Sẵn sàng tâm thế đổi mới
Báo cáo tại buổi làm việc với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, ông Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tỉnh Nam Định cho biết, sau 5 năm triển khai Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chuông trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh và nhân dân của tỉnh Nam Định đã cơ bản hiểu được mục tiêu, yêu cầu, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình và điều kiện thực hiện, tạo sự đồng thuận, đồng thời phát huy hiệu quả sự tham gia đóng góp của xã hội.
Ngành Giáo dục Nam Định đã tham gia tích cực vào việc góp ý cho dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, chương trình các môn học, hoạt động giáo dục và hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa ở cơ sở giáo dục phổ thông. Hiện nay, tỉnh Nam Định đang tiến hành các bước tổ chức biên soạn chương trình giáo dục địa phương.
Nam Định là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc áp dụng hiệu quả các phương pháp và hình thức dạy học tích cực, chú ý các hoạt động trải nghiệm, nghiên cứu khoa học để học sinh vận dụng kiến thức, phát triển năng lực - đây là những bước chuẩn bị quan trọng đảm bảo việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới trong những năm tới đạt hiệu quả.
Về các điều kiện triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Nam Định cho hay, ngành Giáo dục Nam Định đã tiến hành tổng rà soát hiện trạng, xác định nhu cầu đội ngũ, trên cơ sở đó sắp xếp, bố trí, sử dụng hiệu quả; đồng thời, ưu tiên việc tuyển dụng giáo viên các môn học mới ở các cấp học. Theo kế hoạch, Nam Định sẽ hoàn thành tập huấn toàn bộ giáo viên lớp 1 trước quý III/2020.
“Nam Định đã sẵn sàng tâm thế đổi mới và sẽ triển khai tốt nhất chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1 ngay từ những ngày đầu tiên” - Giám đốc Sở GDĐT Nam Định Cao Xuân Hùng khẳng định.
Đại diện lãnh đạo các phòng giáo dục và đào tạo cấp huyện/thành phố trao đổi tại cuộc làm việc cũng cho biết, hiện nay, các địa phương đã và đang tích cực chuẩn bị các điều kiện để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1, trong đó đã lựa chọn những giáo viên giỏi nhất để tham gia tập huấn bồi dưỡng chương trình. Các cơ sở giáo dục hiện đang trong quá trình đọc, đánh giá các bộ sách giáo khoa trước khi đưa ra quyết định lựa chọn.
“Quan trọng nhất là “đả thông” tư tưởng của giáo viên để họ luôn ở tâm thế sẵn sàng đổi mới, trong đó cần phát huy được sức mạnh của tổ chuyên môn. Chúng tôi xác định đổi mới là quá trình khó khăn và lâu dài nhưng đây là “mệnh lệnh của trái tim” và sẽ có rất nhiều cái được sau lần đổi mới này” - Cô giáo Nguyễn Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Nhân Tông, TP Nam Định chia sẻ.
Giáo viên là tâm điểm của đổi mới
Đánh giá cao quá trình triển khai Nghị quyết 88 của tỉnh Nam Định, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, quan trọng nhất khi triển khai Nghị quyết này là làm sao để nâng cao được nhận thức, từ đó thống nhất quan điểm hành động về đổi mới thì việc này Nam Định đã làm tốt. Theo Bộ trưởng, việc triển khai Nghị quyết 88 đã được tỉnh Nam Định thực hiện nghiêm túc, chủ động, trách nhiệm, thậm chí có nhiều hoạt động đi trước lộ trình, tạo ra tâm thế sẵn sàng, quyết tâm trong đội ngũ giáo viên, tất cả vì sự thành công của phương pháp đổi mới, mang lại lợi ích cho người học, cho đất nước lâu dài.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trò chuyện với giáo viên tỉnh Nam Định
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đánh giá cao việc tập huấn giáo viên của tỉnh Nam Định, khi lấy việc tập huấn chương trình giáo dục phổ thông mới làm căn cốt. “Giáo viên xưa nay có tâm lý tuân thủ sách giáo khoa nên chờ đợi sách giáo khoa để tập huấn nhưng lần này khác, giáo viên phải hiểu rất rõ chương trình, vì vậy, tập huấn giáo viên phải theo từng module chương trình. Việc đánh giá cũng thay đổi, theo phẩm chất và năng lực của người học” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Lưu ý về việc lựa chọn sách giáo khoa, Bộ trưởng cho hay, Bộ đã có hướng dẫn, sở, phòng và các hiệu trưởng triển khai thật kỹ hướng dẫn này đảm bảo khách quan, minh bạch, công bằng. Quyết định cao nhất trong việc lựa chọn sách thuộc về giáo viên, Hội đồng là trọng tài để minh bạch việc lựa chọn. Bên cạnh việc lựa chọn sách, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng kỳ vọng, Nam Định sẽ xây dựng được bộ tài liệu giáo dục địa phương đặc sắc, bởi Nam Định có đầy đủ điều kiện để làm tốt.
“Đổi mới lần này không phải là tất cả mà có kế thừa tối đa, đổi mới phương pháp là chính, đòi hỏi sự sáng tạo của người thầy. Nên trước tiên, giáo viên mới là tâm điểm của đổi mới. Phải làm sao để bước vào năm học đầu tiên đổi mới, tâm thế của giáo viên đã vững vàng, khi giáo viên vững vàng, có niềm tin, học sinh, phụ huynh và xã hội mới yên tâm được” - Bộ trưởng nêu rõ.
Đề nghị tỉnh Nam Định phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục triển khai có chất lượng Nghị quyết 88 trong thời gian tới, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đồng thời lưu ý, ngành Giáo dục Nam Định cần đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về những điểm sáng, những tấm gương tận tâm tận lực của giáo dục Nam Định để vừa tạo sự lan tỏa vừa chia sẻ kinh nghiệm với cả nước.
Tạo tâm lý yên tâm cho phụ huynh khi đưa học sinh trở lại trường học
Tới kiểm tra công tác phòng, chống, ứng phó với dịch bệnh nCoV tại một số trường học trên địa bàn tỉnh Nam Định, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh thời gian qua, Bộ GDĐT đã có những chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể, kịp thời để các cơ sở giáo dục chủ động, tuyên truyền, hướng dẫn học sinh và giáo viên hiểu đúng về dịch bệnh viêm phổi cấp do nCoV gây ra.
Với những địa phương công bố dịch và thuộc phạm vi ảnh hưởng, Bộ GDĐT đã đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh/thành phố xem xét cho học sinh nghỉ học, bởi các cháu còn nhỏ chưa có khả năng tự bảo vệ trước diễn biến khó lường của dịch bệnh; đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn cho các cháu các phòng, chống. Đến thời điểm này đã có 63/63 tỉnh/thành phố quyết định kéo dài thời gian nghỉ học của học sinh để phòng chống dịch.
Bộ trưởng kiểm tra công tác vệ sinh, khử trùng phòng chống dịch bệnh nCoV tại Trường Tiểu học Trần Nhân Tông, TP Nam Định
Hiện nay, các cơ sở giáo dục đang tích cực triển khai công tác vệ sinh, tẩy trùng trường lớp, thiết bị dạy học, để đến khi có đủ điều kiện sẽ đưa học sinh trở lại trường học. Bộ GDĐT cũng đã có hướng dẫn cụ thể các địa phương về việc quản lý học sinh trong thời gian nghỉ, hướng dẫn việc tự học tại nhà và dạy học bù sau thời gian học sinh tạm nghỉ, trong đó khuyến khích dạy học trực tuyến với những cấp học phù hợp và những nơi đủ điều kiện.
“Một mặt thận trọng, chủ động phòng chống dịch bệnh nhưng cũng tránh gây hoang mang cho các bậc phụ huynh, phải chuẩn bị tốt nhất các điều kiện an toàn, tạo tâm lý yên tâm cho phụ huynh khi cho con em trở lại đi học” - Bộ trưởng lưu ý.
Được biết, triển khai công tác phòng chống dich bệnh nCoV, 100% các cơ sở giáo dục của tỉnh Nam Định đã thành lập ban thường trực phòng chống, các cơ sở giáo dục đã phối hợp với y tế địa phương, đến ngày 8/2, có trên 80% cơ sở giáo dục đã phun thuốc khử trùng trường lớp; công tác tuyên truyền, chế độ báo cáo cũng được các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc.
Nam Định cũng đã quyết định cho học sinh nghỉ 2 tuần cách ly phòng chống dịch. Trong thời gian nghỉ học, các trường tổ chức phòng, chống dịch, đông thời thống kê tình hình học sinh và giúp học sinh học trực tuyến từ xa, hướng dẫn giao bài tập cho học sinh qua hệ thống trực tuyến.