Tại đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Bình Định, đã có những trao đổi xung quanh các vấn đề cử tri quan tâm.
Các kiến nghị của cử tri tập trung vào một số nội dung như: Xem xét chỉ đạo việc tiếp tục triển khai dạy thí điểm mô hình trường học mới (VNEN) như thế nào cho phù hợp với điều kiện địa phương, cơ sở giáo dục; xem xét cho phép Phòng GD&ĐT huyện tuyển nhân viên y tế và kế toán trong nhà trường; nghiên cứu lại tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên bậc mầm non; đầu tư kinh phí nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; ưu tiên cho con em trong ngành được theo nghề giáo viên…
Cử tri cũng bày tỏ, theo văn bản hợp nhất số 04/VBHN-BGDĐT ngày 24/12/2015 của Bộ GD&ĐT về việc Ban hành điều lệ Trường mầm non thì mỗi trường, mỗi nhà trẻ có không quá 7 điểm trường là khó thực hiện vì một số địa phương khó khăn sẽ phải vượt quá số điểm trường theo quy định, đề nghị Bộ xem xét bỏ tiêu chí này.
Một số cử tri cũng cho rằng chương trình đào tạo nghề phổ thông hiện nay còn nhiều bất cập, một số chương trình, nội dung đã cũ. Ngoài ra, cần đặt lại vị trí các môn học, nhất là đối với các môn học mang tính giáo dục truyền thống, đạo đức cho học sinh như Giáo dục công dân, Lịch sử trở thành các môn bắt buộc; tiếp tục tăng cường dạy kĩ năng sống cho học sinh và tìm ra hướng giải quyết thích hợp để giải quyết tình trạng thất nghiệp khi ra trường của rất nhiều sinh viên.
Đối với phương án thi THPT Quốc gia 2017 đã được công bố, cử tri đề nghị, Bộ GD&ĐT sớm công bố đề minh họa, quy chế, phương án xét tuyển ĐH, CĐ cụ thể.
Phát biểu tại các cuộc tiếp xúc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao sự tín nhiệm và gửi gắm của cử tri đối với Quốc hội. Đồng thời tiếp thu các ý kiến của cử tri liên quan đến ngành Giáo dục, nhất là chế độ, chính sách đối với cán bộ, giáo viên ở các khu vực khó khăn, miền núi.
Bộ trưởng đã lắng nghe và dành thời gian nhiều trao đổi cặn kẽ nhiều vấn đề cử tri quan tâm đối với ngành. Trao đổi và trả lời kiến nghị của cử tri về mô hình trường học mới (VNEN), Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, mô hình nay qua thời gian triển khai có nhiều điểm tích cực, tạo được môi trường giáo dục thân thiện, dân chủ trong nhà trường và lớp học; học sinh tích cực, tự lực, tự quản trong học tập; mối liên hệ giữa nhà trường với cha mẹ học sinh và cộng đồng được tăng cường.
Tuy nhiên, việc áp dụng mô hình trường học mới này chưa thực sự phù hợp với điều kiện của một số địa phương nên đã gặp nhiều khó khăn. Bộ GD&ĐT đã có văn bản đề nghị các địa phương tiếp tục chủ động nghiên cứu, áp dụng các phương thức giáo dục tiên tiến nói chung, mô hình VNEN nói riêng một cách phù hợp với điều kiện thực tiễn để đảm bảo thực hiện mục tiêu đổi mới giáo dục.
Đối với việc tăng cường giáo dục truyền thống, đạo đức cho học sinh, sinh viên, Bộ trưởng cho rằng đây là những ý kiến rất xác đáng. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, trong chỉ thị năm học 2016-2017, Bộ trưởng đã chỉ đạo toàn ngành chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức, trách nhiệm của công dân đối với xã hội, cộng đồng cho học sinh, sinh viên; đổi mới việc dạy học và kiểm tra đánh giá môn Đạo đức, Giáo dục công dân, đưa môn Giáo dục công dân thành môn thi trong kỳ thi THPT quốc gia; đồng thời phối hợp liên ngành triển khai tốt Quyết định số 1501/QĐ-TTg về Phê duyệt Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015 - 2020” và các hoạt động ,…
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng khẳng định, trong thời gian tới Bộ sẽ tập trung tăng cường kỷ cương, nền nếp và nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục toàn diện trong các cơ sở giáo dục, đào tạo; thực hiện 9 nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản, trong đó tập trung vào việc rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo trong cả nước; tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý các cấp cả về chuẩn năng lực và chế độ chính sách; chú trọng công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông;
Nâng cao chất lượng dạy - học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học, trình độ đào tạo; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục; Đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục đại học; Đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo; Tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo; Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập của đất nước. Hướng tới ngành sẽ phát triển một cách thực chất.
Bộ trưởng cũng đề nghị các cử tri, nhất là các cử tri thuộc ngành Giáo dục tiếp tục quan tâm đóng góp ý kiến cho ngành; đồng thời tích cực, sáng tạo trong việc triển khai đổi mới giáo dục và đào tạo.
Đối với các kiến nghị vượt quá thẩm quyền trả lời, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ghi nhận và hứa sẽ chuyển đến Quốc hội và cùng với các Bộ, ngành Trung ương xem xét, giải quyết.