Việt Nam và Palestine có quan hệ ngoại giao từ năm 1968. Đến năm 1988, Việt Nam chính thức công nhận Nhà nước Palestine và phía bạn đã thành lập Đại sứ quán Nhà nước Palestine từ Văn phòng đại diện tại Hà Nội.
Ngoài sự đồng tình và ủng hộ mạnh mẽ, liên tục về chính trị đối với nhân dân Palestine, Việt Nam cũng đã ủng hộ về vật chất theo khả năng của mình, cũng như ủng hộ bạn trên các diễn đàn quốc tế.
Quang cảnh buổi tiếp. |
Chia sẻ tại buổi tiếp, ngài Saadi Salama cho biết, Việt Nam luôn chiếm một vị trí rất quan trọng trong trái tim, suy nghĩ của người Palestine. Những thành công của Việt Nam đã đạt được trong quá trình bảo vệ, xây dựng đất nước là nguồn cảm hứng, động lực để người Palestine luôn có niềm tin trước những thử thách lớn.
“Chúng tôi nhìn thấy một tầm nhìn đầy triển vọng là Việt Nam sẽ phát triển trở thành một quốc gia có sức ảnh hưởng lớn tới khu vực và trên thế giới. Palestine dù còn nhiều có khó khăn, nhưng luôn coi trọng và sẵn sàng thúc đẩy mối quan hệ hợp tác với Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực”, ngài Saadi Salama chia sẻ.
Ngài Saadi Salama phát biểu tại buổi tiếp. |
Là một trong những sinh viên Palestine đầu tiên sang học tại Việt Nam, dành tình yêu cho Việt Nam từ khi mới 12 tuổi và đến nay có gần 20 năm sống tại Việt Nam, ngài Saadi Salama đặc biệt quan tâm đến việc thúc đẩy hợp tác giáo dục - đào tạo giữa hai nước. Trong đó, ngài Đại sứ dành nhiều trăn trở đối với việc phát triển việc dạy học tiếng Ả-rập tại Việt Nam.
“Cần đào tạo nhân lực để có thể dịch tiếng Ả-rập sang tiếng Việt và ngược lại, từ đó thúc đẩy quan hệ hợp tác văn hóa, kinh tế, xã hội giữa hai nước”. Ngài Saadi Salama bày tỏ và cho biết sẵn sàng tạo mọi điều kiện để có thể cử giáo viên Palestine sang Việt Nam dạy tiếng Ả-rập.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi tiếp. |
Cảm ơn ngài Đại sứ vì đã chọn Việt Nam là nơi gắn bó, học tập, làm việc lâu dài, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, chính nhiệt huyết trong suốt quá trình hoạt động ngoại giao của ngài Đại sứ góp phần giúp người Việt Nam thêm yêu đất nước Palestine.
Bộ trưởng cũng bày tỏ chia sẻ, đồng cảm với những khó khăn của đất nước, người dân Palestine và cảm ơn sự ủng hộ của Palestine đối với Việt Nam trong suốt thời gian qua.
Ngài Saadi Salama tặng Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cuốn sách "Câu chuyện Việt Nam của tôi" do chính ngài Đại sứ là tác giả. |
Bày tỏ sự quan tâm đến ý kiến của ngài Đại sứ về việc cử giáo viên Palestine sang Việt Nam dạy tiếng Ả-rập, Bộ trưởng đồng thời cho biết: Bản ghi nhớ hợp tác giữa hai bên đã hết hạn và cần sớm có đàm phán để ký kết lại.
"Chúng tôi mong muốn việc này sớm được thực hiện. Khi hiệp định hợp tác trong lĩnh vực giáo dục giữa hai Chính phủ được ký kết, chúng tôi sẽ có căn cứ đề xuất việc cấp học bổng cho các sinh viên Palestine sang học tại Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn viết lưu niệm trong cuốn sách tặng ngài Đại sứ. |
Hai cuốn "Trần Nhân Tông: Thiền lạc và thi hứng" và "Đường trúc tân duyên - 5 năm Viện Trần Nhân Tông tư tưởng và hành động" được Bộ trưởng tặng ngài Đại sứ. |
Thông tin từ Bộ GD&ĐT, vào tháng 5/2010, nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Palestine, Việt Nam và Palestine đã ký Thỏa thuận hợp tác về giáo dục. Trong đó có các điều khoản hai bên sẽ trao đổi các học bổng hàng năm.
Thỏa thuận Hợp tác về giáo dục giữa Bộ GD&ĐT Việt Nam và Bộ Giáo dục và Giáo dục Đại học Palestine giai đoạn 2010 - 2015 được ký kết năm 2010 tại Hà Nội đã hết hạn năm 2019.
Bộ GD&ĐT và Đại sứ quán Palestine tại Việt Nam đã trao đổi và thống nhất trình Chính phủ hai nước ký kết Hiệp định hợp tác về giáo dục giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Nhà nước Palestine giai đoạn 2020-2025. Phía Palestine đã có Công hàm đồng ý với nội dung của Hiệp định trên. Bộ GD&ĐT đã thực hiện các bước để ký kết Hiệp định.
Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ trình lại Chính phủ để phê duyệt nội dung Hiệp định. Trên cơ sở ý kiến của Văn phòng chính phủ, Bộ GD&ĐT sẽ thông báo với Đại sứ quán Palestine các thông tin liên quan để phối hợp và có thể ký kết Hiệp định trong thời gian sớm..
Ngài Saadi Salama là Đại sứ Palestine tại Việt Nam từ năm 2009 đến nay. Ông sinh ra và lớn lên ở tỉnh Hebron, miền nam Palestine. Năm 19 tuổi, ông nhận được học bổng đi du học và đã chọn sang Việt Nam để theo học tại Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (nay là ĐHQG Hà Nội). Sau khi tốt nghiệp, ông đã công tác tại các cơ quan đại diện ngoại giao của Palestine ở Việt Nam, Lào, Yemen, Ghana…
Có thể nói tiếng Việt thành thạo như tiếng mẹ đẻ, ông được coi là một chuyên gia người Ả Rập về Việt Nam, Lào, Campuchia và Đông Nam Á nói chung. Ông đã dịch và hiệu đính một số tác phẩm từ tiếng Việt sang tiếng Ả Rập và ngược lại.
Cuốn sách "Câu chuyện Việt Nam của tôi" được Đại sứ Saadi Salama viết trong gần năm năm, vừa được xuất bản trong những ngày đầu năm 2023.
Gửi tặng cuốn sách đến Bộ trưởng, Đại sứ Saadi Salama đồng thời chia sẻ câu ông tâm đắc nhất trong cuốn sách của mình: "Cuộc sống đã và đang biến chuyển với rất nhiều thứ không còn như cũ, nhưng có một điều sẽ mãi mãi không bao giờ đổi thay, đó là, một phần trái tim tôi đã thuộc về Việt Nam”.