Bóng đá Việt Nam sau sáp nhập đơn vị hành chính: Cơ hội mới

GD&TĐ - Việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành đang mở ra không gian phát triển mới cho nhiều lĩnh vực, trong đó có bóng đá.

Câu lạc bộ Thép Xanh Nam Định ở vòng 26 V-League 2024 -2025 trên sân Thiên Trường. Ảnh: VPF.
Câu lạc bộ Thép Xanh Nam Định ở vòng 26 V-League 2024 -2025 trên sân Thiên Trường. Ảnh: VPF.

Tuy nhiên, để biến thách thức thành cơ hội, các câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam phải sẵn sàng thay đổi cách tiếp cận, tận dụng lợi thế để phát triển bền vững trong giai đoạn chuyển mình của đất nước.

“Vẽ lại” bản đồ bóng đá

Bóng đá Việt Nam hiện có 25 câu lạc bộ chuyên nghiệp, gồm 14 đội ở giải vô địch quốc gia (V-League) và 11 đội hạng Nhất. Sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025, cả nước có 34 tỉnh, thành (6 thành phố và 28 tỉnh). Điều này dẫn đến nhiều thay đổi và bóng đá không phải là ngoại lệ.

TP Hồ Chí Minh có nhiều đội bóng chuyên nghiệp nhất. Trong đó, Câu lạc bộ TP Hồ Chí Minh (sân Thống Nhất) và Becamex Bình Dương (sân Gò Đậu) thi đấu tại V-League. Ngoài ra, thành phố mang tên Bác còn có 2 đại diện ở hạng Nhất là Bà Rịa - Vũng Tàu (sân Bà Rịa) và Trẻ TP Hồ Chí Minh (sân Thống Nhất).

Tỉnh Đồng Nai sở hữu Câu lạc bộ Đồng Nai và Bình Phước, đều ở hạng Nhất. Đà Nẵng sau sáp nhập có 4 đội bóng. Trong đó, Quảng Nam và Đà Nẵng ở V-League, Trẻ Đà Nẵng và Trẻ Quảng Nam hiện diện ở các hạng ngoài chuyên nghiệp.

Sau Nghị quyết số 202/2025/QH15 của Quốc hội, Ninh Bình trở thành trung tâm trên bản đồ bóng đá Việt Nam, có cả bóng đá nam và nữ tại các giải đấu cao nhất trong hệ thống thi đấu quốc gia. Với việc Nam Định sáp nhập Ninh Bình, địa phương này có 2 đại diện tham dự V-League 2025 - 2026, gồm: Thép Xanh Nam Định - đương kim vô địch quốc gia và Phù Đổng Ninh Bình, đội vô địch hạng Nhất mùa trước.

Cùng với đó, Hà Nam sáp nhập Ninh Bình còn mang đến bóng đá nữ cho tỉnh Ninh Bình mới. Mùa giải 2025, đội nữ Phong Phú Hà Nam cán đích ở vị trí thứ 4 giải vô địch quốc gia và giành Huy chương Đồng cúp quốc gia.

Câu lạc bộ Bình Định sau giai đoạn nhiều sóng gió, mùa này đội bóng đất Võ đã xuống hạng. Tuy nhiên, Gia Lai sáp nhập Bình Định, đồng nghĩa Câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai sau hơn 20 năm tồn tại ở V-League trở thành đội bóng của tỉnh Bình Định mới.

Cũng ở sân chơi V-League, Thủ đô Hà Nội giữ nguyên 3 đại diện là Hà Nội FC, Công an Hà Nội và Thể Công - Viettel. Các tỉnh, thành khác không có biến động về số lượng các đội bóng, gồm: Hải Phòng, Thanh Hóa, Sông Lam Nghệ An, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh.

Ở hạng Nhất, Phú Thọ sau sáp nhập có đội Hòa Bình. Các đội như PVF-CAND (Hưng Yên), Khánh Hòa hay Đồng Tháp không có xáo trộn về tên gọi địa phương nơi đóng quân. TP Huế nằm trong 11 đơn vị hành chính cấp tỉnh không thực hiện sắp xếp. Tuy nhiên, với việc Câu lạc bộ bóng đá Huế xuống hạng Nhì, TP Huế không còn đại diện nào ở sân chơi chuyên nghiệp Việt Nam.

bong-da-viet-nam-sau-sat-nhap-don-vi-hanh-chinh-co-hoi-moi-1.jpg
Câu lạc bộ Bình Định (bên phải) xuống hạng sau một mùa giải sóng gió. Ảnh: VPF

Khả năng đổi tên, sáp nhập

Gần đây, mạng xã hội rộ lên thông tin, nhà đương kim vô địch V-League Thép Xanh Nam Định đổi tên thành Thép Xanh Ninh Bình. Sau đó, lãnh đạo đội bóng này chính thức lên tiếng bác bỏ. Trong thông báo, câu lạc bộ khẳng định vẫn giữ nguyên tên gọi hiện tại là Thép xanh Nam Định và không có bất kì kế hoạch, thủ tục hay hoạt động nào liên quan đến việc đổi tên.

Đội bóng đang tập trung cao độ cho công tác chuẩn bị nhân sự và tập huấn, hướng tới mùa giải mới, nơi họ sẽ thi đấu ở 5 mặt trận gồm: AFC Champions League Two, Giải vô địch các câu lạc bộ Đông Nam Á, Siêu Cúp Quốc gia, V-League và Cúp Quốc gia.

Tất nhiên, thời điểm hiện tại, khả năng đội Thép Xanh Nam Định đổi tên như dư luận đồn đoán gần như không thể xảy ra. Bởi ở mặt trận V-League, tỉnh Ninh Bình còn có đội Phù Đổng Ninh Bình. Thật khó để 2 đội bóng cùng hạng mang cùng tên… Ninh Bình.

Bên cạnh đó, với các câu lạc bộ bóng đá mang danh xưng địa phương cũ, tên đội bóng được cho là yếu tố then chốt gắn liền với lịch sử, truyền thống, niềm tự hào của một bộ phận đông đảo khán giả. Những thay đổi về tên gọi đội bóng nếu có sẽ đến ở… thì tương lai, cùng với điều kiện “chín muồi” cả chủ quan lẫn khách quan.

Mặc dù vậy, thực tế, bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam còn có một số đội bóng đang phải dựa vào nguồn ngân sách địa phương, và nhiều câu lạc bộ, kể cả thuộc nhóm đầu vẫn chưa thể đứng vững trên chính đôi chân của mình.

Vậy nên, trong trường hợp đội bóng không đạt thành tích như mong muốn, hoặc nhà tài trợ chính không “khỏe”, dẫn đến khoản tiền “đầu tư không hoàn lại” kia gần như không còn, số phận của những đội bóng này lập tức rơi vào thế “chỉ mành treo chuông”. Việc “thay tên, đổi họ”, thậm chí giải thể là điều khó tránh khỏi.

Câu lạc bộ bóng đá Bình Định 5 năm trước bất ngờ trỗi dậy với hợp đồng 300 tỷ đồng từ nhà tài trợ. Đội bóng đất Võ mạnh tay mua sắm lực lượng, có mặt nhóm đua tranh vô địch V-League. Nhưng 2 mùa giải gần đây, không còn dòng tiền “khủng”, Bình Định sa sút, khủng hoảng và xuống hạng mùa này.

Số phận Bình Định ở hạng Nhất mùa tới như thế nào vẫn còn là ẩn số! Đà Nẵng có 2 đại diện tham dự V-League 2025 - 2026, song cả SHB Đà Nẵng và Quảng Nam mùa trước đều rất vất vả mới trụ hạng.

Trong đó, SHB Đà Nẵng may mắn thắng Trường Tươi Bình Phước (nay thuộc Đồng Nai) ở trận tranh vé vớt. Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng, lãnh đạo Đà Nẵng nên tính toán, có phương án cải tổ theo hướng 1 đội mạnh hơn 2 đội yếu.

Hay như Câu lạc bộ Than Quảng Ninh, trước khi giải thể năm 2021, đội bóng đất Mỏ là một thế lực của V-League, với đỉnh cao là chức vô địch Cúp Quốc gia và Siêu cúp Quốc gia năm 2016, top 3 V-League 2019 và vào đến vòng knock-out AFC Cup 2020.

Nhưng chính vào thời điểm phát triển nhất, Than Quảng Ninh đón nhận cú sốc khi ông bầu không còn đủ tiềm lực tài chính cho đội bóng. Làn sóng đình công đòi nợ lương, thưởng bùng phát trong tập thể đội ngũ ban huấn luyện và cầu thủ.

Cuối mùa 2021, Than Quảng Ninh bị “xóa sổ” trong sự ấm ức của nhiều người trong cuộc. Sau 3 năm vắng bóng ở các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia, tháng 7/2024, Câu lạc bộ Quảng Ninh được thành lập, đi lên từ hạng Ba và mùa tới, bóng đá đất Mỏ có tên ở hạng Nhất.

Mới nhất, Câu lạc bộ TP Hồ Chí Minh được đồn đoán sẽ đổi tên thành Câu lạc bộ Công an TP Hồ Chí Minh. Nếu quá trình chuyển giao hoàn tất và đội Công an TP Hồ Chí Minh chính thức được thành lập, nhiều khả năng cựu danh thủ Lê Huỳnh Đức sẽ trở lại V-League trong cương vị huấn luyện viên trưởng.

Trong trường hợp đội bóng giữ nguyên mô hình hoạt động hiện tại, ban lãnh đạo Câu lạc bộ TP Hồ Chí Minh dự kiến sẽ mời thầy ngoại dẫn dắt đội bóng. Cũng cần nói thêm, Câu lạc bộ Công an TP Hồ Chí Minh từng là đội bóng nổi tiếng của bóng đá Việt Nam trước khi giải thể năm 2002, chuyển giao suất thi đấu cho Ngân hàng Đông Á. Trong khi đó, sau giai đoạn đầu tư mạnh mẽ, câu lạc bộ dần sa sút vì khó khăn tài chính. Mùa giải 2024 - 2025, đội bóng này chỉ xếp thứ 10 trên bảng xếp hạng V-League.

Trong diễn biến khác, sau sáp nhập tỉnh Long An vào Tây Ninh, Câu lạc bộ Long An nhiều khả năng sẽ đổi tên thành Câu lạc bộ Tây Ninh tham dự hạng Nhất 2025 - 2026. Trước đó, Câu lạc bộ Long An suýt giải thể trước hạng Nhất 2024 - 2025 do khó khăn về kinh phí lẫn lực lượng.

Tuy được cứu vào phút chót, nhờ có sự hỗ trợ tài chính từ một ngân hàng cũng như cầu thủ từ Câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai, song đội Long An kết thúc mùa giải vừa rồi ở nhóm cuối bảng, chỉ hơn 2 điểm so với Huế - đội xuống hạng. Câu lạc bộ Long An cần được kiện toàn, và có lẽ sẽ được bắt đầu từ cái tên. Hiện, đội U21 Long An đã được đổi tên thành U21 Tây Ninh tham dự vòng loại U21 quốc gia 2025.

bong-da-viet-nam-sau-sat-nhap-don-vi-hanh-chinh-co-hoi-moi-3.jpg
Trận TP Hồ Chí Minh (áo sẫm) gặp B.Bình Dương vòng 24 V-League 2024 - 2025. Ảnh: VPF.

Cơ hội về tài chính và tài trợ

Khả năng một hay nhiều câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp sẽ đổi tên, hoặc gắn thêm tên của doanh nghiệp tài trợ để thích ứng với giai đoạn mới là khả năng rất dễ xảy ra. Bởi việc sáp nhập đơn vị hành chính cũng mang đến cơ hội mở rộng phạm vi tài trợ, khi địa bàn hoạt động của câu lạc bộ không còn bó hẹp trong một tỉnh hay thành phố như trước. Điều này giúp câu lạc bộ có thể dễ dàng trong việc tiếp cận nhiều doanh nghiệp hơn, tăng cường nguồn lực tài chính, tạo sức hút với các nhà đầu tư lớn hơn.

Ở một góc nhìn rộng hơn, sáp nhập đơn vị hành chính còn là cơ hội phát triển bóng đá khu vực. Khi địa phương có diện tích lớn hơn, dân số đông hơn, nhu cầu xây dựng hình ảnh, thương hiệu khu vực thông qua thể thao - đặc biệt là bóng đá - sẽ tăng cao. Câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp - môn thể thao vua trở thành “đại sứ thương hiệu” của vùng đất, con người nơi đó.

Ông Nguyễn Quốc Hội - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thể thao T&T, chia sẻ: “Một câu lạc bộ bóng đá không thể phát triển bền vững nếu chỉ trông chờ vào ngân sách địa phương. Việc mở rộng địa bàn quản lý hành chính đồng nghĩa với việc mở rộng cánh cửa hợp tác cùng doanh nghiệp, nhà tài trợ, đặc biệt trong giai đoạn bóng đá Việt Nam hướng tới tự chủ tài chính”.

Để tận dụng tối đa cơ hội từ quá trình sáp nhập đơn vị hành chính, các câu lạc bộ cần chủ động xây dựng chiến lược thương hiệu dài hạn, tính toán đến việc mở rộng thị trường người hâm mộ, đồng thời, tăng cường kết nối chặt chẽ với chính quyền địa phương mới, đặc biệt là trong các dự án phát triển hạ tầng thể thao, trung tâm đào tạo trẻ.

Bên cạnh đó, các đội bóng chuyên nghiệp cần chú trọng đầu tư vào công tác truyền thông, xây dựng hình ảnh đội bóng gần gũi với người dân ở các đơn vị hành chính mới. Việc tổ chức các hoạt động giao lưu, thiện nguyện, chương trình bóng đá cộng đồng sẽ giúp đội bóng củng cố tình cảm của người hâm mộ, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài.

Một điểm sáng khác từ sự sáp nhập là việc xây dựng các trung tâm thể thao đa năng, sân vận động đạt chuẩn quốc gia, góp phần nâng cao chất lượng thi đấu và thu hút khán giả. Điều này không chỉ giúp các câu lạc bộ có điều kiện tốt hơn để rèn luyện, thi đấu, mà còn mở ra cơ hội tổ chức các sự kiện bóng đá quy mô lớn hơn trong tương lai.

Một số chuyên gia nêu quan điểm, trong giai đoạn này, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cần xây dựng một chiến lược toàn diện về phát triển bóng đá trẻ phù hợp với bối cảnh sáp nhập địa phương. Đây sẽ là chìa khóa để đảm bảo sự phát triển đồng đều giữa các vùng miền, tránh tình trạng mất cân đối về nguồn lực và cơ hội cho các cầu thủ trẻ.

Sáp nhập đơn vị hành chính là thay đổi tất yếu trong quá trình hiện đại hóa đất nước. Với bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội lớn. Câu lạc bộ nào chủ động thích ứng, có tầm nhìn dài hạn, tận dụng tốt nguồn lực mới sẽ vươn lên mạnh mẽ, thậm chí trở thành biểu tượng không chỉ của địa phương, mà còn của cả khu vực, quốc gia, đưa bóng đá Việt Nam tiến xa hơn trên đấu trường quốc tế. Ở chiều ngược lại, cũng sẽ có đội bóng chậm chân, không theo kịp sự thay đổi mang tính cách mạng. Đó cũng là quy luật của phát triển.

Ở góc độ quản lý Nhà nước, đại diện Cục TDTT (Bộ VH,TT&DL) chia sẻ, ngành thể thao đã sớm lên phương án để phù hợp với tình hình mới. Trước mắt, các đội bóng chuyên nghiệp hoạt động theo pháp nhân như các doanh nghiệp độc lập, nên một tỉnh, thành có thể có một hoặc nhiều câu lạc bộ chuyên nghiệp. Tuy nhiên, các trung tâm đào tạo trẻ, huấn luyện thể dục thể thao sẽ phải xem xét lại, không loại trừ khả năng tái sắp xếp. Cục TDTT sẽ xây dựng kế hoạch tổ chức các giải quốc gia, đại hội TDTT toàn quốc… chiểu theo đơn vị hành chính mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ