phận xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc, lực lượng chức năng tỉnh này đã tiến hành kiểm tra xe ô tô khách biển kiểm soát 18N-1609 và phát hiện có nhiều hàng hóa trong khoang chở khách, trong gầm xe, trong đó có ba bao tải pháo được che phủ dưới chăn.
Sau khi mở bao, phát hiện có 6 thùng cát tông chứa pháo nổ do Trung Quốc sản xuất gồm: 24 cuộn pháo dây, hàng trăm bánh pháo tép có tổng trọng lượng 116kg. Qua điều tra bước đầu, lái xe đã nhận vận chuyển số hàng hóa trên từ khu vực biên giới về Nam Định cho một chủ hàng, do không kiểm tra nên không biết có những mặt hàng gì.
“Một vốn, bốn lời”
Tại nhiều cửa hàng tạp hóa ở chợ Hà Khẩu treo tấm biển quảng cáo bán pháo bằng cả 2 ngôn ngữ Việt - Trung.
Để tìm hiểu thêm thông tin về các nguồn cung cấp mặt hàng cấm này, chúng tôi đã may mắn liên hệ được với Tuyên - người từng có kinh nghiệm trong việc “đánh” pháo lậu từ Trung Quốc những năm trước đây. Theo Tuyên, từ khi Nhà nước cấm sản xuất kinh doanh các loại pháo nổ thì hầu hết pháo được “tuồn” từ Trung Quốc về theo các cửa khẩu chính ở Lạng Sơn, Móng Cái (Quảng Ninh) và Lào Cai.
“Lấy hàng bên đó rất dễ, ngặt cái là lúc vận chuyển về nước, nhưng thường các chủ hàng có mối đưa về giúp mình. Còn đã qua rồi thì coi như an tâm đến 90%. Còn nếu sợ, sẽ có đội xe máy chở hàng đến tận nơi. Khi buộc hàng trên xe máy, sẽ có những cách buộc riêng, khi gặp các cơ quan chức năng chỉ cần giật đầu dây là hàng tự rơi xuống đường để cản đường lực lượng chức năng và dễ dàng tẩu thoát”, Tuyên nói.
“Theo tâm lý thông thường, pháo nổ để đốt dịp Tết nên cuối năm sẽ buôn bán nhiều. Nhưng đó chỉ là cách nghĩ và cách làm của đám nhỏ lẻ thiếu kinh nghiệm. Còn dân buôn thực thụ sẽ chủ yếu “đánh” hàng vào giữa năm bởi đây là lúc cơ quan chức năng ít tập trung vào mặt hàng này, sau đó gần Tết mới “xé” nhỏ cho các mối lẻ.
Tuy nhiên, việc này kéo theo công tác bảo quản, nên chỉ có mối “khủng” mới áp dụng. Nếu chịu khó theo dõi các báo cáo thì tầm giữa năm thường bắt được pháo có số lượng “khủng” hơn cuối năm”, Tuyên tiết lộ và cho chúng tôi xem một thông tin được đăng tải ngày 1/8/2016 trên Internet, khi lực lượng chức năng TP Móng Cái (Quảng Ninh) tiến hành bắt giữ một số đối tượng dùng tàu gỗ, không biển kiểm soát vận chuyển một số lượng pháo lớn do Trung Quốc sản xuất chứa trong 36 bao dứa và 32 thùng carton. Với tổng trọng lượng lên đến hơn 2 tấn, đây được xem là số lượng pháo lậu kỷ lục bị phát hiện cho đến thời điểm đó.
Theo chỉ dẫn của Tuyên, chúng tôi tìm lên Lào Cai, qua Cửa khẩu quốc tế Lào Cai để sang Hà Khẩu (Trung Quốc). Người tài xế đưa chúng tôi từ bến xe Lào Cai ra cửa khẩu còn khẳng định: Mua pháo rất dễ dàng. Cứ sang đó mua, khắc có người đưa về, chủ yếu là bằng đường sông.
Bên kia biên giới là chợ Hà Khẩu – nơi có rất nhiều người Việt đang làm ăn, buôn bán - có thể dễ dàng tìm thấy các tấm biển quảng cáo bán pháo bằng cả 2 ngôn ngữ Việt, Trung. Ở đây cũng chính là địa điểm bán pháo nổ. Pháo dây được bày bán cùng với các loại hàng bình thường khác, khách muốn mua bao nhiêu cũng có.
Tại một cửa hàng bán pháo, chúng tôi được dẫn vào trong kho chứa, bên trong chẳng thiếu bất cứ loại pháo nào… từ pháo dây, pháo trứng cho đến các loại pháo cỡ lớn. Người bán hàng tiết lộ, trong số khách mua có rất nhiều người Việt, trong đó có cả đầu nậu chuyên mua số lượng lớn rồi vận chuyển qua các đường mòn, lối mở về Việt Nam tiêu thụ.
Theo khảo sát của chúng tôi, tại kho hàng công khai này, pháo nổ các loại được bán với giá rất rẻ, thường dao động từ 30 cho đến dưới 100 tệ (từ 100 nghìn đến 300 nghìn đồng) từ loại “làng nhàng” cho đến loại “khủng". Trong khi đó, tại Việt Nam các đầu nậu rao bán trái phép với mức giá gấp từ 3 đến 4 lần…
Trước những diễn biến phức tạp của tình hình vận chuyển, buôn bán pháo lậu, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu gian lận thương mại hàng giả tỉnh Lào Cai đã phân công nhiệm vụ cụ thể. Theo đó, ở biên giới là các lực lượng Biên phòng, Hải quan; trong nội địa, lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với Công an tăng cường lực lượng truy quét pháo lậu, rà soát các địa bàn trọng yếu, tăng cường lực lượng nhằm chốt chặn, kiểm soát toàn tuyến biên giới và truy quét sâu trong nội địa trước, trong và sau Tết...
Những con số biết nói
Theo báo cáo của Tổng cục Cảnh sát (Bộ CA), trong năm 2016, tình hình liên quan đến tình trạng mua bán, vận chuyển tàng trữ trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ với số lượng lớn vẫn tiềm ẩn nhiều phức tạp. Cụ thể, đã bắt giữ 580 vụ tàng trữ, vận chuyển sản xuất vũ khí trái phép, bắt gần 1.000 đối tượng... Về công tác quản lý sử dụng pháo nổ, năm 2016 đã phát hiện, bắt giữ gần 900 vụ mua bán, tàng trữ và sử dụng pháo trái phép; thu giữ 22 tấn pháo các loại.