Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng sim rác tồn tại dưới hai dạng:
Thứ nhất, sim đã được kích hoạt sẵn và tồn tại trên kênh phân phối và khách hàng có thể mua dễ dàng. Thứ hai, sim đã đến tay người dùng.
“Hôm qua, tôi có nói về giải pháp căn cơ đó là người dùng sim phải chính danh, phải đăng ký đầy đủ thông tin và cái gốc của thông tin là cơ sở dữ liệu về căn cước công dân, trong đó có số chứng minh thư, có ảnh, có vân tay để khi đăng ký chính xác, đúng người, đúng sim” – Bộ trưởng Hùng nói.
Trong lúc chưa có cơ sở dữ liệu căn cước về công dân chúng ta làm gì? Bộ trưởng đưa một số giải pháp đã thực hiện của Bộ Thông tin và Truyền thông:
Thứ nhất, thu hồi sim rác. Cuối năm 2016, các nhà mạng đã tiến hành thu hồi sim rác đã kích hoạt sẵn trên kênh phân phối và đến tháng 7 năm 2017 đã thu hồi được 24 triệu sim; trong số đó, gần 50% thuộc về nhà mạng lớn nhất đó là Viettel.
Thứ hai, đăng ký lại thông tin thuê bao. Bắt đầu từ tháng 7 năm 2017 các nhà mạng triển khai thực hiện đăng ký lại thông tin thuê bao, trong đó có chụp ảnh. Những thuê bao nào chưa đủ thông tin không đăng ký lại sẽ kiên quyết cắt dịch vụ.
Sắp tới, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Sim mới sẽ phải đăng ký đầy đủ thông tin, bao gồm cả chụp ảnh. Các nhà mạng không đưa ra thị trường những sim giá rẻ để cho người sử dụng dùng sim thay thẻ điện thoại.
Thứ ba, nghiên cứu công nghệ nhận dạng và xác thực ảnh chụp với ảnh chứng minh thư. Bộ Thông tin và Truyền thông đã chính thức giao nhiệm vụ cho tập đoàn VNPT phát triển công nghệ này và dự kiến quý II năm 2019 sẽ xong. Công nghệ này không chỉ giúp việc đăng ký sim mà còn giúp xác thực trong việc đăng ký nhiều loại thẻ và dịch vụ khác.
“Làm được ba việc này sẽ giải quyết được vấn nạn sim rác một cách đáng kể. Trong khi chúng ta đang chờ đợi một giải pháp căn cơ là xây dựng cơ sở dữ liệu căn cước công dân” – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay.