Bộ trưởng Singapore kêu gọi phụ huynh không tạo áp lực cho trẻ

GD&TĐ - Cuối tháng 7, ông Chan Chun Sing, Bộ trưởng Giáo dục Singapore, đã tham dự cuộc trò chuyện về chủ đề những căng thẳng trong học tập với học sinh phổ thông.

Bộ trưởng Giáo dục Chan Chun Sing trò chuyện với học sinh phổ thông.
Bộ trưởng Giáo dục Chan Chun Sing trò chuyện với học sinh phổ thông.

Trong cuộc trò chuyện, nhiều em thừa nhận cảm thấy áp lực khi cha mẹ đặt kỳ vọng phải đạt điểm cao.

Nhóm học sinh gồm 8 em đến từ các trường trung học Singapore như Trường St Patrick, Trường Trung học Queensway. Chia sẻ với Bộ trưởng Giáo dục, các em cho biết, cạnh tranh giành điểm số cao và áp lực từ phía phụ huynh khiến việc học tập trở nên nặng nề hơn bao giờ hết.

Em Shreya Chandrababu, học sinh Trường Tampines Meridian Junior, bày tỏ: “Cháu luôn cố gắng đáp ứng kỳ vọng của cha mẹ. Ở Singapore, thành công của học sinh được đánh giá bởi điểm số nên nhiều phụ huynh yêu cầu con học cả ngày để vào trường đại học tốt”.

Theo Shreya, kỳ vọng này khiến em và nhiều bạn bè cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi. Em hy vọng các bậc phụ huynh có thể quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe tâm thần của con cái. Đồng tình với ý kiến của Shreya, em Alea Hidayati Osman, học sinh Trường Nữ sinh Cedar, thừa nhận đang đặt kỳ vọng quá cao cho bản thân vì ảnh hưởng từ hành động của cha mẹ.

Trong khi em Chan Yi An, học sinh Trường Trung học Dunman, chia sẻ: “Chúng cháu rất dễ rơi vào căng thẳng vì bản thân chúng cháu và gia đình đặt nhiều áp lực lên việc học tập. Cháu hy vọng có thể được yêu quý và trân trọng dù kết quả học tập chưa cao. Sự động viên của mọi người xung quanh sẽ giúp cháu có thêm động lực”.

Ngoài kỳ vọng của phụ huynh, các em cũng cảm thấy thua thiệt khi so sánh bản thân với mọi người xung quanh. Em Andrea Gracia Andradi, học sinh Trường Nữ sinh Singapore - Trung Quốc, cho biết: Hiện nay, nhiều bạn trẻ cảm thấy lo lắng khi thấy người khác vui đùa còn mình không được phép lơ là học tập.

Tâm lý lo âu càng phổ biến hơn khi sử dụng mạng xã hội, nơi mọi người chia sẻ những điều thú vị trong cuộc sống và khiến bạn bè ghen tị.

Sau khi học sinh bày tỏ suy nghĩ, Bộ trưởng Chan Chun Sing gợi ý các em thảo luận về biện pháp giải quyết vấn đề và những tâm tư gửi gắm đến cha mẹ. Em Sophia Lai, học sinh Trường Trung học Queensway, cho biết: “Đôi khi chúng cháu chỉ muốn được trút bỏ gánh nặng trong lòng như vậy. Chúng cháu muốn tâm sự với cha mẹ, muốn được nghe cha mẹ động viên và khuyến khích”.

Trong khi nữ sinh Andrea cho rằng: “Phụ huynh nên chuyển sự chú ý từ đặt kỳ vọng cao sang động viên con cái làm hết sức, nỗ lực hết mình. Cháu nghĩ rằng một chút áp lực sẽ thúc đẩy chúng cháu chăm chỉ hơn nhưng nếu kỳ vọng quá cao, chúng cháu sẽ rất mệt mỏi”.

Kết thúc buổi trò chuyện, Bộ trưởng Chan Chun Sing kêu gọi các bậc phụ huynh trên cả nước dành thời gian bồi đắp tình cảm với con cái, trau dồi khả năng lắng nghe con cái.

Khi con gặp vấn đề trong học tập và cuộc sống, nhiều phụ huynh trực tiếp thay con giải quyết vấn đề. Nhưng ông Chun Sing cho rằng, cách làm này sẽ khiến đứa trẻ trở nên ỷ lại vào cha mẹ nên người lớn hãy làm tốt vai trò người hướng dẫn.

“Tôi mong muốn các bạn, những người cha, người mẹ có thể dành nhiều thời gian quan tâm, giúp đỡ con cái. Hãy khiến các cháu cảm thấy thoải mái, tin tưởng khi chia sẻ với các bạn mọi vấn đề trong cuộc sống. Xin đừng ép buộc con cái làm những điều vượt quá khả năng mà hãy thúc đẩy các cháu phát huy thế mạnh của mình”, ông Chun Sing bày tỏ.

Theo Straits Times

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.