Bộ tài liệu song ngữ: Nâng cao vốn tiếng Việt, gìn giữ ngôn ngữ dân tộc

GD&TĐ - Với mong muốn giúp học sinh nâng cao, giữ gìn ngôn ngữ, tiếng nói của người đồng bào dân tộc thiểu số, ngành Giáo dục Kon Tum đã nghiên cứu, thực hiện Bộ tài liệu song ngữ Việt - Xơ Đăng và Việt – Giẻ Triêng.

Học sinh tiểu học thích thú khi đọc truyện tranh song ngữ.
Học sinh tiểu học thích thú khi đọc truyện tranh song ngữ.

Gìn giữ tiếng mẹ đẻ thông qua truyện tranh

Là tỉnh miền núi với hơn 567.000 dân, 34 dân tộc, trong đó, người dân tộc thiểu số (DTTS) tại Kon Tum chiếm 53,25%, có 7 dân tộc tại chỗ, gồm: Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai, Giẻ Triêng, Brâu, Rơ Măm và Hre (Hrê). Ngoài ra còn các tộc người khác như Mường, Nùng, Tày, Thái, Sán Dìu, Chăm, Ê Đê, Cà Tu, Dao… Mỗi tộc người mang đến cho Kon Tum một nét văn hóa độc đáo riêng. Đặc biệt, kho tàng truyện cổ dân gian ở đây vô cùng phong phú, đa dạng.

Bà Huỳnh Thị Thu Vân, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Tiểu học – Sở GD&ĐT Kon Tum, cho biết: Tiếng Việt là ngôn ngữ thứ hai của học sinh vùng DTTS của tỉnh Kon Tum. Tiếng Việt được các em tiếp thu sau tiếng mẹ đẻ. Do đó, nhiều học sinh tiểu học người DTTS vẫn còn hạn chế khi nói và viết tiếng Việt.

Để tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS, Ban biên soạn gồm 13 người thuộc Sở GD&ĐT Kon Tum và một số giáo viên đã tìm hiểu, nghiên cứu. Sau nhiều ngày làm việc, trao đổi Ban biên soạn nhận thấy kho tàng truyện cổ các dân tộc thiểu số Tây Nguyên là nguồn tư liệu quý giá, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và khả năng tiếp nhận của học sinh tiểu học. Không những thế, đây là tài liệu gần gũi giúp trẻ học, phát triển tiếng Việt. Đồng thời vừa giữ gìn ngôn ngữ, tiếng nói của dân tộc Xơ Đăng và Giẻ Triêng tại địa phương.

“Sau gần một năm tìm hiểu, nghiên cứu và thực hiện bộ tài liệu bổ trợ ngôn ngữ cho học sinh DTTS tỉnh Kon Tum cấp tiểu học được ra đời. Bộ tài liệu gồm năm truyện tranh của các dân tộc sinh sống trên quê hương Kon Tum gồm: Sự tích ngày và đêm, Sự tích núi Nồi Cơm, Thanh đao thần, Dúi cứu Voi, Chú khỉ nghịch ngợm. Mỗi câu chuyện được xuất bản với 2 ấn bản truyện tranh song ngữ Việt - Xê Đăng và Việt – Giẻ Triêng”, bà Vân chia sẻ.

Thầy A Kluôn, giáo viên lớp 1 và 2, điểm trường Đăk Lâng, Trường PTDT Bán trú Tiểu học Đăk Ring (xã Đăk Ring, huyện Kon Plông, Kon Tum) là người Xơ Đăng tự tin tiếp cận và giảng dạy học sinh. “Năm học 2022 - 2023, bộ tài liệu được đưa vào giảng dạy, tôi sẽ hướng dẫn học sinh đọc những câu chuyện cổ tích từ tiếng Xơ Đăng và dịch qua tiếng phổ thông. Từ đó, giúp học sinh gìn giữ tiếng mẹ đẻ và phát triển vốn tiếng Việt”.

Học sinh biểu diễn tiết mục văn nghệ truyền thống của người đồng bào dân tộc thiểu số.
Học sinh biểu diễn tiết mục văn nghệ truyền thống của người đồng bào dân tộc thiểu số.

Học sinh tham gia thực hiện bộ tài liệu

Bộ truyện cổ DTTS tỉnh Kon Tum gồm 2 ngôn ngữ: Việt - Xơ Đăng và Việt – Giẻ Triêng lần đầu tiên được sưu tầm, biên tập theo lối truyện tranh phù hợp với sở thích và phù hợp trình độ đọc của học sinh tiểu học. Bên cạnh đó, đây là tài liệu hỗ trợ giáo viên trong việc lựa chọn ngữ liệu song ngữ phù hợp với khả năng tiếp nhận của học sinh DTTS. Từ đó, rèn luyện các kỹ năng giao tiếp, giúp học sinh sử dụng tiếng Việt thành thạo trong cuộc sống và học tập tốt các môn học, hoạt động giáo dục.

Không những vậy, sau mỗi truyện cổ DTTS tỉnh Kon Tum đều có định hướng để các cơ sở giáo dục tổ chức tiết đọc tại thư viện. Bộ truyện cổ cũng giúp cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên thư viện biết cách tổ chức, quản lý hoạt động thư viện nhằm xây dựng văn hóa đọc trong nhà trường và bước đầu lan tỏa tới gia đình, cộng đồng.

Đặc biệt, theo bà Vân, bộ truyện tranh có sự góp mặt của những “họa sĩ nhí” là học sinh tiểu học của tỉnh Kon Tum. Theo đó, từ nội dung các truyện cổ được sưu tầm ban đầu, học sinh tiểu học trên toàn tỉnh tham gia “Cuộc thi vẽ tranh truyện cổ các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum”. Từ bức vẽ của học sinh tạo nguồn cảm hứng để họa sĩ khắc họa lên những hình ảnh nhân vật trong truyện cổ đưa vào bộ tài liệu song ngữ.

Với đa số học sinh là người đồng bào DTTS Xơ Đăng. Do đó, cô Hồ Thị Thùy Vân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đăk Hà (huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum), nhận định: Bộ tài liệu song ngữ phù hợp với học sinh. Trong năm học tới, nhà trường sẽ lồng ghép, đưa bộ tài liệu song ngữ này vào các tiết học trên lớp. Bên cạnh đó, chỉ đạo giáo viên dạy trong tiết học thư viện để học sinh đọc, hiểu và phát triển tiếng Việt.

“Nhà trường sẽ tận dụng giáo viên địa phương để giảng dạy cho học sinh. Hoặc hợp đồng với giáo viên có kinh nghiệm, chuyên môn để giúp các em vừa lưu giữ ngôn ngữ dân tộc mình, vừa nâng cao vốn tiếng Việt”, cô Vân nói.

Trong buổi ra mắt Bộ tài liệu song ngữ Việt – Xơ Đăng và Việt – Giẻ Triêng,  em Trần Kim Yến, học sinh lớp 4B, Trường Tiểu học Ka Pa Kơ Lơng (huyện Kon Rẫy) được tiếp cận, đọc các câu chuyện với 3 ngôn ngữ khác nhau.

“Em thấy bộ tài liệu rất hay và ý nghĩa. Trong mỗi cuốn sách, câu chuyện đều có 2 ngôn ngữ khác nhau. Từ đó, giúp chúng em có thể nâng cao vốn tiếng Việt, đồng thời gìn giữ tiếng của dân tộc mình. Ngoài ra, em cũng có thể tìm hiểu, đọc để biết, hiểu rõ hơn về ngôn ngữ, văn hóa và phong tục tập quán của nhiều dân tộc”, Kim Yến chia sẻ.

“Mỗi cuốn sách hay cho ta một điều tốt. Một người bạn tốt cho ta một điều hay. Hy vọng mỗi trang sách sẽ mang lại niềm vui, những điều bổ ích cho các em. Ngành Giáo dục mong rằng, bộ tài liệu này sẽ thực sự trở thành người bạn đồng hành thân thiết của mỗi học sinh và nhà trường. Sở GD&ĐT sẽ tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu để sáng tạo ra nhiều bộ tài liệu song ngữ khác nhằm giúp học sinh lưu giữ được tiếng mẹ đẻ và phát triển tiếng Việt”. - Bà Huỳnh Thị Thu Vân

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.