Bộ trưởng Bộ Y tế: Dịch COVID-19 không thể kết thúc trong 6 tháng đầu năm 2021

GD&TĐ - Sáng 19/2, tại hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh thành về công tác phòng chống dịch COVID-19, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhận định, dịch COVID-19 không thể kết thúc trong 6 tháng đầu năm nay.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại cuộc họp giao ban trực tuyến phòng chống dịch COVID-19 sáng 19/2. Ảnh: Bộ Y tế.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại cuộc họp giao ban trực tuyến phòng chống dịch COVID-19 sáng 19/2. Ảnh: Bộ Y tế.

Phát biểu tại cuộc họp giao ban trực tuyến phòng chống dịch COVID-19 sáng 19/2, GS.TS Nguyễn Thanh Long - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay, nhiệm vụ trọng tâm quý I/2021, Bộ Chính trị, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy Đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo mọi điều kiện, phương tiện, mọi biện pháp kiểm soát đại dịch COVID-19, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu, vừa cấp bách, vừa lâu dài.

"Dịch COVID-19 sẽ không thể kết thúc trong 6 tháng đầu năm và cả năm 2021" – Bộ trưởng nói và nhấn mạnh lại quan điểm, yêu cầu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, là người đứng đầu cấp uỷ phải chịu trách nhiệm với công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn của mình, chỉ đạo trực tiếp với công tác này.

Các địa phương phải chuẩn bị tất cả tình huống, kịch bản, không chủ quan, lơ là với phòng chống dịch; phải vận dụng triệt để phương châm "4 tại chỗ" để khi dịch xảy ra có phương án ứng phó ngay. Tinh thần này, theo Bộ trưởng, đã được quán triệt ngay từ đầu năm 2020, khi dịch mới xảy ra ở Việt Nam.

Tại hội nghị, nhấn mạnh chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần yêu cầu các địa phương chuẩn bị các phương án, kịch bản cho việc xét nghiệm nhiều hơn, Bộ trưởng Y tế cho rằng, phải đưa ra phương án dịch ở mức độ nào thì chuẩn bị xét nghiệm bao nhiêu, phải nâng công suất xét nghiệm trong thời gian rất ngắn mới đáp ứng được yêu cầu.

"Ở một số địa phương, Bộ phải điều động lực lượng tinh nhuệ vào để giải toả ban đầu, đó là 1-2 địa phương, Bộ mới đáp ứng được nhu cầu xét nghiệm, nhưng nếu nhiều thì sao?" – Bộ trưởng đặt vấn đề.

Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng đề nghị các tỉnh quan tâm đặc biệt tới công tác xét nghiệm, điều hành trong lấy mẫu và điều phối xét nghiệm. Tất cả các nhân viên y tế phải được tập huấn lấy mẫu, chia nhỏ để lấy mẫu, tại gia đình, cộng đồng, tại khu cách ly… Cùng đó, chuẩn bị trang thiết bị cho xét nghiệm.

Bộ trưởng nhận định vai trò của xét nghiệm "là mấu chốt trong kiểm soát dịch", do đó, cần khoanh vùng rộng, lấy mẫu diện rộng, xét nghiệm nhanh và phong toả diện hẹp để tránh tác động lớn lên người dân, nhưng phải làm được xét nghiệm mới làm được. Nếu xét nghiệm chậm, chúng ta sẽ chạy theo dịch chứ không phải ngăn chặn dịch.

"Đặc biệt, biến chủng SARS-CoV-2 của Anh gây bùng dịch ở Hải Dương lây lan nhanh, phải chặn chứ không phải đuổi theo dịch. Càng đuổi sẽ càng đuối", Bộ trưởng nói.

Đề cập đến việc chuẩn bị phương án điều trị, Bộ trưởng đề nghị các địa phương trong tình huống phát hiện một hoặc vài ca bệnh phải có nhiều có phương án.

Riêng với Hải Dương, Bộ Y tế chỉ đạo phải thiết lập ngay 2 bệnh viện dã chiến, hôm nay sẽ đưa vào hoạt động bệnh viện dã chiến thứ 3.

Với các địa phương, theo chỉ đạo của Thủ tướng theo Chỉ thị 05, cơ sở y tế lên tục phải sàng lọc, "địa phương đừng vì không có ca bệnh mà không chủ động làm xét nghiệm, không làm sàng lọc", bởi nếu phát hiện càng sớm, tiến hành dập dịch càng nhanh.

Bộ trưởng lưu ý, nếu để một thời gian rồi mới xét nghiệm phát hiện ra thì ổ dịch đã phát triển nhanh rồi. Ổ dịch ở công ty Poyun là một ví dụ. Phải liên tục giám sát, thực hiện nghiêm các đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia và hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ