Bộ Y tế: Bệnh tả lợn châu Phi không gây bệnh trên người

Bệnh tả lợn châu Phi không gây bệnh trên người, do đó, người dân cần bình tĩnh, không nên tẩy chay tiêu dùng các sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh.

Bộ Y tế: Bệnh tả lợn châu Phi không gây bệnh trên người

Bộ Y tế: Bệnh tả lợn châu Phi không gây bệnh trên người ảnh 1

Lợn bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi đượctiêu hủy bằng cách đào hố chôn lợn, rắc vôi bột, phun thuốc tiêu độc khử trùng.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, bệnh tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus African swine fever virus (ASFV) gây ra.

Bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên loài lợn, ở tất cả các loại lợn với tỷ lệ lợn chết cao, lên đến 100%. Bệnh lây truyền qua các đàn lợn thông qua việc tiếp xúc với máu, dịch nhầy của lợn bệnh. Trong năm 2018, nhiều nước thuộc châu Phi, châu Âu và châu Á đã ghi nhận các vụ dịch bệnh tả lợn châu Phi ở các đàn lợn.

Tại Việt Nam, ngày 19/2, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) đã chính thức thông báo ghi nhận 8 ổ dịch tả lợn châu Phi tại một số hộ chăn nuôi thuộc tỉnh Hưng Yên và Thái Bình.

Như vậy, dịch bệnh tả lợn châu Phi đã xâm nhập vào nước ta và có nguy cơ lây lan trên các đàn lợn nếu không thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch.

Do dịch bệnh có những tác động rất lớn đối với các đàn lợn và kinh tế người dân nên cần triển khai quyết liệt các biện pháp ngăn chặn và kiểm soát sớm dịch bệnh trên các đàn lợn.

Tuy nhiên, dịch bệnh này không gây bệnh trên người, do đó, người dân cần bình tĩnh, không nên hoang mang tẩy chay tiêu dùng các sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh.

Còn Cục Thú y khuyến cáo, do hiện nay chưa có vaccine và thuốc điều trị được bệnh dịch tả lợn châu Phi, cùng với đó thời tiết biến đổi bất lợi, tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển, lây lan… nên người dân tuyệt đối không được đưa lợn bệnh ra ngoài vùng dịch.

Không mua con giống không rõ nguồn gốc, không sử dụng thức ăn thừa, thức ăn tận dụng chưa qua xử lý nhiệt chín. Không cho thương lái, phương tiện vận chuyển vào khu chuồng nuôi vì có thể mang mầm bệnh từ nơi khác vào.

Mặc dù bệnh không gây trên người, nhưng người dân không tham gia mua bán, vận chuyển, tiêu thụ bất kỳ lợn bệnh, lợn nghi bị bệnh, các loại sản phẩm thịt lợn bệnh.

Trên thế giới, theo thông tin từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE), tính từ năm 2017 đến ngày 18/2/2019, đã có 20 quốc gia báo cáo bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tổng cộng đã có hơn 1,08 triệu con lợn buộc phải tiêu hủy.

Tại Trung Quốc, thông tin từ OIE và Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO), từ ngày 3/8/2018 đến ngày 18/2/2019, Trung Quốc thông báo tổng cộng có 105 ổ dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại 25 tỉnh, trong đó có nhiều ổ dịch xảy ra tại tỉnh Vân Nam và Quảng Đông gần biên giới với Việt Nam. Tổng cộng đã có hơn 950.000 con lợn các loại buộc phải tiêu hủy.

Theo baochinhphu.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.