Món quà đầu xuân
Thầy Trương Văn Vũ - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lưu Nghiệp Anh A (Trà Cú, Trà Vinh) chia sẻ: Nhận được thông tin, Bộ GD&ĐT chính thức bỏ quy định về trình độ ngoại ngữ, tin học trong tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của giáo viên các cấp, tập thể sư phạm nhà trường thở phào nhẹ nhõm và như vừa trút được gánh nặng. “Đây là tin tốt, được chúng tôi mong đợi nhất và là món quà đầu xuân năm mới đầy ý nghĩa với đội ngũ nhà giáo” - thầy Vũ bộc bạch.
Từng chứng kiến giáo viên “mất ngày, mất buổi”, thậm chí phải mất khá nhiều tiền để có được chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, thầy Vũ không khỏi xót xa, trăn trở và luôn mong có một ngày xóa bỏ được “giấy phép con” này. Những chứng chỉ này không chỉ là gánh nặng, mà còn tạo áp lực không đáng có, làm giảm động lực phấn đấu và tâm huyết của nhà giáo. Thậm chí, nhiều giáo viên rơi vào cảnh “khóc dở, mếu dở”. “Rất mừng là quy định này được bãi bỏ. Từ nay, giáo viên có thể yên tâm làm việc, cống hiến và sáng tạo những bài giảng hay cho học trò” - thầy Vũ chia sẻ.
Là giáo viên THCS của quận Nam Từ Liêm, cô Bùi Thị Vân cho hay: Tôi và nhiều đồng nghiệp từng “đứng ngồi không yên” để có được chứng chỉ tin học và ngoại ngữ. Chứng chỉ tin học thì đơn giản hơn vì ít nhiều giáo viên cũng từng tiếp xúc và thao tác trên máy tính. Nhưng với chứng ngoại ngữ thì không khác gì “đánh đố” thầy, cô giáo. Bởi có giáo viên ra trường hàng chục năm nên vốn tiếng Anh “rơi rụng” và gần như về “số không”. Vì thế, để có được chứng chỉ, nhiều người phải “chạy ngược, chạy xuôi”, thậm chí “khốn đốn” vì chứng chỉ. Nay Bộ GD&ĐT bãi bỏ quy định này, giáo viên ai nấy đều phấn khởi, hân hoan và vui mừng khôn xiết.
Gần 20 năm là giáo viên mầm non, cô Nguyễn Thị Thu Hằng (Sóc Sơn, Hà Nội) cho biết: Chừng ấy thời gian đứng lớp, nhưng gần như tôi không sử dụng đến ngoại ngữ. Cô Hằng cho rằng: Nếu chứng chỉ ngoại ngữ chỉ dùng để có đủ giấy tờ hoặc làm đẹp hồ sơ, gây lãng phí tiền bạc, công sức và thời gian. Thực tế, nhiều người có trình độ, năng lực tốt nhưng họ không có chứng chỉ; hoặc ngược lại, có những người năng lực kém, nhưng bằng cách này, cách khác có đầy đủ chứng chỉ nên được thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Vì thế, yêu cầu bắt buộc phải có chứng chỉ đã không phát huy hiệu quả như mong muốn, trái lại còn gây áp lực không đáng có cho giáo viên.
“Chúng tôi cảm ơn Bộ GD&ĐT đã hiểu tiếng lòng của giáo viên. Bãi bỏ quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học là điều mà chúng tôi trông ngóng bấy lâu nay” - cô Hằng bộc bạch.
Quyết định “hợp lòng dân”
TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội trao đổi: Theo quy định trước đây, giáo viên các cấp học, hạng chức danh nghề nghiệp ở mọi vùng miền trên cả nước đều phải đáp ứng yêu cầu về trình độ ngoại ngữ từ bậc 1 - 3 (tùy hạng và tùy cấp học); yêu cầu về trình độ tin học ở mức đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT. Với cấp học phổ thông, giáo viên dạy ngoại ngữ được yêu cầu phải có trình độ ngoại ngữ thứ hai tương ứng như trình độ ngoại ngữ của các giáo viên khác.
“Thực ra, quy định này có ý nghĩa và mục đích tốt, giúp giáo viên nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, quy định này đã bộc lộ những bất cập nhất định, thậm chí gây ra hệ lụy như: Tình trạng “mua - bán” chứng chỉ như báo chí phản ánh, gây bức xúc trong xã hội” - TS Nguyễn Tùng Lâm nói.
TS Nguyễn Tùng Lâm cũng đồng tình với việc Bộ GD&ĐT bãi bỏ quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của giáo viên các cấp và bỏ quy định về trình độ ngoại ngữ thứ hai với giáo viên dạy ngoại ngữ.
“Nói như vậy, không có nghĩa chúng ta xem nhẹ ngoại ngữ, tin học. Vấn đề đặt ra là, làm sao để khuyến khích, hỗ trợ, tạo động lực cho giáo viên nâng cao năng lực sư phạm, trình độ ngoại ngữ, tin học. Đây phải là nhu cầu tự thân, để bổ trợ cho công việc của giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng dạy - học” - TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Tăng Thị Ngọc Mai (đoàn Trà Vinh), cho rằng: Quyết định bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học của Bộ GD&ĐT kịp thời và có tính nhân văn; đáp ứng lòng mong mỏi của đội ngũ nhà giáo. Ai cũng hiểu, ngành Giáo dục đang ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng, yêu cầu giáo viên phải có năng lực về ngoại ngữ, tin học là cần thiết. Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng có môi trường để giáo viên sử dụng ngoại ngữ, nhất là với giáo viên vùng sâu, xa, đồng bào dân tộc thiểu số. Vì thế, nếu vẫn giữ quy định bắt buộc giáo viên phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học để thăng hạng chức danh nghề nghiệp là không phù hợp.