Bộ Thông tin và Truyền thông phổ biến Luật Báo chí năm 2016

GD&TĐ - Nhằm phổ biến, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho lãnh đạo, cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên cơ quan báo chí các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực phía Bắc, từ Thừa Thiên - Huế trở ra, chiều 7/11, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức Hội nghị phổ biến Luật Báo chí năm 2016.

Bộ Thông tin và Truyền thông phổ biến Luật Báo chí năm 2016

Tham gia Hội nghị có Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo, Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc, cùng đại diện lãnh đạo Sở TT&TT, các cơ quan báo chí, đài phát thanh - truyền hình phóng viên, biên tập viên cơ quan báo chí khu vực phía Bắc.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT khẳng định: Luật Báo chí mới là hành lang pháp lý quan trọng, với nhiều quy định mới, tiến bộ, phù hợp với thực tiễn đời sống báo chí, công tác báo chí, mang tính thời đại, xây dựng một nền pháp lý vững chắc và cụ thể cho việc phát triển báo chí trong giai đoạn mới. Để triển khai thi hành Luật, ngày 28/10/2016, tại TP Cần Thơ, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị phổ biến Luật Báo chí 2016 các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam và đạt được kết quả tốt.

Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo đề nghị lãnh đạo Cục Báo chí (Bộ TT&TT) và các đại biểu tập trung giới thiệu, trao đổi, đi sâu, làm rõ những quy định mới của Luật Báo chí 2016 và việc xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật trong thời gian tới.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe đồng chí Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí, giới thiệu tóm tắt quá trình xây dựng và nội dung cơ bản, những điểm mới của Luật Báo chí 2016; quán triệt về nội dung Luật Báo chí 2016 và góp ý sửa đổi, bổ sung Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam.

Theo đó, ngày 5/4/2016, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Báo chí với số phiếu tán thành cao. Luật Báo chí 2016 gồm 6 chương với 61 điều, so với luật cũ tăng 25 điều, trong đó 32 điều xây dựng mới và 29 điều sửa đổi bổ sung các quy định của Luật Báo chí hiện hành, Luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2017. Điểm cốt yếu nhất của Luật là khẳng định quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của người dân, bảo đảm quyền tiếp nhận thông tin và quyền được thông tin của xã hội. Luật quy định rõ quyền và nghĩa vụ của cơ quan báo chí; cơ quan chủ quản báo chí và nhà báo; trách nhiệm cung cấp thông tin của cơ quan Nhà nước; quyền sáng tạo tác phẩm báo chí; trách nhiệm bảo vệ nguồn tin; tiêu chuẩn cấp thẻ nhà báo, phản hồi, tiếp cận khiếu nại trên báo chí…

Ngoài việc được tiếp thu những nội dung cơ bản của Luật, các đại biểu cũng thảo luận một số nội dung liên quan như: Quy hoạch báo chí địa phương; công tác quản lý, cấp phép các trang thông tin điện tử và một số vướng mắc trong thực tiễn quản lý; hoạt động báo chí khi Luật Báo chí năm 2016 có hiệu lực thi hành…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ