Bộ trưởng Bộ NN&PTNT: Không chủ quan, phải cảnh giác đến khi bão số 9 dứt hẳn!

GD&TĐ - Ông Nguyễn Xuân Cường – Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó trưởng Ban chỉ đạo tiền phương phòng, chống bão số 9 cho rằng, một cơn bão lịch sử đặt ra yêu cầu toàn bộ hệ thống chính trị, toàn bộ người dân phải vào cuộc...

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại cuộc họp ở Sở chỉ huy tiền phương đặt tại Đà Nẵng. 
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại cuộc họp ở Sở chỉ huy tiền phương đặt tại Đà Nẵng. 

Chiều 28/10, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Phó trưởng Ban chỉ đạo tiền phương phòng, chống bão số 9 (Molave) đã chia sẻ với báo chí về những thiệt hại của cơn bão số 9.

Theo Bộ trưởng, bão số 9 đã hoành hành đất liền các tỉnh từ Thừa Thiên Huế - Phú Yên, trọng điểm là Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng và một phần của Bình Định. Chưa có cơn bão nào mà thời gian lưu gió mạnh kéo dài liên tục hơn 6 giờ đồng hồ như bão số 9 (Molave).

Từ 10 giờ sáng nay (28/10) đến 16 giờ chiều cùng ngày, tốc độ gió vẫn là cấp 10, giật cấp 11, 12, cho thấy sức tàn phá rất khủng khiếp. Bão có gió lớn và đi cùng với quy mô như vậy gây mưa lớn suốt từ tối 27/10 đến nay, có những điểm mưa trên 200mm liên tục.

“Chỉ trong 2 ngày, chúng ta phải thực hiện khối lượng công việc khổng lồ, từ việc di dời 400.000 người dân ở vùng nguy hiểm ở 6 tỉnh thành đến việc đưa 45.000 tàu thuyền của ngư dân với 300.000 lao động đến nơi an toàn. Các thiết chế hạ tầng trên bờ, các hoạt động kinh tế của 6 tỉnh tạm thời đóng cửa, một khối lượng công việc khổng lồ phải kiểm tra”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thông tin.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đến giờ phút này bão đã hoành hành vô cùng khốc liệt. Con số thiệt hại ban đầu đã ghi nhận một trường hợp ở Tây Nguyên tử vong, còn miền Trung chưa có thiệt hại về người.

“Tuy nhiên, có 2 tàu cá của Bình Định với 26 ngư dân vẫn đang mất tích, các cơ quan chức năng đang nổ lực tìm kiếm. Cơn bão khốc liệt gây thiệt hại vô cùng lớn về tài sản, hàng chục vạn ngôi nhà của dân và hạ tầng đã hỏng hóc, công trình kinh tế cũng thiệt hại nặng nề”, ông Cường nói.

Ông Cường cho rằng, một cơn bão lịch sử ập vào vùng lũ chồng lũ đặt ra yêu cầu toàn bộ hệ thống chính trị, toàn bộ người dân phải vào cuộc, ý thức người dân rất cao, thực hiện nghiêm chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương, do đó kết quả ban đầu là giảm thiểu đến mức thấp nhất tỷ lệ thiệt hại về người.

“Chúng tôi còn rất nhiều việc gian nan tiếp đây, vì hoàn lưu bão gây gió rất lớn, cấp 9 cấp 10 thậm chí có tâm điểm cấp 11, vẫn còn hoạt động nhiều giờ nữa thậm chí là cả đêm hôm nay. Do đó công tác sơ tán hơn 400.000 dân là biện pháp hàng đầu để đảm bảo đời sống người dân.

Thứ hai, toàn bộ tàu thuyền đang tại nơi lưu trú phải đảm bảo an ninh an toàn, không xảy ra thiệt hại mặc dù gió vẫn đang rất mạnh” – ông Cường nhấn mạnh.

Cạnh đó, một trong những việc nảy sinh bức xúc nhất hiện nay là lũ trên các sông, đặc biệt là sông Vệ đã lên trên báo động số 3. Những giờ tới dự đoán sẽ lên cao, thậm chí trên mức báo động số 3 khoảng 1 mét. Lực lượng chức năng vẫn tiếp tục di dời người dân ở những hạ du của các lưu vực sông Nam Trung Bộ, tiến hành khẩn trương, thậm chí trong đêm để đảm bảo không có rủi ro thương vong đối với người dân.

Tuy nhiên, khu vực Tây Nguyên vẫn đang mưa gió lớn, phải tiếp tục nêu cao cảnh giác, nếu không thiệt hại sẽ không kém ở miền Trung. Mặt khác, phải điều hành, vận hành các hồ chứa khoa học, vì hiện nay 1 - 2 ngày tới vẫn còn mưa lớn. Đặc biệt là khu vực Bắc Trung Bộ, đây là khu vực hệ thống hồ thủy điện, thủy lợi đã đầy nước và tổn thương qua 3 đợt lũ vừa rồi.

“Bên cạnh đó, Nam Trung Bộ các sông đã nhiều nước, hệ thống hồ cũng đây, nếu xảy ra vấn đề gì nữa thì dễ gây ra hậu quả khôn lường. Không được chủ quan, chúng ta phải cảnh giác đến khi bão dứt hẳn sau đó mới tái thiết phục hồi”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.