Tham dự buổi làm việc còn có Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục chức năng của Bộ.
Về phía tỉnh Quảng Ninh có Bí thư Tỉnh ủy Phạm Minh Chính, Phó bí thư Thường trực Đỗ Thị Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vũ Thị Thu Thủy cùng đại diện lãnh đạo các Sở, ngành chức năng của địa phương.
Toàn cảnh buổi làm việc |
Theo ông Phạm Minh Chính, đến nay toàn tỉnh có 98,6% trẻ mầm non được học 2 buổi/ngày và bán trú tại trường; 184/186 đơn vị cấp xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; 186/186 đơn vị đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS.
Tỷ lệ trẻ vào lớp 1 đạt 99,8%; tỷ lệ hoàn thành chương trình tiểu học đạt 99,5%; tỷ lệ tốt nghiệp THCS đạt 99,6%; tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm học 2013-2014 đạt 98,48%. Toàn tỉnh có 54,5% học sinh sinh tốt nghiệp THPT thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng.
Chính sách đối với giáo dục mầm non, giáo dục vùng đồng bào dân tộc ít người, giáo dục ngoài công lập được tỉnh quan tâm. Ngoài các chính sách theo quy định chung, tỉnh đã ban hành các chính sách riêng hỗ trợ giáo viên, học sinh theo hướng mở rộng đối tượng thụ hưởng, nâng mức hỗ trợ cho giáo viên và học sinh.
Hiện tỉnh đang tiến hành sắp xếp lại các điểm trường lẻ thuộc bậc học mầm non và tiểu học. Việc sắp xếp, thu gọn lại các điểm trường lẻ nhằm tập trung đầu tư, tạo điều kiện cho học sinh ở các thôn, bản được thụ hưởng đầy đủ chương trình, chế độ chính sách, cơ sở vật chất, giảm đầu tư dàn trải, phát huy hiệu quả sử dụng nguồn lực.
Tại buổi làm việc, thay mặt các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Minh Chính đề xuất, kiến nghị Bộ GD&ĐT tiếp tục tích cực phối hợp với tỉnh để sớm trình Chính phủ ban hành Quyết định thành lập Đại học Hạ Long nhằm đáp ứng các yêu cầu đào tạo nhân lực cấp bách hiện nay.
Tư vấn, giới thiệu các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục, đào tạo, dạy nghề quốc tế trên địa bàn tỉnh để cung cấp nguồn nhân lực phục vụ cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển bền vững.
Ngoài ra, cho phép tỉnh Quảng Ninh thí điểm chuyển dần giáo dục – đào tạo công sang dịch vụ giáo dục – đào tạo, đội ngũ viên chức giáo viên sang chế độ hợp đồng lao động nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và giảm dần sự phụ thuộc vào đầu tư công cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị, Bộ GD&ĐT hướng dẫn nội dung thiết kệ hạ tầng thông tin cho ngành Giáo dục và thực hiện hỗ trợ cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin làm căn cứ triển khai mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và hoạt động giáo dục, đào tạo và dạy nghề.
Mặt khác xem xét để chọn “Đề án đầu tư trường, lớp học thông minh tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2014-2018” làm mô hình thí điểm với cơ chế hợp tác công tư.
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh cũng đề xuất một số vấn đề liên quan đến việc sáp nhập các trung tâm dạy nghề với trung tâm hướng nghiệp và giáo dục thường xuyên cấp huyện; phân cấp cho tỉnh quyết định về cơ cấu tổ chức, bộ máy và biên chế cho các cơ sở giáo dục; Đổi mới các tiêu chí trường chuẩn, cơ chế đánh giá và công tác thi đua khen thưởng; Sớm ban hành hướng dẫn thực hiện mô hình trường mầm non, phổ thông công lập thực hiện chương trình chất lượng cao.
Đồng thời xem xét để ban hành chế độ chính sách hỗ trợ nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập về đào tạo; quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục, đào tạo trong cả nước và có chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể công tác phân luồng đào tạo học sinh sau đào tạo THCS, THPT.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phát biểu tại buổi làm việc |
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đánh giá cao một số kết quả trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo của tỉnh Quảng Ninh đã đạt được trong thời gian qua.
Đồng thời ghi nhận sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Quảng Ninh dành cho ngành Giáo dục.
Với những kiến nghị đề xuất của tỉnh, Bộ trưởng khẳng định: Về mặt tinh thần Bộ GD&ĐT ủng hộ và sẵn sàng hợp tác với địa phương để những băn khoăn, kiến nghị của tỉnh sớm trở thành hiện thực.
Tuy nhiên, trong từng lĩnh vực cụ thể, Bộ sẽ tiếp thu, nghiên cứu và xem xét. Những lĩnh vực nào thuộc thẩm quyền thì Bộ sẽ sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ địa phương trong điều kiện có thể.
Còn với những lĩnh vực vượt thẩm quyền, Bộ cũng sẽ phối hợp với tỉnh để cùng nhau tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn.