Từ ngày 8/3/2021, Bộ Y tế, Chương trình Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia đã tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho lực lượng tuyến đầu là các cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các lực lượng công an, quân đội… theo Nghị quyết số 21 ngày 26/2/2021 của Chính phủ.
Bản tin sáng 14/5, Bộ Y tế cho biết đã có 959.182 người Việt Nam tiêm vắc xin phòng COVID-19.
Ngày 16/5/2021 tới đây, Việt Nam sẽ tiếp tục nhận 1.682.400 liều vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca đợt 2 do COVAX Facility tài trợ để triển khai tiêm chủng trên toàn quốc.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chỉ đạo: “Bộ Y tế yêu cầu các địa phương, đơn vị chuẩn bị ngay kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19 đợt 3, rà soát tất cả các điểm tổ chức triển khai tiêm chủng trên địa bàn, trong đó sẽ mở rộng đối tượng và phạm vi tiêm chủng.
Việc triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 đợt 3 tiếp tục được thực hiện với phương châm tiêm đến đâu an toàn đến đó, đảm bảo an toàn và độ bao phủ tiêm chủng”.
Triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng phòng COVID-19
Tại buổi lễ công bố chương trình hợp tác đối tác Australia-UNICEF hỗ trợ phân phối Vắc xin COVID-19 tại Việt Nam, TS.Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết đây là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất của Việt Nam từ trước tới nay. Dây chuyền lạnh được đảm bảo chất lượng bền vững không chỉ cho việc tiêm phòng COVID-19 mà còn cho chiến lược tiêm chủng mở rộng trong nhiều năm tiếp theo.
Vắc xin là biện pháp hiệu quả trong phòng dịch COVID-19, vì vậy Việt Nam rất trân trọng những liều vắc xin đầu tiên do cơ chế COVAX (của Tổ chức Y tế Thế giới và các đối tác toàn cầu) dành cho Việt Nam.
Để triển khai thành công vắc xin COVID-19, phải nói đến sự hỗ trợ của Australia dành cho Việt Nam thông qua UNICEF là vô cùng quý giá.
Chương trình Tiêm chủng Mở rộng sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn về công tác triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho các tuyến, đặc biệt là công tác khám sàng lọc và xử trí phản ứng sau tiêm chủng để đảm bảo an toàn tiêm chủng.
Song song với đó, các địa phương sơ kết chia sẻ kinh nghiệm triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 đợt 1 để chuẩn bị cho triển khai cho đợt 2. Chúng tôi đặc biệt lưu ý các địa phương phải tổ chức tiêm chủng an toàn và phòng lây nhiễm COVID-19 tại các điểm tiêm chủng theo hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế và Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia.
Theo PGS.TS Dương Thị Hồng, các địa phương sẽ càng phải nỗ lực hơn nữa: vừa triển khai công tác phòng chống dịch vừa tổ chức tiêm chủng văc xin COVID-19 với quyết tâm cao sớm đạt được độ bao phủ 2 mũi vắc xin cho các nhóm đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21 của Chính phủ.
Bộ Y tế lập Ban Chỉ đạo an toàn tiêm chủng, tập hợp các chuyên gia, giáo sư đầu ngành trên các lĩnh vực để sẵn sàng trợ giúp địa phương.
Thông tin tại cuộc họp hội nghị trực tuyến toàn quốc sáng 16/4 về tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19 và tiêm chủng vắc xin COVID-19 với ngành y tế của 63 tỉnh, thành ph, Bộ Y tế cho biết, thời gian qua Bộ Y tế đã liên tục tổ chức các cuộc họp với các chuyên gia đầu ngành về công tác an toàn tiêm chủng.
Bộ Y tế đã ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo an toàn tiêm chủng, tập hợp các chuyên gia, giáo sư đầu ngành trên các lĩnh vực, đặc biệt là điều trị để sẵn sàng hỗ trợ các địa phương xử lý mọi tình huống xảy ra trong tiêm chủng.
Hiện nay chúng ta có mạng lưới 1.500 đểm cầu kết nối khám chữa bệnh từ xa và Bộ Y tế đang tiếp tục mở rộng thêm các điểm cầu. Đội ngũ chuyên gia, giáo sư ở 3 miền Bắc, Trung, Nam thường trực ở mạng lưới này sẽ tập trung giúp tất cả các địa phương trên toàn quốc.
Bộ Y tế đặt tiêu chí an toàn tiêm chủng lên rất cao, chúng tôi tin rằng với đội ngũ chuyên gia như vậy và cách làm như vậy thì chúng ta tự tin có thể xử lý tốt những trường hợp có phản ứng không mong muốn sau tiêm. Trên thực tế vừa rồi, Việt Nam đã xử lý tốt tất cả các trường hợp phản ứng sau tiêm.
Với quan điểm “tiêm đến đâu an toàn đến đó” và đảm bảo an toàn ở mức độ rất cao, thậm chí cao hơn so với yêu cầu, các chuyên gia đã phân tích các trường hợp phản ứng sau tiêm, theo đó có những trường hợp phản ứng không đến mức nặng nhưng vẫn được xử lý như phản ứng nặng sau tiêm…
Theo Bộ Y tế, tuy nâng cao an toàn tiêm chủng hơn một mức so với bình diện chung của Tổ chức Y tế Thế giới nhưng không vì lý do đó mà triển khai tiêm chủng chậm do thời hạn sử dụng vắc xin COVID-19 của COVAX chỉ đến 31/5/2021.
Vì vậy, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương triển khai tiêm nhanh, không để vắc xin hết hạn mà không tiêm…
Bộ Y tế cũng mong muốn các cơ quan truyền thông tăng cường thông tin về lợi ích của tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 và mô hình tiêm chủng an toàn được triển khai tại Việt Nam để người dân tham gia tiêm chủng.
Tại cuộc họp, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam và khẳng định vắc xin là một trong những biện pháp phòng chống COVID-19. Những lợi ích mà vắc xin mang lại vượt trội hơn so với nguy cơ có thể xảy ra.
Tuy nhiên, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới cũng cho rằng, vắc xin không phải là biện pháp duy nhất phòng, chống dịch. Vì vậy, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch như đã thực hiện hơn 1 năm nay.