Ngày 10/4, tại hội nghị Thủ tướng với các địa phương, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, cơ quan này tiếp tục đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh người nộp thuế thu nhập cá nhân thêm 2 triệu đồng, lên 11 triệu đồng một tháng. Mức giảm trừ người phụ thuộc tăng 800.000 đồng, lên 4,4 triệu đồng mỗi tháng.
Ông Dũng cho biết, theo quy định, nếu Chính phủ đồng ý thì giải pháp này sẽ được trình lên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua bằng một nghị quyết.
Theo đó, điều chỉnh này sẽ có khoảng 6,8 triệu người được hưởng lợi, trong đó 1 triệu đối tượng không phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Tổng số thu người lao động được giữ lại để chi tiêu khoảng 10.300 tỷ đồng.
Trước đó, đề xuất tăng giảm trừ gia cảnh và mức phụ thuộc thuế thu nhập cá nhân thêm 2 triệu đã được Bộ Tài chính đưa ra hồi tháng 2, song nhận nhiều ý kiến trái chiều từ các chuyên gia và người dân. Nhiều quan điểm cho rằng, mức giảm trừ nâng lên 11 triệu đồng là lạc hậu, vô cảm.
Theo các chuyên gia, nếu muốn tính cho gọn thì Bộ Tài chính phải dùng tốc độ tăng trưởng GDP để đo tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người. Vì đây là "ngưỡng thu nhập chịu thuế" nên phải điều chỉnh bằng tốc độ tăng thu nhập, chứ không được đánh tráo khái niệm bằng "tốc độ tăng CPI".
Giải thích sau đó, Thứ trưởng Tài chính Vũ Thị Mai cho rằng, mức mới này được tính toán phù hợp với biến động giá cả, Luật thuế thu nhập cá nhân.
Cũng theo ông Dũng, tại kỳ họp Quốc hội tháng 5 tới, Chính phủ sẽ trình việc điều chỉnh giảm thuế thu nhập doanh nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ từ 1/7. Mức thuế suất dự kiến áp dụng 15-17% tuỳ thuộc quy mô doanh thu, số lao động của doanh nghiệp.
Ngoài ra, hộ kinh doanh nếu "lên đời" doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ sẽ được miễn khoản thuế này trong 2 năm từ khi phát sinh thu nhập chịu thuế....