Bộ Y tế đề nghị ưu tiên xe vận chuyển trang thiết bị y tế, đặc biệt là oxy

GD&TĐ - Để kịp thời có đầy đủ trang thiết bị y tế, đặc biệt là oxy y tế, Bộ Y tế đề nghị có giải pháp, cơ chế ưu tiên đặc biệt: Vận chuyển 24/24h, được phép ra/vào và đi qua các cung đường cấm của các tỉnh/thành phố,...

Bộ Y tế kiểm tra tại doanh nghiệp sản xuất oxy. Ảnh: Bộ Y tế.
Bộ Y tế kiểm tra tại doanh nghiệp sản xuất oxy. Ảnh: Bộ Y tế.

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc phối hợp đảm bảo các điều kiện vận chuyển, cung ứng trang thiết bị y tế và oxy y tế phục vụ điều trị bệnh nhân.

Văn bản do Thứ trưởng Trần Văn Thuấn ký ban hành cho biết, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành trên cả nước, cùng với đó nhu cầu về thiết bị, vật tư, oxy y tế để phục vụ điều trị người bệnh cũng tăng cao.

Việc cung ứng đầy đủ, kịp thời oxy y tế có vai trò quan trọng trong công tác điều trị bệnh nhân Covid-19, giúp giảm nhẹ tình trạng bệnh và hạn chế tử vong của người bệnh.

Trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, Ban, ngành đã có nhiều văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên toàn quốc và đảm bảo vận chuyển hàng hóa thiết yếu phục vụ phòng chống dịch và đời sống người dân.

Qua theo dõi, một số tỉnh/ Thành phố đã triển khai và thực hiện các quy định linh hoạt, phù hợp, hiệu quả đáp ứng yêu cầu vận chuyển, lưu thông hàng hóa.

Tuy nhiên, Bộ Y tế vẫn thường xuyên nhận được phản ánh về việc các xe vận chuyển trang thiết bị y tế và đặc biệt là oxy y tế không được lưu thông để kịp thời cung ứng cho các bệnh viện, cơ sở y tế thu dung điều trị bệnh nhân mắc Covid-19.

Để kịp thời có đầy đủ phương tiện, trang thiết bị y tế và đặc biệt là oxy y tế phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương có giải pháp, cơ chế ưu tiên đặc biệt: Vận chuyển 24/24h, được phép ra/vào và đi qua các cung đường cấm của các tỉnh/thành phố, đặc biệt là các khu vực đang có dịch bùng phát…

Đối với tài xế, nhân viên đi cùng đã thực hiện đảm bảo đầy đủ các biện pháp an toàn phòng chống dịch được vận chuyển, cung ứng, lắp đặt trang thiết bị y tế và đặc biệt là oxy y tế cho các bệnh viện, cơ sở y tế thu dung điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 trên địa bàn hoặc tới các địa bàn đang có dịch bệnh.

Tránh đứt gãy nguồn cung ứng vật tư, thiết bị y tế, đặc biệt là oxy y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19

Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương khẩn trương điều chỉnh thời hạn yêu cầu kết quả đối với Giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 cho lái xe, nhân viên tham gia vận chuyển, lắp đặt,.. trang thiết bị y tế và oxy y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế, tránh các quy định chồng chéo, gây chậm trễ, đứt gãy nguồn cung ứng vật tư, thiết bị y tế, đặc biệt là oxy y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.

Đảm bảo oxy y tế cho điều trị người bệnh Covid-19 luôn là vấn đề được lãnh đạo Bộ Y tế quan tâm, do đó Bộ Y tế đã có nhiều chỉ đạo, nhiều cuộc họp, làm việc với các doanh nghiệp đơn vị cung ứng, sản xuất oxy để yêu cầu phải nâng công suất sản xuất, phải cung ứng kịp thời nhu cầu về oxy y tế cho các bệnh viện.

Mặt khác, Bộ Y tế cũng nhiều lần yêu cầu các Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các bệnh viện phải chủ động lên kế hoạch ký hợp đồng cung ứng oxy với các cơ sở cung ứng. Tuyệt đối không để thiếu oxy trong điều trị.

Để phù hợp với diễn biến cùa tình hình dịch bệnh, ngay từ tầng điều trị thứ nhất, Bộ Y tế đã yêu cầu phải có sẵn các bình oxy để ngay lập tức cho bệnh nhân sử dụng khi cần. 

Đặc biệt ở tầng điều trị 2, Bộ Y tế đã nhiều lần "nhắc đi nhắc lại" phải đảm bảo oxy cho tầng điều trị này- đây là tầng điều trị tối quan trọng vì nếu làm tốt công tác điều trị tại đây sẽ hạn chế được nguy cơ bệnh nhân diễn tiến nặng phải chuyển lên tầng điều trị 3 cũng như nguy cơ tử vong cho bệnh nhân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...