'Bỏ túi' kỹ năng thoát hiểm dưới nước cho học sinh

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Với những người biết bơi, nguy cơ bị đuối nước cũng rất cao khi gặp phải các tình huống bất ngờ. Bởi vậy, trẻ cần được học kỹ năng thoát khỏi tai nạn đuối nước kể cả khi không biết bơi.

Trẻ cần học các kỹ năng thoát hiểm khi ở dưới nước. Ảnh minh họa.
Trẻ cần học các kỹ năng thoát hiểm khi ở dưới nước. Ảnh minh họa.

Các kỹ năng thoát hiểm

Đuối nước không chỉ gặp phải ở những người không biết bơi, mà còn có thể ở cả người biết bơi khi họ mất sức, chuột rút... Tâm lý chung của hầu hết mọi người khi bị đuối nước chính là mất bình tĩnh và liên tục vùng vẫy. Điều này sẽ làm cho cơ thể bị mất kiểm soát và càng chìm sâu hơn. Vì vậy, người lớn có thể dạy trẻ áp dụng kỹ năng khi bị đuối nước để tự cứu sống bản thân nếu chẳng may rơi vào tình thế nguy hiểm này.

Thầy Nguyễn Văn Dũng, Trung tâm Bơi lội B&G (Hà Nội), chia sẻ các bí quyết thoát hiểm khi ở dưới nước. Trước tiên, cần lấy lại bình tĩnh và làm nổi cơ thể. “Có thể bạn chưa biết, cơ thể con người vốn có tính nổi. Vậy nên khi ở dưới nước, nếu biết cách kiểm soát, cơ thể sẽ như một chiếc phao, nổi lên trên mặt nước”, thầy Dũng nói.

Theo giáo viên này, nguyên nhân là vì buồng phổi của chúng ta có thể chứa từ 6 - 8 lít không khí. Khi rơi xuống nước, không khí bên trong sẽ đẩy chúng ta lên ở tư thế úp và gần sát so với mặt nước. Tuy nhiên, trẻ cần bình tĩnh để có thể giữ được trọng lực cân bằng. Và để biến cơ thể mình thành một chiếc phao cứu sinh, trẻ cần thực hiện nhắm mắt, ngậm miệng, nín thở và thả lỏng cơ thể.

Tiếp theo, trẻ có thể học cách làm nổi phần đầu để hít thở. Sau khi thực hiện thành công làm nổi cơ thể, người bạn sẽ từ từ nổi lên ở tư thế sấp, bập bênh, bán an toàn và đầu nổi sát mặt nước. Lúc này, bạn sẽ dùng tay và chân của mình như một mái chèo để quạt nước giúp đầu nhô hẳn lên trên mặt nước để hít thở.

Cũng theo thầy Dũng, khi đã ngoi được đầu lên mặt nước, điều cần làm chính là hít thở. Tuy nhiên, khi bị đuối nước, đặc biệt là do không biết bơi nên bạn không thể giữ cho đầu mình ở trên mặt nước quá lâu mà sẽ liên tục ngoi lên, ngụp xuống. Chính vì vậy, khi ngoi được lên khỏi mặt nước hãy hít một hơi thật sâu bằng cả miệng và mũi. Lúc đầu ngụp xuống thì thở ra dưới mặt nước.

“Khi ngoi được lên khỏi mặt nước, hãy cố gắng ra những tín hiệu có thể để những người xung quanh đến cứu bạn khỏi tình thế nguy hiểm. Cụ thể như giơ tay lên vẫy, dùng tay đập xuống mặt nước hoặc la lên thật to”, thầy Dũng nhấn mạnh.

Ngoài ra, trẻ cần được hướng dẫn thật kỹ những lưu ý. Đó là phải luôn bình tĩnh, thả lỏng hoàn toàn để giữ được thế cân bằng cho cơ thể. Không quẫy đạp mạnh vì sẽ làm mất sức. Bạn có thể thực hiện các thao tác một cách nhẹ nhàng.

“Các bước trên chỉ là một phương pháp tạm thời giúp kéo dài thời gian để chờ người khác đến cứu. Vậy nên, trước đó nếu có điều kiện, cha mẹ hãy tập cho trẻ thực hiện các bước thoát hiểm khi đuối nước để có thể cứu sống chính bản thân mình nếu chẳng may rơi vào tình thế nguy hiểm”, thầy Dũng nói.

Ảnh minh họa Internet.

Ảnh minh họa Internet.

Học bơi và cứu đuối… trên cạn

Theo ThS Nguyễn Văn Hùng, giáo viên Thể dục Thể thao Trường Tiểu học Ngọc Khánh (Hà Nội), những người không biết bơi khi rơi xuống nước thường hoảng loạn. Vì vậy, họ đập chân tay rất mạnh nên mất sức và bị chìm, ngạt thở và chết đuối.

Ở dưới nước, nếu bình tĩnh con người sẽ có được trung tâm trọng lực cân bằng. Hai lá phổi chứa không khí là trung tâm lực nổi. Khi rơi xuống nước tuy trọng lực kéo xuống, nhưng nhờ buồng phổi chứa 6 – 8 lít không khí nên sẽ đẩy chúng ta về tư thế úp. Đây là tư thế của trọng lực nổi, giúp đầu người nổi gần sát mặt nước.

Ở dưới nước, trọng lượng sẽ giảm đi, nếu chìm ở ngang thắt lưng trọng lượng còn 50%, chìm tới cổ trọng lượng mất 90%. Chìm trong nước càng sâu thì càng nổi, không nặng như trên mặt nước. Nghĩa là khi rơi xuống nước ở độ cao nhất định thì nước sẽ đẩy con người lên trên mặt nước, chứ không dìm xuống.

Theo thầy Hùng, phòng chống đuối nước, học bơi không nhất thiết phải xuống nước. Học sinh có thể ở trên cạn với những kiến thức, thực hành về môi trường sông nước, cơ thể với nước… Cần thành thạo với các nguyên lý, động tác thành thạo rồi mới xuống nước.

Ở dưới nước nếu chưa biết bơi hãy tập lấy tay bịt mũi, nín thở trong 5 – 7 giây để không bị sặc nước. Đồng thời thả lỏng cơ bắp để nước đẩy đầu nổi lập lờ sát mặt nước. Tiếp đó là dùng tay hoặc chân để quạt, đạp nước nhô đầu lên thở phì nhanh ra rồi há to miệng thở vào.

Khi người rơi trở lại xuống nước, lại nín thở đợi nước đẩy nổi lên, rồi lại quạt tay, đạp chân thở ra thở vào… Với cách này, người không biết bơi có thể tồn tại lâu dưới nước chờ người đến cứu.

Để giúp trẻ không hoảng loạn khi rơi xuống nước, thầy Hùng hướng dẫn, ở nhà cha mẹ có thể luyện kỹ năng thoát hiểm ngay trên cạn cho trẻ.

“Hãy xả nước lên đầu, lên mặt, để trẻ biết cảm giác nước bắn vào mắt, vào tai, vào miệng. Sau đó thả mình vào bồn tắm đầy nước để cảm nhận sự bập bềnh của cơ thể trong nước. Hãy nín thở, nhúng đầu chìm vào chậu nước để biết cảm giác đầu, mặt, mũi chìm trong nước không đáng sợ. Sau đó tập thở ra bằng mũi khi đầu chìm vào chậu nước, thở vào bằng miệng khi nghiêng đầu nhô khỏi chậu nước…”, thầy Hùng hướng dẫn.

“Bài học đầu tiên là học thở. Ở nhà có thể lấy cho trẻ một chậu nước, đặt vừa tầm và bắt trẻ hít một hơi sâu rồi nhúng mặt ngập vào nước, sau đó thở từ từ ra bằng mũi. Khi gần hết hơi thì từ từ nghiêng mặt quay cổ ngang sang phải, hoặc trái để mũi miệng nhô khỏi mặt nước, há miệng thở vào sâu rồi lại úp mặt xuống nước và thở ra từ từ dưới nước. Chỉ cần cho trẻ rèn luyện thuần thục bài học này khi rơi xuống nước, trẻ sẽ ít có nguy cơ bị chết đuối”, thầy Nguyễn Văn Hùng - giáo viên Thể dục Thể thao Trường Tiểu học Ngọc Khánh (Hà Nội) chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Chùm ảnh cá bơi lội bên xe tăng

Chùm ảnh cá bơi lội bên xe tăng

GD&TĐ - Tại bảo tàng quân sự dưới nước đầu tiên của Jordan, xe tăng, máy bay trực thăng và xe bọc thép nằm dưới đáy biển gần thành phố Aqaba.