Theo Bộ GD&ĐT, quy định hiện hành chưa xác định rõ cấu trúc quản trị trong các loại hình trường công lập và ngoài công lập.
Để đảm bảo phù hợp giữa loại hình trường với hình thức quản trị, đảm bảo phát huy hiệu quả hơn nữa các hoạt động của các loại hình nhà trường, đồng thời nhằm đảm bảo tính thống nhất và phù hợp giữa Dự thảo Luật Giáo dục và Dự thảo Luật Giáo dục đại học, Dự thảo đã phân hóa các hình thức quản trị nhà trường theo từng loại hình trường (hội đồng trường, đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị).
Dự thảo Luật hướng tới các mô hình quản trị cơ sở giáo dục theo xu hướng trao quyền tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình nhiều hơn cho các cơ sở giáo dục, nhất là đối với các cơ sở giáo dục đại học.
Để thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của các trường trong các hoạt động về tổ chức bộ máy và nhân sự, tài chính, đào tạo và nghiên cứu khoa học, cơ cấu tổ chức của các cơ sở giáo dục cần được thiết kế hợp lý, phù hợp loại hình trường để thực hiện công tác quản lý.
Đối với cơ sở giáo dục tư thục khuyến khích quản trị theo mô hình doanh nghiệp (theo Luật Doanh nghiệp).
Đối với các trường tư thục không vì lợi nhuận mở rộng các thành phần xã hội khác tham gia vào bộ máy quản trị, đảm bảo tính khách quan, dân chủ trong hoạt động của nhà trường.