Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh trả lời chất vấn của ĐBQH. |
Về công tác lập dự toán thu NSNN, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết, việc xây dựng dự toán thu NSNN được thực hiện dựa trên cơ sở tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, tốc độ tăng trưởng kinh tế và số thực hiện thu NSNN năm trước.
Khi tổ chức thực hiện dự toán thu NSNN phụ thuộc vào nhiều yếu tố do khách quan mang lại như, sự thay đổi chính sách, chế độ thu; báo cáo đăng ký dự kiến kế hoạch sản xuất - kinh doanh của các ngành, Tổng công ty, Tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, có một số khoản thu phụ thuộc vào yếu tố khách quan (giá cả, thị trường,…), khó dự báo chính xác như, thu từ nhà đất, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu, thu dầu thô…; mặt khác, năm 2008 và năm 2009 là năm đặc thù do ảnh hưởng của khủng hoảng và suy giảm kinh tế toàn cầu, giá cả hàng hóa và tình hình sản xuất kinh doanh biến động lớn (ví dụ: khi xây dựng dự toán, dự kiến giá dầu thô năm 2008 sẽ dao động trong khoảng từ 60 - 70 USD/thùng nhưng thực tế trong năm 2008, giá dầu thô thế giới đã tăng đột biến, có thời điểm lên tới 147 USD/thùng, bình quân cả năm đạt 104 USD/thùng, tăng 40 USD/thùng so với giá xây dựng dự toán. Về sản lượng khai thác, tiêu thụ Tập đoàn Dầu khí đăng ký là 15,49 triệu tấn, thực tế thực hiện chỉ đạt 13,6 triệu tấn).
Do đó, loại trừ các khoản tăng do yếu tố khách quan (thu từ dầu thô, thu do điều chỉnh thuế xuất nhập khẩu, thu từ nhà đất, thu viện trợ không hoàn lại đã trình bày trong báo cáo trình Quốc hội) thì thực chất số thu từ hoạt động SXKD tăng ở mức phù hợp (năm 2008 tăng 6% so với dự toán , mức tăng này thể hiện sự tích cực và tạo sự chủ động trong điều hành ngân sách cho Trung ương và các địa phương ).
Về quản lý vay nợ Chính phủ, sự cần thiết phải vay nợ cho đầu tư phát triển, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết, so với khu vực và trên thế giới, nền kinh tế nước ta vẫn đang ở trình độ phát triển thấp, nhu cầu vốn đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội cho phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo và đảm bảo các nhu cầu chi phát triển các sự nghiệp văn hoá xã hội là rất lớn. Do vậy, mặc dù thu NSNN những năm gần đây tuy có tăng khá nhưng không đủ đáp ứng nhu cầu chi, vì thế vẫn phải bội chi để tăng thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển. Việc chấp nhận bội chi NSNN thực chất là tranh thủ nguồn vay để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội không có khả năng thu hồi vốn, phục vụ cho phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội, thực hiện tốt chủ trương định hướng xã hội chủ nghĩa.
Ông Vũ Văn Ninh cũng cho biết, mặc dù các năm 2009, 2010 đã phải tăng mức bội chi NSNN và tăng mức phát hành trái phiếu Chính phủ cho đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu chống suy giảm kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, nhưng đã đảm bảo trả nợ đầy đủ các khoản nợ đến hạn, không có nợ xấu; dư nợ Chính phủ, dư nợ quốc gia vẫn được kiểm soát, trong phạm vi an toàn cho phép theo Chiến lược phát triển tài chính quốc gia đến năm 2006 - 2010.
Nợ quốc gia của Việt Nam đến 31/12/2009 chiếm 38,9% GDP; nợ Chính phủ chiếm 41,9% GDP, trong đó nợ trong nước chiếm 41,2%, nợ nước ngoài chiếm 58,8%. Trong nợ nước ngoài 86,5% là các khoản vay trung và dài hạn với lãi suất rất ưu đãi, thời gian ân hạn lớn (vay của WB có thời hạn là 40 năm, trong đó 10 năm ân hạn, lãi suất 0,75%/năm; vay của ADB có thời hạn là 30 năm, trong đó 10 năm ân hạn, lãi suất 1%/năm; khoản vay của chính phủ Nhật Bản có thời hạn 30 năm, 10 năm ân hạn, lãi suất 1 - 2%)
Như vậy, cơ cấu nợ hiện tại là hợp lý, khá ổn định và tương đối bền vững; nhiều tổ chức đánh giá hệ số tín nhiệm quốc tế xếp nước ta vào nhóm các quốc gia có mức nợ nằm trong tầm kiểm soát và không nằm trong nhóm các nước có gánh nặng về nợ.
Quang Anh