Bộ Y tế đề nghị ĐH Y Dược TP.HCM thu hồi 2 quyết định bổ nhiệm Phó hiệu trưởng

GD&TĐ - Bộ Y tế vừa “tuýt còi” và đề nghị Trường ĐH Y dược TP.HCM thu hồi 2 quyết định bổ nhiệm Phó hiệu trưởng với ông Ngô Quốc Đạt và ông Hà Mạnh Tuấn.

Trường ĐH Y dược TP.HCM được Bộ Y tế xác định bổ nhiệm 2 Phó hiệu trưởng sai quy định
Trường ĐH Y dược TP.HCM được Bộ Y tế xác định bổ nhiệm 2 Phó hiệu trưởng sai quy định

Lý do Bộ Y tế đề nghị Trường ĐH Y dược TP.HCM thu hồi 2 quyết định bổ nhiệm vì sai quy định. Bộ Y tế cũng yêu cầu Ban giám hiệu nhà trường có biên bản kiểm điểm trách nhiệm, báo cáo Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế trước ngày 15/5/2021.

Được biết, ngày 11/5 Bộ Y tế đã ra biên bản cuộc họp về công tác bổ nhiệm Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TP.HCM. Cuộc họp do Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn chủ trì  vào ngày 29/4.

Tại cuộc họp này, Thứ trưởng Bộ Y tế đã kết luận: Bộ Y tế hết sức chia sẻ những khó khăn của Trường ĐH Y dược TP.HCM, tuy nhiên cần nghiêm túc nhìn nhận, rút kinh nghiệm chung cho các đơn vị khác.

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết khi nhận được thông tin về công tác bổ nhiệm Phó hiệu trưởng của trường, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị trường rà soát toàn bộ về điều kiện, quy trình bổ nhiệm Phó hiệu trưởng để đảm bảo thực hiện đúng quy định trước khi ký quyết định bổ nhiệm và công bố. Nhưng Nhà trường vẫn tổ chức công bố.

Kết quả kiểm tra của Tổ công tác cho thấy Nhà trường đã làm chưa đúng so với Quy chế tổ chức hoạt động do trường ban hành. Đề nghị Trường chủ động thu hồi quyết định bổ nhiệm ông Ngô Quốc Đạt và ông Hà Mạnh Tuấn, có biên bản kiểm điểm trách nhiệm, báo cáo Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế.

Việc bổ nhiệm 2 Phó hiệu trưởng của Trường ĐH Y dược TP.HCM được Bộ Y tế xác định sai quy định.
Việc bổ nhiệm 2 Phó hiệu trưởng của Trường ĐH Y dược TP.HCM được Bộ Y tế xác định sai quy định.

Trước đó trong các ngày 23/3 và 13/4 Tổ công tác của Bộ Y tế do ông Trần Viết Hùng- Phó Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ đã có buổi làm việc với đại diện Trường ĐH Y Dược TP.HCM về công tác bổ nhiệm Phó hiệu trường của trường.

Tại buổi làm việc ngày 23/3, Tổ công tác của Bộ Y tế đã đề nghị trường rà soát lại quy định bổ nhiệm để đảm bảo thực hiện theo đúng Quy định 105-QĐ/TW và Nghị định 115/2020/NĐ-CP, Luật Giáo dục đại học và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, bao gồm các chức danh hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và các chức danh quản lý khác.

Việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại phải thực hiện đúng quy định trong Quy chế tổ chức hoạt động hoặc quy trình do hiệu trưởng ban hành; rà soát về cơ cấu tổ chức, số lượng cấp phó của trường để xây dựng phương án sắp xếp, tổ chức lại theo quy định của Nghị định số 120/2020/NĐ-CP của Chính phủ…

Tuy nhiên, giải trình cho Tổ công tác các vấn đề còn vướng mắc, ông Trần Diệp Tuấn- Chủ tịch Hội đồng Trường cho biết: Do bối cảnh Nhà trường đang thiếu hụt nhân lực cán bộ quản lý, một mình ông Nguyễn Hoàng Bắc điều hành cả trường và bệnh viện nên khối lượng công việc rất lớn. Do đó, với vai trò là Bí thư Đảng ủy, ông Tuấn thấy cần phải bổ sung Ban Giám hiệu để hỗ trợ ông Bắc. Vì vậy, Đảng ủy ĐH Y dược TP.HCM đã họp và thống nhất bổ sung 2 Phó hiệu trưởng.

Tại cuộc họp với Bộ Y tế (ngày 29/4), ông Tuấn một lần nữa trình bày lại vấn đề trên khi cho biết đó là nhu cầu bức thiết của Nhà trường và được sự tán đồng của các thành viên Hội đồng trường.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Tuấn Hưng- Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (thành viên Hội đồng trường) cho biết: "Tại cuộc họp của Trường ĐH Y dược TP.HCM, tôi đã có ý kiến theo quy định Hiệu trưởng sẽ đề xuất Hiệu phó. Tuy nhiên, các đồng chí trong tập thể lãnh đạo và Hội đồng trường đồng thuận việc Đảng ủy giới thiệu Phó hiệu trưởng, nguyên nhân là do nhà trường chưa có hiệu trưởng. Tôi chỉ là một thành viên trong Hội đồng trường và phải chấp thuận theo đa số”.

Hai Phó hiệu trưởng vừa được bổ nhiệm là PGS.TS Ngô Quốc Đạt - Thư ký hội đồng trường, Phó trưởng khoa Y và TS Hà Mạnh Tuấn - Ủy viên Hội đồng khoa học, đào tạo; Trưởng phòng sau Đại học nhà trường được Trường tổ chức bổ nhiệm vào ngày 5/4/2021 vừa qua.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.