Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thăm, làm việc với Trường Hữu nghị T78 và Hữu nghị 80

GD&TĐ - Sáng 4/2, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã đến thăm, làm việc với Trường Hữu nghị T78 và Trường Hữu nghị 80.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Ngô Thị Minh và đoàn công tác của Bộ GD&ĐT thăm lớp học của học sinh, sinh viên Campuchia tại Trường Hữu Nghị T78.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Ngô Thị Minh và đoàn công tác của Bộ GD&ĐT thăm lớp học của học sinh, sinh viên Campuchia tại Trường Hữu Nghị T78.

Đây là hoạt động thể hiện sự quan tâm, sát sao của Lãnh đạo Bộ GD&ĐT với các đơn vị thuộc, trực thuộc; đồng thời nhằm nắm bắt thực tế cơ sở để đưa ra quyết sách trong quản lý, điều hành hiệu quả, khả thi, gắn liền với thực tiễn.

Tại hai trường Hữu nghị T78 và Hữu nghị 80, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Ngô Thị Minh, đoàn công tác của Bộ GD&ĐT thăm cơ sở vật chất nhà trường, lớp học, ký túc xá, bếp ăn...; thăm hỏi đời sống, sức khỏe, việc dạy và học của giáo viên, học sinh, động viên thầy trò dạy-học thật tốt. Sau đó, đoàn công tác có buổi làm việc với từng trường.

Nơi gắn kết tình hữu nghị Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia

Trước yêu cầu nhiệm vụ đào tạo cán bộ cách mạng của nước bạn, dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 1/1/1958, trường T399 thuộc Tổng cục Chính trị quân đội nhân dân Việt Nam ra đời tại Cao Ngạn (Đồng Hỉ - Thái Nguyên), khởi đầu của Khu học xá miền núi Trung ương, tiền thân của Trường Hữu nghị T78 ngày nay.

Theo TS. Lê Phú Thắng, Hiệu trưởng nhà trường, là cơ sở đào tạo giúp nước bạn Lào được thành lập sớm nhất ở Việt Nam, sau 65 năm hình thành và phát triển, trường đã đào tạo được hơn 2,4 vạn lưu học sinh cho nước bạn Lào. Nhiều lưu học sinh hiện đang giữ chức vụ chủ chốt trong bộ máy của Đảng, Nhà nước Lào.

Ở lĩnh vực giáo dục dân tộc, trường đã đào tạo trên 1,5 vạn học sinh dân tộc nội trú cho các tỉnh miền núi phía Bắc. Nhiều học sinh dân tộc thiểu số đã trưởng thành, đóng góp cho công cuộc xây dựng, bảo vệ, phát triển kinh tế ở khắp các tỉnh miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác của Bộ GD&ĐT thăm Trường Hữu nghị T78.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác của Bộ GD&ĐT thăm Trường Hữu nghị T78.

Những năm học gần đây, Trường Hữu nghị T78 có quy mô ổn định 40 lớp với tổng số gần 1.500 học sinh, sinh viên. Tuyển sinh hàng năm với quy mô 640 học sinh, sinh viên; trong đó có 350 học sinh dân tộc thiểu số, 90 học sinh người Kinh (thí điểm) và 200 lưu học sinh Lào.

Chia sẻ về một số kết quả nổi bật trong đào tạo THPT, TS Lê Phú Thắng cho biết, theo thời gian, số lượng học sinh ngày càng tăng, đối tượng người học được thay đổi và mở rộng phù hợp điều kiện nhân lực, vật lực, khả năng đáp ứng của nhà trường.

TS. Lê Phú Thắng, Hiệu trưởng Trường Hữu nghị T78 báo cáo tại buổi làm việc.

TS. Lê Phú Thắng, Hiệu trưởng Trường Hữu nghị T78 báo cáo tại buổi làm việc.

Nhà trường đã chủ động, linh hoạt trong xây dựng, tổ chức kế hoạch giáo dục nhà trường với trọng tâm là phát triển năng lực người học, định hướng ngành nghề. Đồng thời, tăng cường công tác bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ, đáp ứng yêu cầu dạy học hiện đại.

Chất lượng giảng dạy của nhà trường không ngừng nâng lên, trong đó có nhiều thành tích vượt trội, được các cấp ghi nhận, đánh giá cao. Một số nội dung được chọn là hạt nhân, điển hình để lan toả trong Ngành.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Ngô Thị Minh và đoàn công tác thăm triển lãm tranh về quá trình xây dựng, phát triển Trường Hữu nghị T78.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Ngô Thị Minh và đoàn công tác thăm triển lãm tranh về quá trình xây dựng, phát triển Trường Hữu nghị T78.

Trong đào tạo dự bị Tiếng Việt cho lưu học sinh Lào, nhà trường cũng đạt một số kết quả nổi bật. Trong đó có thể nói đến việc đã biên soạn Bộ Giáo trình tiếng Việt 6 bậc theo Khung năng lực tiếng Việt dành cho người nước ngoài của Bộ GD&ĐT với đầy đủ kênh hình, kênh tiếng do đội ngũ các chuyên gia đến từ Trường ĐHSP Hà Nội kết hợp với các chuyên gia đang giảng dạy tại các trường Đại học của Đức và Úc. Giáo trình chính thức đưa vào dạy thử nghiệm từ năm học 2020 - 2021 và đạt hiệu quả cao.

Tổ chức chương trình “Đưa lưu học sinh Lào đi thực tế tại nhà dân” hàng năm theo mô hình Homestay (“3 cùng” với gia đình người dân Việt Nam), bắt đầu từ năm học 2014 - 2015 đến nay với quy mô ngày càng mở rộng về địa bàn, số lượng lưu học sinh tham gia. Chương trình đã giúp cho gần 1.000 sinh viên Lào có cơ hội tìm hiểu về đời sống, văn hóa, lao động, sản xuất của người dân Việt Nam

Với nhiều giải pháp, đa số lưu học sinh học tiếng Việt ở trường Hữu nghị T78 dù chỉ 1 năm học (9 tháng) đều đủ điều kiện vào học các trường ĐH ở Việt Nam với chất lượng tốt.

Đóng góp của nhà trường được Đảng, Nhà nước Việt Nam ghi nhận và tặng thưởng: Huân chương Độc lập hạng ba, Huân chương Lao động hạng nhất, nhì, ba; Đảng, Nhà nước Lào tặng: Huân chương Itxala hạng nhất, nhì, ba, Huân chương Lao động Hạng nhất, nhì, ba… cùng nhiều Cờ thi đua, Bằng khen của Chính phủ và các bộ ngành hai nước.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Ngô Thị Minh và đoàn công tác của Bộ GD&ĐT thăm lớp học của học sinh, sinh viên Lào tại Trường Hữu nghị 80.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Ngô Thị Minh và đoàn công tác của Bộ GD&ĐT thăm lớp học của học sinh, sinh viên Lào tại Trường Hữu nghị 80.

Trường Hữu Nghị 80 được thành lập theo quyết định số 282/QĐ ngày 4/3/1980 của Bộ Giáo dục (nay là Bộ GD&ĐT), có nhiệm vụ quản lý và nuôi dạy học sinh phổ thông của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Ngày 6/8/1988 Trường phổ thông Hữu Nghị 80 được đổi tên thành Trường Hữu Nghị 80 để phù hợp với nhiệm vụ dạy dự bị đại học cho lưu học sinh.

Đến nay, nhà trường có chức năng, nhiệm vụ đào tạo dự bị Tiếng Việt cho lưu học sinh Lào, Campuchia vào học tại các cơ sở giáo dục ở Việt Nam. Tổ chức thi và cấp chứng chỉ tiếng Việt cho người nước ngoài. Giảng dạy cấp THPT cho học sinh dân tộc thiểu số, lưu học sinh Lào và các đối tượng khác theo mô hình trường phổ thông dân tộc nội trú. Tổ chức tập huấn và bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào các môn Khoa học tự nhiên và tiếng Việt.

Trải qua hơn 40 năm xây dựng, phát triển, nhà trường đã có nhiều đóng góp trong đào tạo nguồn nhân lực cho hai nước bạn Lào, Campuchia và nguồn đào tạo cán bộ cho miền núi, hải đảo. Đã có gần 10.000 học sinh các dân tộc Việt Nam gần 5.000 lưu học sinh Lào, gần 4.000 lưu học sinh Campuchia, đã học tập, trưởng thành từ nơi đây.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Ngô Thị Minh và đoàn công tác của Bộ GD&ĐT thăm bếp ăn tại Trường Hữu Nghị 80.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Ngô Thị Minh và đoàn công tác của Bộ GD&ĐT thăm bếp ăn tại Trường Hữu Nghị 80.

Báo cáo tại buổi làm việc, cô Chu Kim Phượng, hiệu trưởng nhà trường cho biết: Hiện trường có 1.207 học sinh THPT (33 lớp), trong đó có 20 lưu học sinh Lào; 318 lưu học sinh Lào, Campuchia (12 lớp). Đội ngũ công chức, viên chức và nhân viên hợp đồng nhà trường có 174 người, trong đó có 114 giáo viên.

Hơn 30 năm, mặc dù học sinh dân tộc thiểu số của nhà trường được cử tuyển từ các địa phương, chất lượng đầu vào hạn chế, nhưng sau ba năm học tại trường các em đã tiến bộ rõ rệt. Tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp hàng năm đều đạt 99,7% đến 100%. Có nhiều học sinh đạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi thành phố Hà Nội.

Năm học 2021-2022, nhà trường có 1 dự án đạt giải nhất, 1 dự án đạt giải tư trong cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học. Năm học 2022-2023, học sinh nhà trường đạt 2 giải nhất cụm Sơn Tây - Ba Vì, 1 giải nhất cuộc thi Robot và 1 giải nhất cuộc thi tìm hiểu kiến thức pháp luật...

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Ngô Thị Minh và đoàn công tác của Bộ GD&ĐT thăm lớp học, trao đổi với giáo viên, học sinh tại Trường Hữu Nghị 80.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Ngô Thị Minh và đoàn công tác của Bộ GD&ĐT thăm lớp học, trao đổi với giáo viên, học sinh tại Trường Hữu Nghị 80.

Trong những năm qua, Trường Hữu nghị 80 cũng đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo tiếng Việt. Đặc biệt, nhà trường phối hợp với các tổ chức Hữu nghị thực hiện chương trình nhận gia đình đỡ đầu cho các lưu học sinh. Đã có hàng trăm lưu học sinh được các gia đình ở thị xã Sơn Tây nhận làm con nuôi. Chương trình là cơ hội để các lưu học sinh thực hành tiếng Việt; đồng thời tạo mối quan hệ nghĩa tình giữa lưu học sinh với các gia đình Việt, xây đắp tình đoàn kết hữu nghị giữa 2 dân tộc Việt Nam-Lào, Việt Nam - Campuchia.

Từ thuận lợi, khó khăn qua thực tế hoạt động, tại buổi làm việc, Trường Hữu nghị T78 và Trường Hữu nghị 80 gửi kiến nghị tới Bộ GD&ĐT để có thể thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ trong giai đoạn tới. Thứ trưởng Ngô Thị Minh, đại diện lãnh đạo các đơn vị của Bộ GD&ĐT đã có những trao đổi xung quanh các kiến nghị, đề xuất, cũng như định hướng phát triển của nhà trường.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc với Trường Hữu nghị T78.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc với Trường Hữu nghị T78.

Điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ trong chặng đường mới

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của hai trường, trong điều kiện còn khó khăn, yêu cầu công việc cao, trách nhiệm lớn và nặng nề, đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Khẳng định Trường Hữu nghị T78, Trường Hữu nghị 80 có những đặc thù và thuộc Bộ GD&ĐT, trước bối cảnh mới, Bộ trưởng đề nghị cả hai trường cần tái sắp xếp, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ sao cho phù hợp với yêu cầu mới của quá trình phát triển.

“Nhà trường xác định phải đổi mới, phải phát triển để đảm nhiệm được những chức năng nhiệm vụ được giao tốt nhất trong giai đoạn hiện nay”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc với Trường Hữu nghị 80.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc với Trường Hữu nghị 80.

Bộ trưởng đồng thời cho rằng, 2 trường cần xác định hướng phát triển mới với vai trò là trường quốc tế thực hiện nhiệm vụ đào tạo quốc tế bậc THPT; trong đó, giai đoạn đầu tập trung đào tạo học sinh Lào, Campuchia. Tiến tới thu hút học sinh ngoài diện hiệp định, ngoài nhà nước bao cấp, không chỉ ở nước bạn Lào, Campuchia, mà cả các nước khác trong khu vực và quốc tế. Đồng thời, cần phải đào tạo cho học sinh Lào, Campuchia từ bậc phổ thông một cách sâu hơn, sớm hơn.

Cùng với đó, Bộ trưởng cũng giao nhiệm vụ cho 2 trường phải là nơi chuẩn mực nhất, hiện đại nhất trong dạy học tiếng Việt như một ngoại ngữ. Là nơi tiên phong, mẫu mực trong thực hiện Chương trình GDPT 2018. Đồng thời, mở rộng thêm chức năng, nhiệm vụ dạy tiếng Lào, tiếng Campuchia ở trình độ phổ thông và bồi dưỡng. Cần phải có một đội ngũ giáo viên được đào tạo bài bản ngôn ngữ tiếng Lào, Campuchia để có thể triển khai dạy song ngữ.

Để thực hiện những điều trên, hai trường cần phải làm đề án, mở rộng chức năng, nhiệm vụ với một tầm nhìn rộng, phù hợp, bền vững, ổn định hơn. Nếu làm được, chúng ta sẽ thay đổi được toàn bộ diện mạo, đẳng cấp của ngôi trường. Từ đó, làm tốt được việc giữ gìn, xây đắp mối quan hệ Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia.

Bộ trưởng giao các cục, vụ liên quan hỗ trợ hai trường trong xây dựng đề án, quy chế hoạt động và hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn của trường về chuyên môn, cơ sở vật chất, cũng như chế độ chính sách đối với các học sinh, lưu học sinh. “Lãnh đạo Bộ đã, đang và sẽ quan tâm đến trường bằng tất cả những gì có thể”, Bộ trưởng khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ