Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. |
Chương trình làm việc của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ với ngành GD&ĐT tỉnh Quảng Nam kéo dài từ ngày 22-24/3 xoay quanh các nội dung chính: Nắm bắt tình hình công tác chuẩn bị cho việc triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (GDPT) mới tại tỉnh Quảng Nam;
Khảo sát thực tế việc dồn dịch điểm trường và công tác chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để triển khai chương trình GDPT mới.
Phát biểu chỉ đạo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ bày tỏ mong muốn thông qua buổi làm việc sẽ được lắng nghe ý kiến góp ý, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của ngành GD&ĐT tỉnh Quảng Nam, các đơn vị, cơ sở giáo dục trong việc triển khai thực hiện quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường lớp, công tác chuẩn bị điều kiện để chuẩn bị triển khai chương trình GDPT mới.
Ông Hà Thanh Quốc – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam |
Báo cáo về công tác sắp xếp lại trường, điểm trường, lớp học gắn với việc bố trí đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục của tỉnh Quảng Nam, ông Hà Thanh Quốc – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam, cho biết: Trên cơ sở định hướng và tình hình thực tiễn trường, lớp của các địa phương, lộ trình sắp xếp các trường mầm non, phổ thông hiện có đến năm học 2020-2021, tỉnh Quảng Nam sẽ thực hiện giảm 47 trường (7 trường mầm non, 39 trường tiểu học, 13 trường THCS; tăng 11 trường TH&THCS, 1 trường THPT). Theo đó, số điểm trường giảm 230 điểm trường (111 điểm trường mầm non, 106 điểm trường tiểu học, 8 điểm trường THCS, 6 điểm trường TH&THCS, tăng 1 điểm trường THPT).
Lãnh đạo các Vụ, Cục tham gia Đoàn công tác Bộ GD&ĐT làm việc tại tỉnh Quảng Nam |
Ông Hà Thanh Quốc bày tỏ: Vấn đề sắp xếp mạng lưới trường lớp ở Quảng Nam thời gian qua và trong thời gian tới sẽ gặp rất nhiều khó khăn, hết sức nan giải, nhất là liên quan đến công tác tinh giản đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên. Tuy nhiên nếu như, thực hiện tốt, hiệu quả công tác này, học sinh có được môi trường học tập tốt hơn, được hưởng những dịch vụ giáo dục cần thiết trong quá trình học tập. Nguồn kinh phí chi cho các hoạt động được tập trung, công tác tài chính được thực hiện đảm bảo.
Việc thực hiện giảm số điểm trường, số trường và giảm số lượng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên sẽ giúp hệ thống trường học được sắp xếp tinh gọn nhưng vẫn đảm bảo hoạt động hiệu quả đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của nhân dân. Việc sắp xếp các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trường phổ thông có nhiều cấp học góp phần quan trọng trong công tác tinh giản bộ máy quản lý, nhân viên, nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ giáo viên; tránh tình trạng quy mô trường nhỏ lẻ, giáo viên phải dạy chéo môn, ảnh hưởng chất lượng dạy và học.
Nhiều vấn đề khó khăn của ngành GD&ĐT Quảng Nam được nêu ra tại buổi làm việc với Đoàn công tác Bộ GD&ĐT |
Ông Hà Thanh Quốc nhìn nhận: Từ công tác giản số trường, điểm trường sẽ tạo điều kiện nâng cao hiệu quả chuyên môn và chất lượng giáo dục. Sắp xếp đội ngũ cán bộ, giáo viên đủ số lượng, đồng bộ về cơ cấu bộ môn và chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động chuyên môn đảm bảo theo quy định. Quy mô nhà trường đủ lớn để các hoạt động sinh hoạt chuyên môn, phong trào trở nên sôi nổi, chất lượng hơn.
Theo đó, tỉnh Quảng Nam sẽ có điều kiện đầu tư, tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng các công trình cũng như thiết bị phục vụ dạy học; giảm đầu tư kinh phí xây dựng nhà hiệu bộ, phòng chức năng và các công trình phụ trợ khác; đồng thời, phát huy tối đa hiệu quả việc sử dụng các trang thiết bị, đồ dùng dạy học hiện có; khắc phục được tình trạng thừa, thiếu phòng học giữa các cấp học trong cùng địa bàn, từ đó có thêm nguồn lực đầu tư xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia.
Về đội ngũ giáo viên, so với biên chế được giao năm 2018, tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hiện đang sử dụng vượt 294 người (trong đó, CBQL thiếu 27; giáo viên thừa 125; nhân viên thừa 196 người); biên chế đang sử dụng thiếu 1495 biên chế (Trong đó, thiếu 27 CBQL; thiếu 878 giáo viên; thiếu 590 nhân viên); số lượng người làm việc theo định mức văn bản (Thông tư 06 đối với Mầm non, TT16 đối với phổ thông) so với biên chế giao năm 2018 thiếu 1937 người (Trong đó: CBQL thiếu 87 người; giáo viên thiếu 1128 người; nhân viên thiếu 722).
Đồng thời, số lượng người làm việc theo định mức văn bản (Thông tư 06 đối với Mầm non, Thông tư 16 đối với phổ thông) so với biên chế đang sử dụng thiếu 3430 người.
Quang cảnh buổi làm việc. |
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ mong muốn được lắng nghe ý kiến, chia sẻ của đội ngũ cán bộ, lãnh đạo ngành GD&ĐT tỉnh Quảng Nam. |