Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại buổi làm việc |
Nhiều rào cản phát triển giáo dục ở vùng khó khăn
Báo cáo tại đây, ông Đặng Ngọc Dũng cho biết: là tỉnh khó khăn, xuất phát điểm thấp nhưng Quảng Ngãi đã xây dựng được 360 trường đạt chuẩn quốc gia; đã hoàn thành mục tiêu PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi, đạt chuẩn PCGDTH mức 2; 183/184 xã đạt chuẩn PCGDTHCS; đã thành lập được là 17 trường PTDTBT, đạt tỷ lệ 60,7%; Chất lượng giáo dục các cấp học từng bước được nâng lên, giáo dục dân tộc đã đi vào nền nếp, huy động được tỷ lệ chuyên cần của học sinh các dân tộc đến trường…
Hiện giáo dục Quảng Ngãi còn gặp phải những tồn tại, hạn chế đang là rào cản cho sự phát triển như: giáo dục tiểu học còn thiếu giáo viên, hệ thống trung tâm học tập cộng đồng còn thiếu và yếu, còn nhiều khó khăn trong nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc, trong dạy và học ngoại ngữ…;
Khó khăn lớn nhất hiện nay, theo ông Đặng Ngọc Dũng là: Nguồn lực đầu tư cho giáo dục chưa đáp ứng với nhu cầu thực tế của ngành giáo dục: cụ thể là phòng học còn thiếu và xuống cấp, nhất là ở bậc giáo dục mầm non; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chưa đồng bộ; thiên tai, mưa lũ thường xảy ra đã gây thiệt hại không nhỏ về tài sản, thiết bị dạy học, tính mạng giáo viên, học sinh… Công tác quy hoạch của một số địa phương chưa sát với thực tiễn;
Theo bí thư tỉnh uỷ Lê Viết Chữ, trong đổi mới CT-SGK, ông đồng tình nhất trí với cách làm của Bộ; Đồng thời cho rằng Bộ đã có nhiều cách làm đổi mới đúng hướng và phải có đổi mới thì sự nghiệp trồng người mới phát triển, chất lượng giáo dục mới đi lên, nhưng cần có thời gian để ngành triển khai các công tác đổi mới.
Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT do Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ dẫn đầu làm việc với tỉnh Quảng Ngãi |
Trong đổi mới CT-SGK tỉnh còn gặp khó khăn về chuẩn bị điều kiện đội ngũ giáo viên. Do vậy tỉnh mong muốn Bộ có phương hướng, đề ra giải pháp để tỉnh tháo gỡ khó khăn về bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ giáo viên;
Ông Lê Viết Chữ đề nghị Bộ có giải pháp hỗ trợ tỉnh phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc, nhất là hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú để học sinh các dân tộc học tập; Cùng với đó là giải pháp phát triển giáo dục mầm non tư thục ở các khu công nghiệp, giải bài toán thiếu trường mầm non; Có chế khuyến khích đầu tư tư nhân vào giáo dục chất lượng cao, hỗ trợ tỉnh trong công tác dạy và học ngoại ngữ
Bộ trưởng nêu giải pháp phát triển giáo dục tỉnh vùng khó
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã đánh giá cao sự cố gắng của tỉnh, với truyền thống hiếu học, sự quyết tâm đã vượt qua thách thức, quan tâm đầu tư mạnh để mầm non cùng các bậc học khác có được kết quả tích cực.
Về những nhiệm vụ trong thời gian tới, là một tỉnh khó khăn, sự nghiệp giáo dục của Quảng Ngãi có xuất phát điểm thấp, chính vì vậy, Bộ trưởng đề nghị tỉnh phải lưu ý trong đầu tư, phát triển phải có trọng tâm trọng điểm, chú trọng nâng cao chất lượng các bậc học; Nhất là trong công tác PCGD, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; phải cố gắng giữ vững các mục tiêu đã đạt chuẩn.
Cùng với đó là triển khai trọng điểm các thành tố đảm bảo chất lượng, trong đó quan trọng nhất là đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên phải thận trọng và quyết liệt. Có đề án, nghị quyết thực hiện về phân luồng, đào tạo nhân lực tại địa phương để đón xu hướng các nhà đầu tư, chú trọng giải pháp giữ chân lao động chất lượng cao.
Về những đề xuất của tỉnh, Bộ trưởng gợi mở hướng tháo gỡ để cùng với những chủ trương của Bộ, tỉnh có những cách làm phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Ở bậc học mầm non, chủ trương xã hội hóa là rất cần thiết, tỉnh cần có cơ chế để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, các nhóm trẻ tư thục. Bộ trưởng lưu ý tỉnh chú trọng các điều kiện đảm bảo chất lượng, đội ngũ giáo viên, quan tâm đến an toàn cho trẻ trong khối mầm non tư thục.
Bộ trưởng tặng bức tranh Khuê Văn Các - Quốc Tử Giám- Đại học đầu tiên của cả nước cho tỉnh Quảng Ngãi, món quà đầy ý nghĩa cho vùng đất hiếu học |
Ở bậc học Phổ thông: Theo Bộ trưởng tin tưởng tỉnh đã có những nền tảng để giữ vững chất lượng; Tuy thế, Bộ trưởng lưu ý tỉnh phải đặc biệt chú trọng đến công tác giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh.
Cùng với đó là tập trung chuẩn bị các điều kiện cho triển khai CT giáo dục phổ thông mới; Trước hết là lớp 1 bậc tiểu học. Có cơ chế quan tâm đầu tư cho bậc học này để đảm bảo đủ các điều kiện triển khai trước.
Đối với bậc sau phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, quan trọng là phân luồng để học sinh vào học nghề, duy trì, phát triển các trung tâm giáo dục thường xuyên.
Chú trọng công tác phát triển đội ngũ và an toàn cho nhà giáo
Bộ trưởng ủng hộ hướng phát triển của Trường ĐH Phạm Văn Đồng theo hướng đa ngành, phục vụ nhu cầu nguồn nhân lực của địa phương;
Trong đó, ngành sư phạm, trường không nên chú trọng riêng đào tạo, mà phải tập trung vào công tác đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên của tỉnh. Đồng thời cần phải mở thêm những ngành nghề đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp tại địa phương.
Với vấn đề về đội ngũ tỉnh đang vướng mắc, Bộ trưởng cho biết: Tinh thần sửa đổi chương trình sách giáo khoa lần này là để phù hợp với điều kiện thực tế. Những công tác Bộ đang xây dựng với tâm điểm xoay quanh cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, đáp ứng yêu cầu triển khai CT mới;
Bộ trưởng cùng các thành viên đoàn công tác và lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi tại buổi làm việc |
Bộ đang xây dựng hoàn thiện các bộ chuẩn giáo viên, chuẩn hiệu trưởng, cán bộ quản lý để phù hợp với tình hình mới. Tới đây, việc tập huấn giáo viên sẽ theo chuẩn, bám vào chuẩn để các thầy cô cũng có thể tự bồi dưỡng; Bộ sẽ đẩy mạnh bồi dưỡng giáo viên theo hình thức trực tuyến.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị tỉnh Quảng Ngãi tính toán nhu cầu giáo viên để cùng với nhu cầu của những địa phương khác, Bộ tính toán nhu cầu tuyển sinh, gắn đào tạo giáo viên với sử dụng và công tác quy hoạch lại các trường sư phạm.
Bộ trưởng đặc biệt đề nghị tỉnh quan tâm đến an toàn cho các thầy giáo, cô giáo, an toàn cho môi trường sư phạm. Địa phương phải quan tâm, có những biện pháp ngăn ngừa những vụ việc tương tự xảy ra với các thầy, cô như trong thời gian gần đây, cũng như có phương án xử lý rốt ráo, có biện pháp bảo vệ thầy giáo, cô giáo trong các nhà trường;