“Tôi lạc quan rằng từ năm nay đến năm sau, Ukraine sẽ tiếp tục có động lực và vị thế về sức mạnh” - ông Wallace nói với các phóng viên trong chuyến đi tới Washington, DC, được tờ New York Times trích dẫn.
Tuy nhiên, ông Wallace cũng cảnh báo rằng “sẽ không có một khoảnh khắc kiểu cây đũa thần nào khiến nước Nga sụp đổ”.
Vương quốc Anh là một trong những nước ủng hộ chính của Kiev, cung cấp vũ khí hạng nặng cho nước này, bao gồm cả xe tăng Challenger 2.
Theo Bộ Quốc phòng, Anh đã huấn luyện 10.000 binh sĩ Ukraine và cam kết sẽ huấn luyện thêm 20.000 binh sĩ nữa trong năm nay.
Trong nhiều tháng qua, Kiev đã thẳng thắn lên kế hoạch phản công, nhưng không công khai thời gian biểu. Tuy nhiên, các quan chức Ukraine đã nói rằng lịch trình và thành công của nỗ lực này sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc cung cấp xe tăng và các thiết bị khác của phương Tây.
Hôm 17/4, Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine Aleksey Danilov nói rằng cuộc phản công sẽ bắt đầu vào thời điểm thích hợp khi đất nước sẵn sàng. Trong khi đó, Thủ tướng Denis Shmigal gần đây nói rằng cuộc tấn công sẽ bắt đầu “trong tương lai gần nhất”.
Ông Shmigal tuyên bố vụ rò rỉ tài liệu mật của Lầu Năm Góc, bao gồm các báo cáo về cách các nước phương Tây huấn luyện và trang bị cho quân đội Ukraine, sẽ không làm thay đổi kế hoạch phản công. Tuy nhiên, một nguồn tin thân cận với Tổng thống Vladimir Zelensky nói với CNN rằng Kiev đã thay đổi một số kế hoạch vì vụ rò rỉ.
Một số nhà lãnh đạo phương Tây, trong đó có Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, cảnh báo cuộc xung đột Ukraine có thể kéo dài nhiều năm. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết Washington quyết tâm hỗ trợ Kiev “cho đến chừng nào còn có thể”.
Theo Điện Kremlin, quân đội Nga đã “theo dõi tỉ mỉ” thông tin liên quan đến các kế hoạch của Ukraine. Moscow cũng nhiều lần tuyên bố rằng các quốc gia gửi vũ khí cho Kiev, trên thực tế đã trở thành các bên của cuộc xung đột.