Ông Lâm Văn Mẫn - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Sóc Trăng đồng chủ trì buổi làm việc cùng Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Tham gia đoàn công tác có đại diện các cục, vụ chuyên môn của Bộ GD&ĐT, Tổng Biên tập Báo Giáo dục & Thời đại.
Xây dựng Đề án đề phát triển nguồn lực phục vụ giáo dục
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ bày tỏ mong muốn lắng nghe tiếng nói của ngành GD tỉnh Sóc Trăng trong việc triển khai thực hiện CTGDPT mới. Đồng thời, Bộ trưởng đánh giá cao những nỗ lực, sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng đối với sự nghiệp giáo dục nói chung và quá trình triển khai chương trình GDPT mới nói riêng.
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, đến thời điểm hiện nay, việc triển khai CTGDPT mới đối với lớp 1 đã bước sang học kỳ II, do đó ngành giáo dục tỉnh Sóc Trăng cần chỉ đạo các trường rà soát, đánh giá việc triển khai thực hiện, từ đó có sự đúc kết những điểm mạnh, điểm yếu, để triển khai các chương trình tiếp theo. Trong đó, cần chú ý các điều kiện giáo viên, cơ sở vật chất phục vụ việc triển khai CTGDPT mới.
Trong điều kiện khó khăn của ngành giáo dục tỉnh về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trường lớp để triển khai CTGDPT mới, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng tỉnh cần tính toán xây dựng Đề án về phát triển đội ngũ giáo viên và đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp cho giai đoạn 5 năm (2021-2026). Trong đó, cần rà soát nhu cầu về đội ngũ để thấy rõ thực tế thừa - thiếu, căn cứ lộ trình đổi mới và các quy định để xây dựng đề án phát triển đội ngũ giáo viên, từ đó có kế hoạch tuyển dụng, bồi dưỡng, xác định nguồn kinh phí đào tạo cho từng năm.
Để thực hiện tốt việc xây dựng Đề án về phát triển đội ngũ giáo viên và đầu tư cơ sở vật chất, Bộ trưởng gợi ý, tỉnh Sóc Trăng nên có Nghị quyết chuyên đề của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để thực hiện. Đồng thời, Bộ GD&ĐT sẽ đồng hành, hỗ trợ địa phương trong quá trình xây dựng và triển khai các đề án này.
“Triển khai CTGDPT mới là một chủ trương lớn, năm nay lại là năm đầu tiên thực hiện nên rất cần tổng kết. Những gì còn hạn chế cần rút kinh nghiệm và mạnh dạn thay đổi”, Bộ trưởng chia sẻ.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng lưu ý tỉnh Sóc Trăng về việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 2, lớp 6; chuẩn bị đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất triển khai 2 lớp này trong năm học tiếp theo và chuẩn bị, sớm ban hành tài liệu giáo dục địa phương. Đặc biệt không được để xảy ra tình trạng giáo viên, nhà trường gợi ý HS, phụ huynh mua sách tham khảo. Trong trường nên mua 1 bộ sách tham khảo để trong thư viện cho HS tham khảo…
Đồng thời, Bộ trưởng cũng lưu ý ngành giáo dục tỉnh Sóc Trăng việc biên soạn chương trình giáo dục địa phương và vai trò, vị trí của việc đào tạo sư phạm. “Trong lộ trình thay triển khai thực hiện CTGDPT mới vai trò của khoa Sư phạm rất quan trọng, do đó tỉnh cần quan tâm lĩnh vực này nhiều hơn” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ
Bên cạnh đó, để tạo sự đồng thuận và thông hiểu các chủ trương đổi mới, Bộ trưởng lưu ý ngành giáo dục Sóc Trăng cần đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, trước mắt là thông tin, làm rõ kết quả triển khai đối với lớp 1. Ngoài ra tỉnh Sóc Trăng cần có cơ chế phối hợp giữa ngành giáo dục của tỉnh với các bộ phận chuyên môn của Bộ để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình triển khai các chương trình GD nói chung và GDPT nói riêng. Bộ trưởng cũng chia sẻ quan điểm, nhất trí ủng hộ đề xuất có phân hiệu Đại học đa ngành nghề để đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh Sóc Trăng.
Chuẩn bị các điều kiện cho CTGDPT mới
Tại buổi làm việc, ông Châu Tuấn Hồng - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng đã thông tin tổng thể tình hình triển khai thực hiện CTGDPT mới. Năm học 2020-2021, toàn tỉnh áp dụng SGK lớp 1 theo CTGDPT mới. Ngay trước khi khai giảng việc lựa chọn SGK lớp 1 được thực hiện đúng theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Đồng thời, ngành Giáo dục tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện tốt công tác truyền thông đến tất cả các cấp, các ngành và nhân dân, đồng thời chuẩn bị mọi điều kiện cho việc thực hiện CTGDPT mới theo lộ trình của Bộ GD&ĐT.
“Đối với cán bộ quản lý và giáo viên cấp tiểu học, nhất là giáo viên phụ trách giảng dạy lớp 1, luôn có tâm thế chuẩn bị sẵn sàng cho việc thực hiện CTGDPT mới lớp 1 năm học 2020-2021” - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng cho biết.
Đánh giá đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cấp tiểu học, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng cho rằng đội ngũ cán bộ quản lý 99% đáp ứng trình độ đào tạo chuyên môn và năng lực cơ bản. Một số cán bộ quản lý vùng sâu, vùng dân tộc cần tiếp cận sâu hơn về chuyên môn, về tin học và cập nhật thông tin thường xuyên hơn, quản lý linh hoạt hơn để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông trong thời gian tới.
Để đảm bảo việc triển khai CTGDPT mới đối với lớp 1, Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng cho biết đã liên kết, phối hợp với Trường ĐH Sư phạm TPHCM tổ chức bồi dưỡng, tập huấn. Trong đó, có 339 CBQL, GV đã hoàn thành Mô đun 3; hơn 2.000 CBQL, GV đã hoàn thành Mô đun 1; 84 tổ trưởng chuyên môn đã hoàn thành Mô đun 2.
Ngoài ra, tỉnh đã xây dựng, triển khai Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non, phổ thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 gắn với triển khai xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
Đồng thời, đầu tư cơ sở vật chất, tích cực huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội nâng cao hiệu quả việc đầu tư để phát triển giáo dục và đào tạo. Tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục, phân bổ sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước và xã hội ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật và các điều kiện phục vụ dạy và học cho các trường ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc Khmer. Đảm bảo công bằng xã hội trong giáo dục, tạo điều kiện cho học sinh có nhiều cơ hội đến trường và có học tập tốt hơn.
Tại buổi làm việc, đại diện các cục, vụ chuyên môn và văn phòng Bộ GD&ĐT (Vụ GD mầm non, Vụ GD Tiểu học, Vụ GD THCS, Văn phòng Bộ, Cục Nhà giáo và CBQL, Cục Cơ sở vật chất) đã đánh giá cao sự chuẩn bị cho việc triển khai thực hiện CTGDPT mới của tỉnh Sóc Trăng, đồng thời có những góp ý thẳng thắng các lĩnh vực liên quan để công tác giáo dục tại địa phương tiếp tục đạt những thành quả cao hơn trong thời gian tới. Cụ thể là việc nâng cấp cơ sở vật chất, diện tích đất dành cho GD còn hạn chế, tỉ lệ GV/HS, giáo viên đạt chuẩn, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia còn thấp…
Kết thúc buổi làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã trao tặng phòng máy tính trị giá 300 triệu đồng cho Trường THPT An Lạc Thôn, tỉnh Sóc Trăng.