Bố và hành trình của con

Tám tuổi, tôi bắt đầu ghét bố khi dần nhận ra rằng ông chẳng tuyệt như hình ảnh ngày nào nữa. Không ít lần tôi chứng kiến bố mẹ cãi nhau.

Bố và hành trình của con

Ba tuổi, trong mắt tôi bố là tuyệt vời nhất! Tôi thích chơi với bố hơn cả mẹ vì bố có rất nhiều trò và vì bố hay có quà cho tôi mỗi dịp đi công tác xa về.

Bố tôi là lái xe. Mỗi lần đi chở hàng ở khu vực trong thành phố đều mang tôi đi theo. Tôi ngồi ghế bên vừa tíu tít chuyện trò với bố vừa ngắm nhìn khung cảnh lạ lẫm, đông đúc và đầy náo nhiệt khác với vẻ yên bình lúc ở nhà.

Bố sẽ giải thích cho tôi tại sao họ lại trồng hàng cây ngăn giữa đường, tại sao từ trong xe nhìn ra lại cảm giác như xe mình chiếm hết đường đi, v..v..

Lúc đấy con bé là tôi cứ mở to mắt và chăm chú lắng nghe, tưởng chừng như hiểu được hết cả thế giới. Tôi thuộc lòng những lời kể của bố, thuộc số điện thoại, thuộc luôn cả biển số xe và số chứng minh thư, hầu như mọi thứ liên quan đến bố đối với tôi đều đáng nhớ.

Tám tuổi, tôi bắt đầu ghét bố khi dần nhận ra rằng ông chẳng tuyệt như hình ảnh ngày nào nữa. Không ít lần tôi chứng kiến bố mẹ cãi nhau, rồi bố dùng bạo lực để giải quyết mặc dù tôi đã lao vào ôm mẹ và van xin.

Những hình ảnh ấy cứ ám ảnh tôi suốt một thời gian dài khiến tôi trở nên sợ hãi mỗi khi đối diện với ông, chỉ cần nghe tiếng ông hắng giọng ở ngoài sân là tôi đã tìm cách lẩn tránh. Những bữa cơm dần chỉ có ba mẹ con và bố không còn là chủ đề mà tôi thường hay khoe với bạn bè nữa.

Rồi mẹ tôi đổ bệnh, căn bệnh cũ tái phát và có chiều hướng xấu hơn khiến mẹ phải nằm trong viện điều trị chứ không được về nhà. Dù không muốn thì tôi cũng phải ngày ngày đối diện với bố, ngồi sau xe cho bố chở đi học. Vẫn là bố, vẫn là chiếc xe ngày xưa nhưng chẳng còn những câu chuyện trò, những nụ cười giòn tan nữa.

Mười hai tuổi, mẹ tôi mất. Sau đó một năm thì bố lấy mẹ kế, khoảng cách giữa hai bố con đã xa lại càng xa. Trừ lúc đi học ra thì tôi không được ra ngoài, không được gặp bạn bè, không được đến nhà bà ngoại, không được giữ liên lạc với bất cứ ai, không được cho bất cứ bạn bè nào đến nhà,..

Bố khiến tôi giống như một chú chim bị nhốt trong lồng vậy. Những hiểu lầm trong gia đình, những nghi kỵ và cấm đoán ngày một tăng khiến tôi rơi vào trầm cảm, khiến tôi thù ghét bố và thù ghét luôn cái gọi là “nhà”, là “gia đình”.

Có lần, tôi còn tình cờ nghe được ông nói với bác hàng xóm rằng tôi thật vướng víu và đáng ghét. Lúc đó tôi đã rất bàng hoàng và bật khóc nức nở.

Từ một đứa với tuổi thơ đẹp đẽ như ở trên mây, tôi rớt cái bịch xuống đất. Đau điếng. Những cú sốc đầu tiên của cuộc đời đã khiến một đứa mười ba tuổi vô tư trở nên “già đời”, có những suy nghĩ thật xa xôi so với bạn cùng trang lứa.

Tôi đã tưởng mình sẽ gục ngã, nhưng không! Tôi vẫn bám trụ, vẫn vượt qua được tất cả và tiếp tục được cho tới ngày hôm nay - trở thành một tôi khác hơn, kiên cường hơn, mạnh mẽ và cam chịu hơn rất nhiều.

Mười sáu, quan hệ giữa hai bố con dần bình ổn trở lại. Tuy ông vẫn còn rất lạnh lùng, bảo thủ và cứng nhắc nhưng đỡ hơn nhiều so với trước đây. Tôi không còn phải chứng kiến những điều khó chịu từ bố nữa nhưng lại phải chứng kiến những điều khác, những cái mà thời gian đã bào mòn bố tôi tự lúc nào mà tôi chẳng hay.

Tôi thấy bố đi làm nhiều hơn, gầy hơn, và cũng thường xuyên bị ốm hơn nữa. Tôi vẫn còn ít nhiều những thành kiến với bố nhưng nó không day dứt như trước kia mà thay vào đó là một thứ tình cảm khác lớn lao hơn và có chút gì đó rất thân thuộc. Phải, rất thân thuộc.

Tôi thấy tâm trí mình đang có những thay đổi, tôi không quan tâm đến những khó chịu mà bố thường thể hiện ra nữa mà để ý đến những việc bố làm. Tôi không oán trách nữa mà tìm cách để gần gũi hơn với bố, tôi không muốn xa cách nữa mà muốn tíu tít chuyện trò với bố như xưa.

Tôi thấy mình như đang sống lại những ngày thơ trẻ, theo xe bố trên những nẻo đường với thứ tình cảm thuần khiết, vô tư, không chút gợn của hờn trách.

Bố và hành trình của con - Ảnh 1

Có những ngày nắng cháy, có những ngày mưa dông, có những ngày buốt giá, không ngày nào là bố không đi làm. Ra khỏi nhà từ khi tất cả còn vùi trong giấc ngủ ấm áp và trở về khi nhà người ta đã dùng bữa tối xong. Ngày này qua tháng khác chỉ để kiếm tiền nuôi gia đình và nuôi đứa con đang học đại học là tôi.

Tôi chẳng còn thấy giận nữa, chỉ thấy thương. Chỉ muốn mình kiếm được tiền thật nhanh để có thể chăm sóc bố, để chữa hết các bệnh của bố, để mua cho bố những bộ quần áo đẹp, để làm cho bố một khu vườn với nhiều cây, nhiều hoa, và cả chim nữa…

“Con mua cho bố cái áo nhé? Đẹp lắm luôn ấy”.

“Mua cho con đi, bố suốt ngày đi làm có đi đâu khác đâu mà cần mặc đẹp”.

Mười tám, có thể tôi chưa thật sự trưởng thành nhưng đã đủ lớn để biết cách chấp nhận và thứ tha, có thể tôi sẽ không hoàn toàn quên được những ký ức tồi tệ ngày nào nhưng nó cũng sẽ không thể ảnh hưởng đến cảm xúc của tôi được nữa.

Dù rất nhiều năm trôi qua trong không khí căng thẳng nhưng bố vẫn nhớ những sở thích của tôi. Dù ông không nói lời nào nhưng tôi vẫn biết số tiền điện thoại được bắn vào máy tôi hằng tháng là của ông gửi. Có những việc làm rất nhỏ thôi, rất lặng lẽ thôi nhưng cũng đủ để tôi biết rằng mình vẫn được yêu thương.

Người ta nói, tình cảm luôn là thứ khó phân định rạch ròi nhất. Bố không hoàn hảo, bố đã từng sai lầm, nhưng những thứ đã qua tôi sẽ để nó trôi qua, dù thế nào thì bố vẫn là người đã cho tôi cả tuổi thơ và là người nuôi tôi lớn khôn tới tận bây giờ.

Bố vừa gọi điện. Cuối tuần này tôi sẽ về nhà, sẽ lại ngồi trên chiếc xe quen thuộc của bố ngày xưa, lại theo bố trên những nẻo đường với thứ tình cảm thuần khiết, vô tư, không chút gợn của hờn trách…

Theo nguoiduatin.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ