Bộ Y tế: Hoàn thành tiêm mũi 3 trong quý I năm 2022

GD&TĐ - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, đến ngày 31/12, phải hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn.

Hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 12 - 18 tuổi trong tháng 1/2022, tiêm mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong quý I năm 2022.

Kêu gọi tất cả người dân tiêm vắc-xin

Sáng 27/12, Bộ Y tế phối hợp Bộ Ngoại giao tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Quốc tế Phòng chống dịch bệnh với chủ đề “Tăng cường quản lý nhóm nguy cơ”.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, đến ngày 24/12, cả nước đã tiêm được gần 144 triệu liều vắc-xin trong tổng số hơn 166 triệu liều đã phân bổ. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc-xin là 79%. Tỷ lệ bao phủ đủ vắc-xin liều cơ bản là 66% tổng dân số Việt Nam. Đến nay, tỷ lệ này đã vượt mức mục tiêu mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đề ra đến hết năm nay. Đó là 40% dân số của mỗi quốc gia được tiêm vắc-xin phòng Covid-19.

Đối với nhóm người từ 18 tuổi trở lên, tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc-xin là 98% và tỷ lệ tiêm đủ liều cơ bản là 86%. Từ tháng 11, các tỉnh, thành phố đã bắt đầu triển khai tiêm vắc-xin cho trẻ em từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi.

Với tiến độ tiêm chủng hiện nay, đến hết tháng 12, toàn quốc sẽ đảm bảo bao phủ mũi 1 cho dân số từ 18 tuổi trở lên và cơ bản bao phủ mũi 2 (khoảng 90%). Đồng thời, bao phủ đủ liều cơ bản cho trẻ em từ 12 tuổi.

Với tên gọi và ý nghĩa của việc hưởng ứng Ngày Quốc tế Phòng chống dịch bệnh năm nay, tại Việt Nam, trọng tâm thông điệp là “Tăng cường quản lý nhóm nguy cơ”. Tại buổi mít tinh, Thứ trưởng Sơn đề nghị, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, bám sát tình hình, sớm phát hiện các chủng mới xâm nhập vào Việt Nam. Tăng cường các biện pháp giám sát, truy vết, điều tra, xử lý ổ dịch. Người dân tiếp tục nâng cao tinh thần chủ động phòng chống dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Ngoài ra, cần thực hiện quản lý chặt nhóm nguy cơ cao trên địa bàn. Tổ chức rà soát, lập danh sách, thống kê tất cả những người thuộc nhóm nguy cơ cao. Tổ chức tiêm vét vắc-xin, thực hiện tiêm vắc-xin phòng Covid-19 lưu động ngay tại nhà. Bảo đảm không bỏ sót người thuộc nhóm nguy cơ.

Tổ chức chăm sóc và điều trị người mắc Covid-19 thuộc nhóm nguy cơ cao theo dõi sức khỏe, xử trí và điều trị ngay khi phát hiện mắc Covid-19.

“Khẩn trương chỉ đạo, tổ chức thực hiện tiêm chủng an toàn, nhanh nhất có thể. Thực hiện tiêm vắc-xin phòng Covid-19 lưu động ngay tại nhà. Không để sót, đặc biệt là người có bệnh nền, người trên 50 tuổi. Đến ngày 31/12, phải hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên.

Hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 12 - 18 tuổi trong tháng 1/2022, mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong quý I/2022”, lãnh đạo ngành Y tế nhấn mạnh. Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cũng kêu gọi toàn bộ người dân đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam đi tiêm chủng vắc-xin Covid-19.

Bất bình đẳng vắc-xin

Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu cho biết, thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục nỗ lực tối đa. Qua đó, đồng hành với ngành Y tế Việt Nam phòng ngừa, chuẩn bị sẵn sàng và hợp tác nhằm ứng phó với các dịch bệnh. Đặc biệt, trước tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp, Bộ sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành liên quan triển khai hiệu quả công tác ngoại giao vắc-xin.

TS Kidong Park - Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam - nhận định, điều thực sự ấn tượng là Việt Nam đã bảo đảm có hơn 160 triệu liều vắc-xin và cung cấp hơn 140 triệu liều cho người dân trong một thời gian ngắn.

“Tuy nhiên, tình trạng bất bình đẳng về vắc-xin toàn cầu vẫn tồn tại và đang là mối quan tâm lớn. Đến nay, có dưới 5% dân số ở các nước thu nhập thấp được tiêm chủng. Sự xuất hiện của biến thể Omicron nhấn mạnh nhu cầu sống còn về việc tiếp cận công bằng và rộng rãi với vắc-xin để chấm dứt đại dịch. Đoàn kết và phối hợp giữa các quốc gia là rất quan trọng. Không ai an toàn, trừ khi tất cả chúng ta đều an toàn”, TS Park chia sẻ.

Ông Kidong Park nhận định, Covid-19 sẽ tiếp tục lây lan trong một thời gian nữa. Do đó, cần tiếp tục bảo vệ nhóm người dễ bị tổn thương, người cao tuổi và những người có bệnh nền. Ngoài ra, cần có hệ thống phân loại bệnh nhân thích hợp. Nhân viên y tế cũng cần được bảo vệ và hỗ trợ tốt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ