Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu

GD&TĐ - Tại phiên họp chiều 4/11, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu - chiều 4/11.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu - chiều 4/11.

Tháo điểm nghẽn cho trung tâm giáo dục thường xuyên và nghề nghiệp

Chiều 4/11, Quốc hội thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.

Tại phiên làm việc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn bày tỏ vinh dự và cảm ơn các đại biểu Quốc hội đã dành sự quan tâm sâu sắc cho ngành Giáo dục. Các đại biểu đưa ra nhiều ý kiến thảo luận, tranh luận sâu sắc, thực tế với những luận giải sắc bén về một số vấn đề liên quan đến sức khỏe của học sinh; phân luồng; nghiên cứu khoa học trong trường đại học; đào tạo sau đại học, đào tạo đổi mới sáng tạo, vi mạch, bán dẫn; sách giáo khoa; thi vào lớp 10; tài liệu giáo dục địa phương; phát triển tiếng Anh; quy hoạch giáo dục…

Trong đó, có nhiều ý kiến về điểm nghẽn liên quan đến giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp. Về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên sau sáp nhập mà đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre) đề cập, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhìn nhận, đây là vấn đề khó, có vướng mắc trong thực tiễn.

Cả nước hiện có 92 trung tâm thuộc quản lý của Sở GD&ĐT, 526 trung tâm do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội hoặc UBND quận, huyện, thị xã quản lý. “Tức là, vấn đề chủ thể quản lý, điều hành đang rất đa dạng” – Bộ trưởng nhìn nhận.

Trong các văn bản quy định, hiện có Thông tư liên tịch số 39/2015/TTLT ngày 19/10/2015 của liên bộ gồm: Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ (Thông tư 39). Thông tư này quy định về quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên và Luật Giáo dục ra đời lại quy định về chức năng, nhiệm vụ quản lý.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (năm 2023 - Thông tư 01) làm căn cứ pháp lý để quản lý hệ thống các trung tâm này. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng vẫn còn một số vướng mắc.

Thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội để xử lý Thông tư 39. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT đề xuất Chính phủ, sửa đổi Nghị định số: 127/2018/NĐ-CP “Quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục” (Nghị định 127); trong đó xem xét trung tâm Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên nên trực thuộc đầu mối nào thì hợp lý nhất.

“Chúng tôi đang cân nhắc phương án, giao về Sở GD&ĐT quản lý có lẽ sẽ phù hợp hơn. Đây là vấn đề lớn, chúng tôi đã lên kế hoạch. Cuối tháng 11 này, chúng tôi sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc với tất cả giám đốc Trung tâm Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên để trao đổi các nội dung cần tháo gỡ” – Bộ trưởng cho hay.

phanluong.jpg
Ảnh minh họa/internet.

Định hướng lại chính sách phân luồng và hướng nghiệp

Về phân luồng, hướng nghiệp, Bộ trưởng trao đổi, học sinh phải đối mặt với sức ép lớn thi vào lớp 10 các trường THPT công lập. Sau thời gian triển khai Quyết định số 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025", đã đến lúc cần đánh giá đầy đủ về vấn đề này.

Theo số liệu thống kê trong 10 năm của UNESCO, tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi 15 - 24 theo học các trình độ giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam có xu hướng tăng trong khu vực và cao hơn hẳn mức trung bình của Đông Á, Đông Nam Á; tăng từ 5,2% đến 9,2%; xấp xỉ bằng mức trung bình của Châu Âu, Bắc Mỹ, giữ ổn định trong 17,0 – 17,9%.

Trong khi đó, số liệu thống kê từ năm 2021 -2023 của Bộ GD&ĐT cho thấy, tỉ lệ người học đại học trong độ tuổi từ 18 - 22 của Việt Nam đạt từ 22,9% đến xấp xỉ 30%.

Chúng ta chỉ ở mức bình quân của các nước trung bình và thấp hơn rất nhiều với các nước trong khu vực. Ví dụ: Thái Lan 34,8%, Singapo 54,9%, Đức 44,2%, Anh 44,36% và Mỹ xấp xỉ 46%, thấp hơn hẳn những nước có thu nhập trung bình cao gần 37%.

Như vậy, mô hình hình tháp nhọn truyền thống là lấy cơ sở là đào tạo sơ cấp, trung cấp không còn phù hợp. Mức độ đáy của trình độ đào tạo nghề nghiệp đang dần tiệm cận lấy trình độ đại học làm chuẩn.

Vì vậy, cần tính toán lại ở tầm vĩ mô cơ cấu và quan điểm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học. Quan điểm thầy - thợ trong đào tạo nhân lực chất lượng cao cũng đang tiệm cận với nhau, rất khó phân biệt đâu là thầy, đâu là thợ, đặc biệt là các ngành nghề chất lượng cao và mũi nhọn.

duanjpg3-7703-9935.jpg
Sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: NTCC.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Về nội dung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành nghề mới nổi, công nghệ kỹ thuật mũi nhọn, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trao đổi, chúng ta đang đào tạo trong bối cảnh nền kinh tế mà tỉ trọng doanh nghiệp FDI khá lớn.

Đặc điểm của những doanh nghiệp FDI là thu hút đầu tư. Khi đó, một doanh nghiệp đến Việt Nam thì họ sẽ đem đến những lĩnh vực Việt Nam chưa có, mới. Câu hỏi đặt ra là đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực chưa? Đó là câu hỏi khó trả lời.

Vì vậy, Bộ trưởng cho rằng, phải phân tích được những khó khăn của đào tạo nhân lực để đáp ứng cho các doanh nghiệp FDI, với những lĩnh vực trong nước mà chúng ta chưa có. Kế hoạch và sự chủ động trong tương lai cần tăng lên mới có thể đáp ứng yêu cầu.

Một số đại biểu còn băn khoăn về việc in sách giáo khoa và phát hành có những vấn đề lợi ích nhóm. Bộ trưởng trao đổi, ngành Giáo đã chấn chỉnh rất nhiều, có một vài người liên quan đến tổ chức đấu thầu giấy, in, phát hành sách phạm pháp. Những người này đều được xử lý theo quy định của pháp luật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xuân Son không dự Asian Cup 2027 vì chấn thương.

Xuân Son không dự Asian Cup 2027

GD&TĐ - Tiền đạo Nguyễn Xuân Son không có tên trong danh sách tuyển Việt Nam tập trung đầu tiên sau Tết Nguyên đán 2025.