Ngày 23/6/2021, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030. Chỉ thị đưa ra định hướng đổi mới trọng tâm, cốt lõi về công tác giảm nghèo trong giai đoạn tiếp theo.
Chuẩn nghèo mới và dự án tiếp cận
Ông Tô Đức – Chánh văn phòng Quốc gia về giảm nghèo cho biết: Chỉ thị 05 của Ban Bí thư hàm chứa các chính sách và chương trình, tổ chức hành động trong giai đoạn mới. Đây là chỉ thị rất nhân văn, thể hiện rõ bản chất của nhà nước xã hội chủ nghĩa, lo cho dân- vì dân. Công tác giảm nghèo đã thực hiện từ nhiều năm qua, việc đưa ra và thực hiện tốt các điểm mới sẽ tác động tích cực hơn nữa đến đời sống của người nghèo.
So với chuẩn nghèo đa chiều tiếp cận giai đoạn 2016-2020, đến nay là chuẩn nghèo đa chiều với các tiêu chuẩn tiến bộ của Việt Nam được quốc tế đánh giá cao. Trong đó, nhìn nhận nghèo đói ở góc độ đa chiều, ngoài chiều thiếu hụt về thu nhập còn xác định rõ các chiều thiếu hụt khác như: Y tế, Giáo dục, nhà ở, nước sạch, thông tin, việc làm. Các chuẩn nghèo mới đã đáp ứng được mức sống tối thiểu đặt ra, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững, khi thoát khỏi các chuẩn nghèo này, thì người nghèo đã thực sự thoát nghèo.
Hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững, với việc áp dụng chuẩn nghèo mới, số hộ nghèo sẽ tiếp tục tăng lên khoảng 2,3 lần. Hiện các địa phương đang rà soát tổng thể các hộ nghèo, trong đó xác định cả các hộ nghèo do tác động của đại dịch Covid, thiên tai,... “Trong điều kiện khó khăn hiện nay, việc đưa chuẩn nghèo mới vào thực hiện, cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong công tác giảm nghèo bền vững.”- ông Tô Đức nhấn mạnh.
Chương trình mục tiêu quốc gia cũng sẽ có những đổi mới hiệu quả hơn, bổ sung các dự án tiếp cận giảm nghèo đa chiều; Hỗ trợ nhà ở, tạo việc làm, sinh kế cho người nghèo thông qua việc phát triển các dự án an sinh trong các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp,… Cải thiện dinh dưỡng cho người nghèo, bà mẹ và trẻ em dưới 16 tuổi thuộc hộ nghèo, vùng khó khăn, dân tộc miền núi.
Phát triển các dự án giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng lao động tại các vùng khó khăn, hỗ trợ đào tạo và việc làm bền vững cho toàn bộ người nghèo có nhu cầu. Mục tiêu phấn đấu mỗi hộ nghèo có ít nhất một người có việc làm bền vững. Bên cạnh đó, phát triển hệ thống dịch vụ việc làm, kết nối việc làm hoặc hỗ trợ người nghèo đi lao động ở nước ngoài.
Nâng cao mức sống tối thiểu
Theo báo cáo kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Việt Nam đến năm 2010, tỷ lệ nghèo của Việt Nam đã giảm từ 58,1% năm 1993 xuống còn 14,5% năm 2008, bình quân mỗi năm giảm được hơn 1,8 triệu lượt người nghèo. Khoảng cách nghèo đói cũng giảm đều qua các năm, đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,75%. Kết quả trên có ý nghĩa rất to lớn, khẳng định ý chí, quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân ta trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, thể hiện tính ưu việt và bản chất tốt đẹp của chế độ ta.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao; chênh lệch mức sống, điều kiện tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường, giải quyết việc làm giữa các địa phương, vùng miền, nhóm dân cư chưa được thu hẹp nhiều,… Nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn, chưa khơi dậy tiềm năng, thế mạnh, chưa phát huy được nội lực của toàn dân và cộng đồng. Biến đổi khí hậu, thiên tai, đặc biệt tác động của dịch bệnh Covid-19 tiếp tục là những thách thức lớn đối với công tác giảm nghèo bền vững.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1 - 1,5%/năm, phấn đấu đến năm 2030, cơ bản không còn huyện nghèo, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể tập trung quán triệt thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp quan trọng. Trong đó, xác định giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Công tác giảm nghèo bền vững là nội dung quan trọng trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế hàng năm. Tiếp tục hoàn thiện chính sách giảm nghèo, chuẩn nghèo đa chiều, bảo đảm mức sống tối thiểu tăng dần và khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản của người dân…