Theo nguồn tin của PV Dân trí, ông Đồng Ngọc Ba - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) vừa ký văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn “tuýt còi” Thông tư số 02/2019/TT-BNNPTNT Ban hành Danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán và nguyên liệu đơn được phép lưu hành tại Việt Nam gây ồn ào dư luận thời gian qua.
Văn bản cho rằng, Thông tư số 02/2019 được ban hành để quy định chi tiết khoản 3 Điều 12 Nghị định số 39/2017 của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 4 Điều 3 Nghị định số 123/2018 sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp).
Điều 1 Nghị định số 39/2017 quy định phạm vi điều chỉnh là “điều kiện kinh doanh, sử dụng, khảo nghiệm, chứng nhận, kiểm tra và quản lý nhà nước đối với thức ăn chăn nuôi, thủy sản thương mại”. Tuy nhiên, Thông tư số 02/2019 đã quy định: “Ban hành kèm theo Thông tư này Danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán và nguyên liệu đơn được phép lưu hành tại Việt Nam”; “Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh, sử dụng thức ăn chăn nuôi trên lãnh thổ Việt Nam”.
“Quy định này có thể dẫn đến cách hiểu là Danh mục thức ăn chăn nuôi theo tập quán và nguyên liệu đơn ban hành kèm theo Thông tư số 02/2019/TT-BNNPTNT được áp dụng đối với cả trường hợp tổ chức, cá nhân sử dụng thức ăn chăn nuôi trên lãnh thổ Việt Nam không mang tính chất thương mại, vì vậy, chưa phù hợp với quy định của Nghị định số 39/2017”- Cục Kiểm tra văn bản nhấn mạnh.
Hơn nữa, danh mục ban hành kèm theo Thông tư số 02/2019 (Phụ lục) quy định liệt kê giới hạn 18 sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán. Tuy nhiên, đối với loại thức ăn này, Nghị định số 39/2017 quy định liệt kê không hạn định (như: Thóc, gạo, cám, ngô, khoai, sắn, bã rượu, bã bia, bã sắn, bã dứa, rỉ mật đường, rơm, cỏ, tôm, cua, cá và các loại khác).
Như vậy, quy định tại danh mục ban hành kèm theo Thông tư số 02/2019 giới hạn sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán được phép lưu hành (thương mại) tại Việt Nam là chưa phù hợp với quy định của Nghị định số 39/2017.
Điều 3 Thông tư số 02/2019 quy định Thông tư này có hiệu lực từ ngày 11/02/2019 (ngày ký ban hành) là chưa phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
Chính vì thế, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức kiểm tra, xử lý những nội dung chưa bảo đảm tính hợp pháp của Thông tư số 02/2019; rà soát quá trình thực hiện thông tư này để có biện pháp khắc phục hậu quả (nếu có).
Tại buổi làm việc với các bộ, cơ quan ngang bộ về các quy định gây khó khăn, vướng mắc đối với sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp mới đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sửa đổi quy định trong Thông tư 02 gây xôn xao dư luận thời gian qua với những quy định như “lợn không được ăn cây chuối”, “thỏ không được ăn cà rốt”…
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định, người dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm và việc sửa đổi Thông tư 02 phải theo hướng này.
Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cho rằng, quy định tại khoản 3 Điều 12 Nghị định số 39/2017 (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 4 Điều 3 Nghị định số 123/2018) về việc giao “Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản theo tập quán và nguyên liệu đơn được phép lưu hành tại Việt Nam” cần được rà soát để phù hợp với Luật Chăn nuôi năm 2018.
Vì vậy, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành rà soát quy định nêu trên của Nghị định số 39/2017 và xem xét việc kiến nghị Chính phủ xử lý trong quá trình xây dựng Nghị định của Chính phủ để thi hành Luật Chăn nuôi năm 2018.