Bộ trưởng Bộ Tài chính: Tổ chức 32 nghìn cuộc thanh tra, xử lý 23 nghìn tỷ đồng

GD&TĐ - Tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, về nội dung tiết kiệm, chống lãng phí, đây là phạm trù rộng lớn bao gồm cả lãng phí về vật chất và lãng phí phi vật chất.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tại Kỳ họp thứ Nhất Quốc hội khóa XV.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tại Kỳ họp thứ Nhất Quốc hội khóa XV.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, về lãng phí vật chất như: sử dụng lãng phí về ngân sách, quỹ ngoài ngân sách, các nguồn lực nhà nước, các vấn đề liên quan đến công trình, dự án chậm tiến độ, sai mục tiêu,...

Lãng phí phi vật chất như bỏ lỡ thời cơ hoặc các cam kết quốc tế, không sử dụng nguồn nhân lực, người tài,…

Ở trong phạm trù này, Bộ Tài chính mong muốn căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và phạm vi công tác của cơ quan Nhà nước trong quản lý về nhà nước về các vấn đề liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần tập trung một số vấn đề chính.

Về phạm vi chấp hành kỷ luật kỷ cương, Bộ Tài chính luôn coi đây là vấn đề cốt lõi nếu lãnh đạo không kiểm tra thì xem như không lãnh đạo. Vì vậy, công tác kiểm tra, giám sát và chấp hành kỷ luật, kỷ cương về tài chính ngân sách, quản lý nguồn lực luôn luôn được nâng cao và luôn được quan tâm một cách sát sao.

Bộ trưởng dẫn chứng số liệu cụ thể: Năm 2020, thanh tra cả nước đã tiến hành 6.199 cuộc thanh tra hành chính, 181.227 cuộc thanh tra chuyên ngành và đã phát hiện nhiều sai phạm. Từ đó, đã thu hồi nhiều tỷ đồng; thu hồi đất sai phạm; kiến nghị xử lý nhiều tập thể, cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 97 vụ việc sai phạm. Thực hiện nhiều kiến nghị của kiểm toán đã đạt 73,5% và đã đôn đốc thực hiện vấn đề sau thanh tra, trách nhiệm đối với 1.066 tập thể, 3.658.000 cá nhân và chuyển điều tra khởi tố 12 vụ sau thanh tra.

Về sửa đổi văn bản pháp luật, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ, năm 2020 đã sửa đổi 15 Luật, 157 Nghi định, 323 Thông tư, 39 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Riêng 6 tháng đầu năm 2021 trong lĩnh vực tài chính ngân sách, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 17 Nghị định, 9 đề án và Bộ, các Bộ đã ban hành 50 Thông tư.

Kết quả, có nhiều Nghị định có thể nói là đã giải phóng được nguồn lực và bịt các lỗ hổng thất thoát lãng phí.

Về hiệu quả tiết kiệm, đối với bộ máy, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết đã giảm được 6 đơn vị cấp huyện, 546 đơn vị cấp xã và giảm hàng chục ngàn các đơn vị khác.

Riêng Bộ Tài chính đã giảm được 2.076 đầu mối. Bộ Nội vụ đã giảm được 18 đơn vị. Cần Thơ giảm 32 phòng. Cao Bằng giảm 158 đơn vị sự nghiệp công lập…

Với kết quả này, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, bản thân Bộ cũng như các Bộ, ban ngành và đia phương trong cả nước thời gian qua cũng đã rất nỗ lực, cố gắng trong sắp xếp tổ chức, cắt giảm biên chế.

Về công tác thanh tra thực hành tiết kiệm, Bộ trưởng cho biết, riêng ngành Tài chính đã tổ chức thanh tra 6 tháng đầu năm 2021 là 32.000 cuộc thanh tra và xử lý 23.000 tỷ, cắt giảm tiết kiệm chi 55 tỷ bằng 5% dự toán Quốc hội giao.

Đối với một số ý kiến cụ thể đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, về chỉ số đánh giá hiệu quả thì hiện nay đã ban hành các định mức kinh tế kịch trần và các chỉ số để đánh giá. Bên cạnh đó, các chỉ tiêu xã hội cũng đang được xây dựng.

Ý kiến của đại biểu về định mức chi cho miền núi còn thấp, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, về vấn đề định mức chi thường xuyên, Bộ Tài chính đã lấy ý kiến các địa phương, các ban ngành và trình với Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để ban hành định mức trên cơ sở đó để lập dự toán.

Do đó, các định mức này là một chỉ tiêu bình quân nên trong quá trình thực hiện những địa phương nào hụt thu thì được ngân sách trung ương hỗ trợ, đảm bảo hoạt động bộ máy một cách bình thường, hiệu quả.

Về ý kiến đối với Quỹ ngoài ngân sách, Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ, Bộ đang đề nghị với Chính phủ, Quốc hội sẽ giảm đi khoảng 30 quỹ trong tổng số 52 Quỹ ngoài ngân sách hiện nay. Theo Bộ trưởng, các Quỹ ngoài ngân sách phát sinh nhiều tuy nhiên nhiều Quỹ hoạt động không hiệu quả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ