Bộ Xây dựng sẽ công bố thông tin hàng quý về thị trường bất động sản

Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ chính công bố thông tin hàng quý về thị trường bất động sản như một kênh chính thống nhằm tăng tính minh bạch.

Thị trường bất động sản tiếp tục thu hút đáng kể các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước. Ảnh minh họa: Thanh Vũ/TTXVN
Thị trường bất động sản tiếp tục thu hút đáng kể các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước. Ảnh minh họa: Thanh Vũ/TTXVN

Đây là một trong những chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà tại hội nghị chiều 12/7 đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch của ngành xây dựng trong những tháng cuối năm 2019.

Nhìn chung ngành xây dựng vẫn duy trì sự ổn định tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Trong 6 tháng đầu năm 2019, có 8.711 doanh nghiệp xây dựng mới được thành lập, chiếm tổng số 13% doanh nghiệp thành lập mới; trong đó có 4.014 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, chiếm 6% và tăng 22% so với cùng kỳ 2018. Thị trường bất động sản tiếp tục thu hút đáng kể các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước.

Hoạt động xây dựng tăng trưởng khá với tốc độ 7,85% so với cùng kỳ các năm 2018; hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 4,43%; diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 24,25m2 sàn/người - tăng 0,25 m2 sàn/người so với năm 2018.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhận định, tuy mức độ tăng trưởng của ngành xây dựng đạt mức khá nhưng vẫn chưa đáp ứng mục tiêu đặt ra. Dư địa tăng trưởng còn khả quan trong 6 tháng cuối năm bởi đặc thù của xây dựng là mùa vụ rơi vào 2 quý cuối của năm. Tuy nhiên, ngành vẫn có nhiều giải pháp để tăng tốc trong chặng đường còn lại của năm 2019.

Một trong những điểm sáng trong hoạt động của ngành là tiếp tục kiểm soát chặt chẽ thị trường bất động sản, duy trì sự phát triển ổn định, không có biến động bất thường. Đến nay, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đã thu hút nguồn vốn FDI khoảng 6,6 tỷ USD (chiếm 18,6% tổng vốn FDI, đứng thứ 2 sau ngành công nghiệp chế tạo, chế biến).

Tổng vốn đầu tư của các dự án bất động sản đang triển khai khoảng 4,8 triệu tỷ đồng. Dư nợ tín dụng bất động sản của các ngân hàng đến hết Quý I/2019 khoảng 462.128 tỷ đồng, chiếm 6,2% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế. Trong số này, dư nợ tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, phát triển nhà ở là 103.123 tỷ đồng; dự án văn phòng cho thuê 43.201 tỷ đồng; nhà hàng, khách sạn 40.038 tỷ đồng; khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng 18.796 tỷ đồng; cho vay xây dựng, sửa chữa nhà để bán, cho thuê 78.750 tỷ đồng...

Tuy nhiên, trên thực tế, một số dự án bất động sản (nhất là tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh) ách tắc, làm giảm nguồn cung; xảy ra tình trạng sốt đất cục bộ tại một số địa phương. Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cảnh báo, nếu thị trường tiếp tục ách tắc thì sẽ ảnh hưởng đến giai đoạn tới, có thể vắt sang năm 2020.

Bộ Xây dựng tiếp tục theo dõi sát thị trường và triển khai đề án “Đánh giá tình hình thị trường, dự báo xu hướng trung hạn, đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh” đã được Chính phủ phê duyệt và kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh; truyền tải nội dung này tới các địa phương để cùng phối hợp thực hiện.

Đặc biệt, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà khẳng định việc cần thiết phải xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản bởi hiện nay nhiều nguồn thông tin về thị trường vẫn chưa rõ ràng. Bởi vậy, Bộ trưởng yêu cầu đơn vị chức năng trong ngành phải công bố thông tin chính thức về thị trường bất động sản hàng quý.

Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản Nguyễn Trọng Ninh chia sẻ, Bộ Xây dựng đang tập trung nghiên cứu hoàn thiện Đề án “An ninh kinh tế trong lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản đảm bảo an sinh xã hội”, dự kiến sẽ hoàn thành trình Thủ tướng Chính phủ trong quý III/2019.

Theo ông Ninh, hiện Chương trình nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp mới chỉ hoàn thành khoảng 4,24 triệu m2 trên tổng số 12,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội cần hoàn thành đến năm 2020, chỉ đạt 34%. Con số 8,26 triệu m2 sàn nhà ở xã hội còn phải thực hiện tương ứng 66% cần được tiếp tục đầu tư...

Mặc dù áp lực tiến độ rất lớn nhưng nguồn lực thực hiện và hiệu quả thu hút, xã hội hóa các nguồn lực lại rất thấp. Ủy ban Thường vụ Quốc Hội đã chấp thuận giành 2.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng trung hạn để cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý cho các ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước chỉ định để cho vay ưu đãi nhà ở xã hội.

Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Chính sách xã hội đề nghị xem xét, thống nhất phương án điều chuyển khoảng 1.000 tỷ đồng cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại và khoảng 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay nhà ở xã hội gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.

Liên quan đến các khó khăn này, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho rằng, cần tiếp tục có giải pháp phát triển nhà ở xã hội, nhà thương mại giá rẻ và nhà cho thuê. Tuy nhiên, nếu vẫn thực hiện theo phương thức như hiện nay thì khó đạt được mục tiêu đề ra. Nút thắt cần gỡ tập trung vào 2 vấn đề chính là nguồn cung và hỗ trợ tài chính cho người mua nhà chứ không nhất thiết chỉ nhăm nhăm tập trung vào việc điều chỉnh phân nhóm đối tượng được thụ hưởng.

Theo baotintuc.vn/TTXVN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ