Theo phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenko, các lực lượng vũ trang Nga tiếp tục các cuộc tấn công hàng loạt bằng tên lửa trên không, trên biển có độ chính xác cao và vũ khí tầm xa. Điểm đến của các tên lửa này là cơ sở chỉ huy, kiểm soát quân sự và hệ thống năng lượng của Ukraine. Các mục tiêu của cuộc không kích đã đạt được.
Trước đó cùng ngày, truyền thông Ukraine đưa tin hàng loạt vụ nổ xảy ra ở Kiev, Odessa, Vinnitsa, Rovno, Krivoy Rog, Zhitomir, Khmelnitsky, Nikolayev, Dnepropetrovsk, Zaporozhye và Lvov. Trước đó một số khu vực bị mất điện.
Các cuộc không kích hôm nay là ngày thứ hai liên tiếp Nga nhắm vào cơ sở hạ tầng điện của Ukraine cũng như các hệ thống chỉ huy và thông tin liên lạc mà quân đội nước này sử dụng.
Hôm qua, các cuộc không kích tấn công mục tiêu trên 1.000 km, phá hủy hoặc làm hư hại nhiều cơ sở quân sự và gây mất điện trên diện rộng. Truyền thông Ukraine đưa tin 11 người thiệt mạng, hơn 20 người bị thương và có tới 200 tên lửa đã được sử dụng.
Tổng thống Putin nói rằng các cuộc không kích trên là phản ứng đối với các cuộc tấn công của Ukraine nhắm vào lãnh thổ Nga. Trong đó có vụ tấn công cầu Crimea hôm 8/10 khiến 3 dân thường thiệt mạng, vụ tấn công vào đường ống dẫn khí đốt TurkStream, vào cơ sở hạ tầng điện và giao thông của Nga, Nhà máy điện hạt nhân Kursk...
Ông Putin cảnh báo sẽ đáp trả một cách cứng rắn và tương ứng các cuộc tấn công khủng bố vào Nga.
Cho đến nay, Nga thường tránh nhắm mục tiêu vào các cơ sở hạ tầng quan trọng trong quá trình triển khai hoạt động quân sự đặc biệt ở Ukraine theo các mục tiêu đã vạch ra từ đầu. Tổng thống Putin đã nêu mục tiêu của hoạt động quân sự đặc biệt ở Ukraine là “phi phát xít” chính quyền Kiev, và “phi quân sự hóa” các lực lượng vũ trang Ukraine để ngăn chặn các cuộc tấn công vào Donbass.
Cuộc tấn công của Nga vào Ukraine mới đây được tăng cường sau vụ nổ cầu Crimea tạo nguy cơ gia tăng xung đột. Truyền thông phương Tây đưa tin chính phủ ông Zelensky đã nhắc lại mong muốn có tên lửa tầm xa hơn để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.
Moscow nhiều lần cảnh báo Mỹ và đồng minh NATO không nên gửi vũ khí tiên tiến đến Ukraine. Nga cho rằng việc giao những vũ khí này cho Kiev sẽ gây nguy cơ mở rộng cuộc khủng hoảng. Bên cạnh đó, một phần của số vũ khí này, bao gồm vũ khí phòng không di động, có thể bắn hạ máy bay dân dụng. Chúng cũng có thể có mặt tại chợ đen và vào tay các nhóm khủng bố.