Theo đánh giá của Bộ Y tế, việc xảy ra tình trạng trên chủ yếu là do một bộ phận người lao động trong ngành y tế thiếu kiến thức và hiểu biết chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về tổ chức khám chữa bệnh;
Bên cạnh đó do những hạn chế về kiến thức, năng lực chuyên môn cũng như sự phối hợp giữa ngành y tế và ngành bảo hiểm xã hội trong công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, liên tục để phát hiện, chấn chỉnh những thiếu sót và giải quyết vướng mắc phát sinh.
Để kịp thời ngăn chặn hành vi lạm dụng, gian lận, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế, đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế hợp lý, hiệu quả, Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 10/CT- BYT yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố, thủ trưởng y tế các bộ, ngành tăng cường công tác tham mưu thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo hiểm y tế, công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh; chú ý đến các nội dung liên quan đến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế theo các quy định của pháp luật.
Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố, thủ trưởng y tế các bộ, ngành cần chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh tăng cường công tác tự kiểm tra, phòng chống hành vi lạm dụng, gian lận, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế nhất là sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 146/2018/NĐ-CP, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành các Thông tư điều chỉnh giá dịch vụ y tế.
Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu giám đốc bệnh viện, viện có giường bệnh, cơ sở khám chữa bệnh các tuyến phải có kế hoạch kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế;
Đặc biệt chú trọng đến chỉ định dịch vụ khám chữa bệnh nhằm phát hiện, ngăn chặn tình trạng lạm dụng chỉ định điều trị nội trú, chỉ định dịch vụ kỹ thuật cận lâm sàng (xét nghiệm, nội soi, chẩn đoán hình ảnh…), kê đơn thuốc quá mức cần thiết; ghi tên dịch vụ kỹ thuật, tên chẩn đoán không đúng với tình trạng bệnh nhằm được chi trả với giá dịch vụ cao hơn;
Các cơ sở khám chữa bệnh cần công khai bảng giá dịch vụ y tế được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt tại nơi tiếp nhận người bệnh và nơi thanh toán.
Bảng giá dịch vụ y tế phải rõ ràng, dễ đọc, dễ thấy, cơ sở khám chữa bệnh phải kịp thời giải đáp những thắc mắc của người bệnh liên quan đến giá dịch vụ y tế. Nghiên cứu tổ chức thực hiện triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt.
Trong công tác lập hồ sơ bệnh án, kê đơn, cấp thuốc bảo hiểm y tế không để xảy ra tình trạng lập hồ sơ bệnh án khống, kê đơn thuốc khống, cấp thuốc không đầy đủ cho người bệnh, để chiếm dụng thuốc, tiền của quỹ bảo hiểm y tế.
Cần đảm bảo quyền lợi của người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế, tránh tình trạng yêu cầu người bệnh tự chi trả các dịch vụ kỹ thuật, thuốc, vật tư y tế dù có trong danh mục được Quỹ bảo hiểm y tế chi trả và không đưa những nội dung này vào bảng kê chi phí.