Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT có GS.TS Nguyễn Xuân Thành- Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, GS.TS Lê Thị Thanh Nhàn- Vụ trưởng Vụ Giáo dục dân tộc; TS Vũ Thị Ánh - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục dân tộc.
Báo cáo với đoàn công tác, TS Lê Phú Thắng- Hiệu trưởng Trường Hữu nghị T78 cho biết: Đến tháng 10/2020, nhà trường có 29 lớp với 1146 học sinh THPT. Dự kiến đến giữa tháng 10 sẽ tiếp nhận thêm khoảng 200 lưu học sinh Lào. Học sinh nhà trường đều có đạo đức tốt, ý thức kỉ luật tốt, nền nếp sinh hoạt nội trú ổn định.
Cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng quy mô đào tạo. Hệ thống giảng đường được đầu tư cơ bản đầy đủ trang thiết bị phục vụ việc giảng dạy, học tập. Tuy nhiên, một số công trình đã xây dựng lâu, xuống cấp trầm trọng, đặc biệt là khu kí túc xá, nhà ăn. Các phòng học bộ môn còn thiếu về số lượng và chưa đảm bảo chất lượng.
Để chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới, nhà trường đã xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường cho tất cả bộ môn. Các hoạt động giáo dục được tổ chức theo yêu cầu đáp ứng với chương trình mới, phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường, hướng tới tổ chức dạy học 2 buổi/ ngày, đảm bảo chất lượng giáo dục toàn diện theo hướng kết hợp dạy học văn hóa với tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo.
Nhà trường phân cấp đến các tổ, nhóm chuyên môn, giao quyền tự chủ việc biên soạn lại kế hoạch dạy học môn học phù hợp, loại bỏ các nội dung trùng lặp ở các môn học trên tinh thần đảm bảo khung chương trình và chuẩn kiến thức kĩ năng và các yêu cầu giảm tải kiến thức theo Công văn 5842 của Bộ GD&ĐT.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ hoan nghênh Trường Hữu nghị T78 đã nỗ lực chuẩn bị tốt cho chương trình giáo dục phổ thông mới. Khung cảnh sư phạm, môi trường được đảm bảo. Dù điều kiện tài chính còn hạn chế nhưng trường đã cố gắng chăm lo bếp ăn, kí túc xá, đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho học sinh.
Thứ trưởng đề nghị nhà trường quan tâm kĩ lưỡng, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện tốt nhất cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Bởi đây là việc rất quan trọng, là cuộc cách mạng đối với GD, nếu làm tốt điều này thì người hưởng lợi sẽ chính là các em học sinh. Để làm được điều này thì vai trò của giáo viên là rất quan trọng.
Thứ trưởng phân tích: Các thầy cô cần xác định rõ sự khác biệt giữa chương trình hiện hành với chương trình mới là khác về bản chất, đó là giao quyền tự chủ cho giáo viên, cho nhà trường, dạy học theo định hướng phát triển năng lực. Chương trình mới không phân bổ chương trình, không quy định thời gian. Thời gian đấy phải do mỗi nhà trường xây dựng kế hoạch, từ đó phân phối chương trình. Tính chủ động của giáo viên, của nhà trường là rất lớn.
Nhà trường phải đổi mới ngay từ chương trình hiện hành để bắt nhịp với chương trình mới. Nếu làm tốt được kế hoạch nhà trường thì đến khi chương trình mới diễn ra, các cô tổ trưởng chuyên môn đã xây dựng xong kế hoạch bộ môn của mình trình lên cho hiệu trưởng duyệt. Tinh thần là hướng tới người học, vì người học và phù hợp với đặc điểm KTXH của từng vùng, từng địa phương.
Các thầy cô cần nắm rõ quan điểm dạy học hướng về người học, lớp học cần phải tĩnh để cho học sinh được suy nghĩ được sáng tạo. Tinh thần là tạo điều kiện cho học sinh làm việc. Các thầy cô không nhất thiết phải là “hoạt náo viên”, gợi mở, luôn bắt học sinh trả lời. Thầy cô giáo phải quán xuyến xem học sinh có làm được hay không, không để học sinh nào bị lãng quên.
“Nghe thì dễ quên, nhìn thì dễ nhớ, làm thì dễ hiểu- cho nên, phải dành nhiều thời gian cho học sinh được thực hành. Bộ đã có văn bản đổi mới phương pháp theo hướng sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học. Với nhà trường, phải xác định đổi mới phương pháp phải bắt đầu từ giáo viên. Nâng cao chất lượng bắt đầu từ đội ngũ, phải chăm lo cho đội ngũ, giảm áp lực, tăng động lực cho đội ngũ là nhiệm vụ quan trọng”- Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh.